Gia Lai: Phục hồi lễ hội cúng nhà rông của người Ba Na

06:03, 14/03/2017

Chiều 12-3, Sở VH, TT và DL tỉnh Gia Lai đã tổ chức chương trình phục hồi lễ hội cúng nhà rông của người Ba Na. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và Lễ hội văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017.

Những hình ảnh tái hiện nghi lễ cúng nhà rông của người Bahnar ở Gia Lai
Những hình ảnh tái hiện nghi lễ cúng nhà rông của người Bahnar ở Gia Lai

Hàng trăm năm nay, đồng bào người Ba Na sinh sống tại làng Mơ Ra (thuộc xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) vẫn lấy việc trồng lúa ở ruộng rẫy làm nghề chính. Người Ba Na quan niệm, lễ cúng nhà rông là biểu tượng của cộng đồng, cũng là dịp để cảm tạ thần linh đã ủng hộ, giúp đỡ buôn làng trong thời gian vừa qua, xin được bình an và phát triển trong thời gian tới. Theo quan niệm của người dân, sau 3 năm kể từ ngày nhà rông mới được dựng lên, nếu trong làng không có sự việc nào đáng tiếc xảy ra, vào thời gian nông nhàn, buổi lễ sẽ được diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu vào buổi sáng.

Ngày nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng truyền thống văn hóa của người dân Ba Na ở Mơ Ra vẫn được gìn giữ và phát huy. Do có những nét đặc thù của văn hóa, cộng đồng người Ba Na ở Gia Lai vinh dự được Bộ VH, TT và DL chọn xây dựng, hoàn thiện hồ sơ “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên” của nhiều năm trước.

Bắc Giang: Chùa Bổ Đà đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

Sáng 12-3, chùa Bổ Đà (Việt Yên, Bắc Giang) tổ chức lễ đón nhận “Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt” và Lễ hội Bổ Đà 2017 cũng chính thức trở thành Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia.

Chùa Bổ Đà tọa lạc trên vùng đất linh thiêng thuộc dãy Bổ Đà sơn (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa.

Tương truyền, chùa Bổ Đà có từ thời Lý, được tu bổ, tôn tạo và mở rộng vào thời Vua Lê Dụ Tông  (1720-1729), gồm các đơn nguyên kiến trúc chính: Chùa Tứ Ân, am Tam Đức, chùa Cao, vườn Tháp, ao Miếu và khu vườn chùa.

Đặc biệt, tại chùa Bổ Đà đang lưu giữ 1.935 mộc bản kinh Phật và 18 bộ sách kinh chính. Mộc bản có niên đại sớm nhất được san khắc vào năm 1740, và muộn nhất vào những năm của thế kỷ XX.

Trải qua nhiều thế kỷ, bộ mộc bản kinh Phật hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn, thể hiện tư tưởng của Phật giáo Việt Nam thuộc dòng Thiền Lâm Tế. Các ván kinh được khắc trên gỗ thị vừa bền, không cong vênh và rất nhẹ. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo còn lưu lại đến nay.

Đây là kho di sản tư liệu quý giá không chỉ về lịch sử Phật giáo mà còn có giá trị nghiên cứu trên nhiều phương diện: lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ, văn học, mỹ thuật, y học…

Chùa còn là nơi bảo lưu trên 40 pho tượng Phật, trong đó phần lớn là tượng Phật cổ thời Lê (thế kỷ XVIII), Nguyễn (thế kỷ XIX) như bộ tượng Tam Thế, tượng A Di Đà, tượng Thích Ca Niệm Sen, tòa Cửu Long, tượng Tam Châu…

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com