Nhiều hộ chăn nuôi lợn ở Thái Nguyên đang lâm vào cảnh khốn đốn vì giá sản phẩm hạ thấp, các chủ trang trại đứng trước nguy cơ phá sản. Trước tình hình trên, vừa qua, tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi lợn với hy vọng vực dậy ngành chăn nuôi vốn đã từng rất phát triển của Thái Nguyên.
Tại hội nghị, nhiều giải pháp đã được các đại biểu đưa ra như tăng cường thông tin về giá cả, thị trường; khuyến khích người dân giảm quy mô đàn lợn nái từ 20 đến 30%, hạn chế tái đàn nuôi thịt; giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi; tăng cường công tác giám sát dịch bệnh; hỗ trợ tìm kiếm thị trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm…
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Nhiều đại biểu đề nghị tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi lợn với mức 1 triệu đồng/con nái đối với các trang trại, gia trại có quy mô đàn nái từ 10 con trở lên để duy trì đàn lợn nái. Đồng thời, hỗ trợ 100% kinh phí mua hóa chất, vắc-xin tiêm phòng; hỗ trợ chi phí giết mổ tại cơ sở có kiểm soát của cơ quan thú y với mức 35 nghìn đồng/con; hỗ trợ lệ phí kiểm soát giết mổ 7.000 đồng/con...
Cùng đó, đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng xem xét, tiến hành điều chỉnh giá điện đối với các hộ chăn nuôi; ngân hàng có chính sách giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất và tiếp tục cho vay để người chăn nuôi phục hồi sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tiêm phòng vắc-xin, không để dịch bệnh bùng phát...
Khánh Hòa: Ngư dân được mùa vụ cá Nam
Sau hơn 1 tháng vào vụ cá Nam, từ đầu tháng 4 đến nay, ngư dân Khánh Hòa được mùa khai thác hải sản nhờ các chính sách hỗ trợ thiết thực và thời tiết thuận lợi.
Theo Sở NN và PTNT Khánh Hòa, sản lượng hải sản từ đầu vụ cá Nam đến nay đạt trên 11.200 tấn, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng sản lượng khai thác hải sản của tỉnh, từ đầu năm 2017 đến nay đạt trên 29 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Những ngày qua, ngư dân Khánh Hòa đã trúng cá cơm đầu vụ. Các chủ tàu cho biết, tuy mới vào đầu vụ khai thác nhưng mỗi chuyến biển đi từ đêm đến sáng sớm đã đánh bắt được từ 200-300kg cá. Hiện giá cá cơm bán được 25-30 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 5.000-10.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm ngoái, giúp ngư dân thu lãi cao.
Thời gian qua, ngư dân Khánh Hòa còn trúng đậm cá nục, cá mai… Các tàu khai thác xa bờ làm nghề lưới vây, chụp mực… cũng có sản lượng khá ổn định. Đặc biệt, vụ này cá ngừ đại dương bán được giá cao và ổn định nhất trong nhiều năm qua, từ 103-110 nghìn đồng/kg.
Lai Châu: Sắc màu chợ phiên San Thàng
Chợ phiên San Thàng là phiên chợ lớn nhất của tỉnh Lai Châu với sự tham gia mua bán của bà con các dân tộc Dao, Mông, Thái, Giấy, Lự... thuộc ba huyện, thị là Tam Đường, Phong Thổ và Thành phố Lai Châu.
Chợ San Thàng không chỉ là nơi giao thương mà còn là nơi để bà con nhân dân các dân tộc trong vùng gặp gỡ, giao lưu và trao gửi tâm tình.
Chợ phiên San Thàng có tên gốc là chợ Tam Đường đất. Tam Đường trong tiếng của dân tộc Giấy có nghĩa là ngã ba đường. Thời Pháp thuộc, Tam Đường là địa điểm trung tâm nhất của tỉnh Lai Châu ngày nay. Khi ấy, tại Tam Đường có các tuyến đường ngựa thồ nối với các huyện Phong Thổ, Bình Lư, Than Uyên nên bà con các dân tộc trong vùng chọn làm nơi họp chợ, mua bán, trao đổi sản vật.
Chợ phiên San Thàng họp vào ngày thứ Năm và Chủ nhật hằng tuần. Từ sáng sớm bà con các dân tộc Lự, Giáy, Mông, Giao, Thái... ở quanh vùng tụ về chợ để mua bán, trao đổi. Trong những bộ quần áo đẹp nhất, người dân mang đến chợ sản vật, hàng nông sản hay những vật dụng sinh hoạt truyền thống. Trên một khoảng đất khá rộng ngay bên suối San Thàng, chợ phiên càng lúc càng nhộn nhịp, đông vui kéo dài đến tận giữa trưa./.
Theo dangcongsan.vn