Một trong những nội dung quan trọng trong khuôn khổ chương trình thăm chính thức Nhật Bản, sáng 5-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu mở đầu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23, tổ chức tại Thủ đô Tô-ky-ô của Nhật Bản.
Tham dự hội nghị uy tín này có lãnh đạo cấp cao và đại diện các bộ, ngành của nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Băng-la-đét, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc, Lào, Ma-lai-xi-a, Mi-an-ma, Mông Cổ, Pa-kít-xtan, Phi-líp-pin, Thái Lan, Trung Quốc, Xinh-ga-po, Việt Nam. Dự hội nghị, bên cạnh các nhà lãnh đạo, còn có hơn 500 đại biểu từ các tổ chức khu vực và quốc tế, giới học giả, doanh nghiệp Nhật Bản và quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là khách mời danh dự của Hội nghị năm nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23. |
Hội nghị Tương lai châu Á là sự kiện được tổ chức thường niên bởi Nikkei - một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Nhật Bản và khu vực. Trong hai ngày 5 đến 6-6, với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á”, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về các xu thế, yếu tố ảnh hưởng lớn tới tương lai của châu Á như làn sóng chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tuý, quan hệ giữa các nước lớn và thay đổi trật tự thế giới, sự phát triển của ASEAN, Trung Quốc và khu vực Nam Á, tình hình an ninh của châu Á. Các đại biểu cũng trao đổi các biện pháp mà các nước châu Á cần thực hiện trong bối cảnh mới để duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảm phát triển bền vững tại mỗi quốc gia và cả châu lục.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thực tế cho thấy toàn cầu hóa là xu thế và lịch sử cũng cho thấy toàn cầu hóa không chỉ là một tiến trình kinh tế mà còn là sự phản ánh những khát vọng vươn xa, những mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách của loài người.
Thủ tướng nêu bật vai trò động lực tăng trưởng chủ chốt của châu Á đối với quá trình toàn cầu hóa, chỉ ra những thách thức lớn mà châu Á đang phải đối mặt và đề xuất ba nhóm giải pháp chính gồm: Duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh châu Á đang có những thay đổi mang tính cấu trúc; Giải quyết bài toán về mô hình phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm; và tối ưu hóa nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế.
Thủ tướng khẳng định tầm nhìn sẽ quyết định phương thức tư duy, cách thức hành động và hợp tác giữa các quốc gia sẽ giúp xây dựng một châu Á hòa bình và thịnh vượng, nơi mà ước mơ của mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ, dù phát triển hay chưa có điều kiện phát triển đều sẽ được lắng nghe.
Nhân dịp Hội nghị, Thủ tướng đã chia sẻ những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong 30 năm đổi mới và khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hết lòng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ba định hướng lớn mà Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi trong giai đoạn tới là: Kiến tạo các cơ hội phát triển cho đất nước thông qua tăng cường hội nhập quốc tế, tham gia vào các cấu trúc quản trị toàn cầu; Kiến tạo môi trường thuận lợi nhằm phát huy vai trò động lực của kinh tế tư nhân và khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu dựa trên năng suất lao động và năng lực sáng tạo của nền kinh tế; Cân bằng giữa chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế với quản lý hiệu quả các nguồn lực và chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với thực tế và đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng cũng đánh giá cao đóng góp của Nhật Bản trong những thập kỷ qua đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của nhiều nước châu Á, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và sự phát triển mới mạnh mẽ về đầu tư, thương mại, giao lưu văn hóa vì nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Ngay sau bài phát biểu mở đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đối thoại về một số nội dung trong chủ đề của Hội nghị, trong đó có vấn đề về vai trò của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); thách thức ô nhiễm môi trường đối với Việt Nam; vấn đề đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Về vấn đề nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của xe 2 bánh và xe 4 bánh ở Việt Nam, Thủ tướng cho biết là nước chịu tác động lớn về biến đổi khí hậu nên Việt Nam tích cực thực hiện có trách nhiệm COP 21, bao gồm cả phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do xe 4 bánh và 2 bánh gây ra.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đã có chiến lược phát triển bền vững, trong đó bảo vệ môi trường được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Việt Nam đã xây dựng chương trình hành động giảm khói bụi từ ô tô và mô tô để tiến tới gia nhập một số hiệp định khu vực về vấn đề này.
Chính vì vậy, các thiết bị ô tô, mô tô vào Việt Nam đều phải đạt tiêu chuẩn Việt Nam quy định theo thông lệ và tiêu chuẩn trong khu vực. Việt Nam cũng tăng cường phương tiện công cộng cho người dân, hạn chế phương tiện cá nhân; trang bị kiến thức cần thiết cho người dân và các tổ chức, các nhà đầu tư về công tác bảo vệ môi trường.
Tại buổi trao đổi, Thủ tướng cũng thông tin đến các diễn giả kết quả chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ mới đây; trong đó có nội dung lãnh đạo hai nước đã trao đổi kỹ về quan hệ thương mại song phương; đồng thời định hướng hợp tác theo phương châm hai bên cùng có lợi, vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Cũng trong chuyến thăm này, lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa hai bên lên tới 12 tỷ USD./.
Theo TTXVN