Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030.
Theo quy hoạch, Khu du lịch Mẫu Sơn thuộc địa bàn các xã: Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình), Mẫu Sơn và Công Sơn (huyện Cao Lộc). Diện tích vùng lõi tập trung phát triển khu du lịch quốc gia là 1.500ha (không bao gồm 4 điểm du lịch ở khu vực có đường tuần tra biên giới thuộc địa bàn xã Xuất Lễ và xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc).
Khu du lịch Mẫu Sơn - Lạng Sơn |
Khu du lịch Mẫu Sơn phát triển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh và văn hóa tộc người; bảo đảm an ninh, quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM.
Phát triển Khu du lịch Mẫu Sơn theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư; chú trọng kết nối với các khu, điểm có tiềm năng phát triển du lịch trong tỉnh và các vùng lân cận để tạo tuyến du lịch liên hoàn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khắc phục tính thời vụ trong hoạt động du lịch. Mục tiêu quy hoạch phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Mẫu Sơn đáp ứng được các tiêu chí và trở thành Khu du lịch quốc gia với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.
An Giang: Phấn đấu trở thành điểm đến hàng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Cùng với các giải pháp tăng cường quản lý môi trường kinh doanh, mở rộng thị trường khách du lịch, tỉnh An Giang chú trọng đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách, hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
An Giang hiện có trên 86 cơ sở lưu trú với 3.927 buồng, phòng lưu trú; trong số đó phòng khách sạn đạt chuẩn từ 2 đến 4 sao chỉ đạt trên 2.000 phòng, chiếm trên 50%. Tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 11 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 15 khu, điểm du lịch đón và phục vụ du khách cùng với các cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, cơ sở giải trí văn hóa, thể thao, hội nghị và nhiều loại hình dịch vụ mới hình thành.
An Giang có cơ chế chính sách mời gọi đầu tư vào hoạt động du lịch, ưu tiên đầu tư lĩnh vực lưu trú với mục tiêu tăng lên 5.000 phòng bảo đảm phục vụ 1 triệu lượt khách đến năm 2020. Trong đó, chú trọng vào phân khúc thị trường khách sạn hạng 4 đến 5 sao để tăng chi tiêu từ nguồn khách du lịch chất lượng cao; ưu tiên một phần nguồn ngân sách thích đáng đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với An Giang.
Hà Nội: Hội chợ sách cũ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám xưa
Trong 3 ngày từ 24 đến 26-2, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) sẽ diễn ra Hội chợ sách cũ.
Hội chợ sách cũ Hà Nội sẽ mang đến cho độc giả một không gian trưng bày sách của Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng như các danh nhân văn hóa liên quan đến Văn Miếu như: Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm; Chế độ đào tạo và tuyển dụng quan chức thời Lê Sơ (1428-1527); Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai và truyền thống khoa bảng họ Trương Việt Nam; Văn khắc Hán Nôm Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Văn Miếu - Quốc Tử Giám và chế độ khoa cử Nho học Việt Nam; Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 bia tiến sĩ…
Trong khuôn khổ Hội chợ còn có Hội thảo khoa học Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm và truyền thống khoa bảng họ Nghiêm xã Văn Môn, Yên Phong (Bắc Ninh); Hội thảo khoa học Hội nguyên, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức - con người và sự nghiệp; Hội thảo khoa học Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì - con người và sự nghiệp…
PV