Quảng Ninh: Công bố 53 điểm kinh doanh du lịch đạt chuẩn

08:04, 04/04/2017

Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, hiện nay tại tỉnh có 53 điểm mua sắm và nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Trong số 53 điểm đạt chuẩn này, Thành phố Hạ Long có 7 điểm mua sắm và 22 nhà hàng, Thành phố Uông Bí có 4 nhà hàng, Thị xã Quảng Yên có 1 nhà hàng, Thành phố Móng Cái có 6 điểm mua sắm và 2 nhà hàng, Thành phố Cẩm Phả có 1 điểm mua sắm và 2 nhà hàng, Thị xã Đông Triều có 5 điểm mua sắm và 2 nhà hàng, huyện Vân Đồn có 2 nhà hàng.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Trước đó, vào ngày 31-3, UBND Thành phố Hạ Long đã có công văn gửi Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh; UBND các phường Giếng Đáy, Hà Khẩu, Tuần Châu, Việt Hưng, Bãi Cháy; các cơ sở kinh doanh, bán hàng phục vụ khách du lịch Trung Quốc trên địa bàn, yêu cầu 15 cơ sở kinh doanh, bán hàng thực hiện đóng cửa và dừng ngay toàn bộ hoạt động kinh doanh, phục vụ khách du lịch Trung Quốc trước 13h ngày 31-3.

Đó là 8 cửa hàng vừa bị Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh thu hồi quyết định công nhận điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch nằm tại các phường Hùng Thắng, Bãi Cháy, Tuần Châu, Giếng Đáy. 7 cơ sở còn lại là những điểm chưa được Sở Du lịch công nhận điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách.

Lý do là các cơ sở này không bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch theo khoản 4, Điều 5 Quy chế Quản lý tạm thời về kinh doanh lữ hành đoàn khách du lịch Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ tỉnh Quảng Ninh, tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh.

Quảng Ngãi: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa 2017

Ngày 2-4, hàng trăm người dân và du khách đã tham dự lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2017 tại đình làng An Hải, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.  

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một hoạt động ý nghĩa không chỉ góp phần khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân, tưởng nhớ đến những hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã vâng lệnh triều đình ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để tuân thủ, khai thác sản vật, cắm mốc khẳng định chủ quyền biển, đảo. 

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức với 2 nội dung chính: lễ tế cổ truyền và lễ đua thuyền Tứ linh (Lân, Long, Quy, Phụng). Sau phần chủ lễ đọc sớ, lần lượt các dòng, tộc trên địa bàn xã An Hải có người thân ra sa trường năm xưa đã thực hiện nghi lễ cúng tế, rước các hình nhân (hình nộm) thế mạng và mô hình thuyền để thả trôi ra biển (hạ thủy). Riêng phần lễ đua thuyền Tứ linh có sự tham gia của gần 100 vận động viên, chia làm 4 đội, đua thuyền trong khoảng chiều dài 800m dọc bờ biển, mỗi thuyền phải hoàn thành 4 vòng đua để phân định đội về đích trước.    

Cách đây 3-4 thế kỷ, hằng năm, các chúa Nguyễn đều tuyển chọn 70 dân đinh giỏi nghề đi biển ở các phường An Vĩnh và An Hải thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ra Hoàng Sa để khai thác hải vật quý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Khoảng vào cuối thế kỷ XVI, hải đội Hoàng Sa được thành lập và được củng cố thành thủy quân Hoàng Sa. Hàng vạn thủy quân đã vượt qua bão tố, sóng gầm để đo đạc thủy trình, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền lãnh thổ, khai thác hải vật và tài nguyên biển, đảo./.

Theo chinhphu.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com