Lễ hội Hoa ban diễn ra từ ngày 11 đến 14-3, dự kiến sẽ thu hút lượng lớn du khách đến với tỉnh Ðiện Biên. Do đó, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề được ngành Y tế rất quan tâm.
Bà Nguyễn Thúy Hồng, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Trong thời gian diễn ra Lễ hội Hoa ban, Chi cục sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Giấy chứng nhận sức khỏe đối với chủ cơ sở và người sản xuất, kinh doanh; hồ sơ theo dõi chất lượng sản phẩm, chất lượng hàng hóa; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người); quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định khi cần thiết. Trong những ngày của Lễ hội, đoàn sẽ tăng cường các hoạt động kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, thậm chí có thể bị tước giấy phép kinh doanh nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng.
Ðồng Nai: Chú trọng phát triển Ðảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh
Theo Tỉnh ủy Ðồng Nai, hiện Ðảng bộ tỉnh này có 131 tổ chức Ðảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 2.970 đảng viên.
Các tổ chức Ðảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Ðồng Nai luôn duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ, bảo đảm mục đích, yêu cầu, nội dung theo Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Ðảng và các hướng dẫn của Tỉnh ủy.
Tỉnh ủy Ðồng Nai đã xây dựng chương trình hành động, ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác xây dựng Ðảng trong doanh nghiệp, coi trọng lựa chọn bồi dưỡng, kết nạp đảng viên. Do trước đây, việc xây dựng tổ chức Ðảng trong các doanh nghiệp ở Ðồng Nai chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng và phát triển của các khu công nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp chưa hiểu rõ vai trò của tổ chức Ðảng trong việc lãnh đạo bảo đảm an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng môi trường lao động hài hòa trong doanh nghiệp. Chính vì vậy, để khắc phục hạn chế đó, nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy Ðồng Nai quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường hiệu lực của tổ chức Ðảng trong doanh nghiệp, bắt đầu từ việc phát triển đội ngũ đảng viên là công nhân, người lao động.
Ðà Nẵng: Hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển
Theo ông Lưu Quang Khánh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Thành phố Ðà Nẵng, những năm qua, Thành phố Ðà Nẵng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.
Cụ thể, thực hiện Nghị định số 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay, đã có 8 tàu được duyệt đóng mới; trong đó, có 4 tàu vỏ thép đã được hạ thủy, 3 tàu hiện đang được đóng mới (1 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ thép). Ðà Nẵng đã có 317 tàu được hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu và 5.418 thuyền viên được hỗ trợ mua bảo hiểm thuyền viên, với tổng chi phí hơn 10 tỷ đồng.
Thực hiện Quyết định số 47/2014/QÐ của UBND Thành phố Ðà Nẵng về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản cho các tổ chức, cá nhân; từ năm 2012 đến nay, đã có 42 tàu đóng mới đã được hạ thủy, với tổng kinh phí hơn 27 tỷ đồng. Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư còn hỗ trợ các trang thiết bị hàng hải cho hơn 100 tàu, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân xây dựng hầm bảo quản bằng vật liệu mới PU, máy tời thu câu, máy định vị, máy dò ngang, hỗ trợ khay bảo quản và chuyển đổi nghề cho ngư dân.
Ngoài hỗ trợ đóng mới tàu, thuyền và hỗ trợ các trang thiết bị, từ năm 2006 đến nay, Sở NN và PTNT thành phố đã đào được 1.819 thuyền trưởng và 854 máy trưởng./.
PV