TP Hồ Chí Minh: Đào tạo nghề 500 lao động nông thôn

08:12, 13/12/2016

UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có kế hoạch đào tạo nghề cho ít nhất 500 lao động nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn để làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020.

Trong đó, huyện Củ Chi đào tạo ít nhất cho 150 lao động; Hóc Môn, Bình Chánh đào tạo ít nhất 100 lao động/huyện;  Nhà Bè và Cần Giờ đào tạo ít nhất cho 75 lao động/huyện. Đối tượng được dạy nghề là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học; người lao động có hộ khẩu thường trú tại xã đang trực tiếp làm nông nghiệp và ngành nghề nông thôn có nhu cầu vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; hoặc đang tạm trú tại xã, phường, thị trấn, đang trực tiếp làm nông nghiệp và ngành nghề nông thôn thuộc hộ nghèo của thành phố, có mã số hộ nghèo.

Mỗi lao động nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn được đào tạo nghề làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có mức hỗ trợ học nghề 2,5 triệu đồng/người. Tổng kinh phí đào tạo cho ít nhất 500 lao động nông thôn khoảng 1,3 tỷ đồng, được trích từ ngân sách.

Bến Tre: Chia sẻ chuỗi giá trị dừa tại I-ta-li-a

Vừa qua, tại Thành phố Rô-ma (I-ta-li-a), mô hình và kinh nghiệm về nâng cao giá trị các sản phẩm chế biến từ cây dừa Bến Tre trong mối quan hệ hợp tác công - tư do Cty Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) thực hiện, đã chính thức được chia sẻ tại sự kiện chương trình 4P (Quan hệ hợp tác công - tư - nhà sản xuất) do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tổ chức, nhằm kết nối mối quan hệ giữa khu vực công - tư và các hộ sản xuất nhỏ lẻ; tạo điều kiện cho hộ nông dân tiếp cận với thị trường, các bên tham gia cùng chấp nhận rủi ro, đầu tư và chia sẻ lợi ích; đồng thời nâng cao đời sống kinh tế vùng nông thôn nói chung cũng như những nông dân nghèo.

Theo Hiệp hội dừa Bến Tre, dừa là cây đặc trưng của tỉnh với diện tích trồng hơn 63 nghìn ha, lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, giá trị tạo ra từ dừa cho nông dân trồng dừa chưa cao. Thực trạng “được mùa mất giá” và sự phụ thuộc thương lái nước ngoài khiến giá dừa liên tục biến động, thu mua không ổn định nên đời sống kinh tế của nông dân gặp nhiều khó khăn. Trong mô hình hỗ trợ cụ thể của Betrimex, những hộ nông dân khi ký kết hợp tác cùng đơn vị này sẽ được hỗ trợ vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu; tập huấn kỹ thuật canh tác hữu cơ để duy trì bền vững vườn dừa; bao tiêu đầu ra và thu mua dừa tận vườn. Betrimex còn đưa ra mức giá sàn với cam kết dù giá thị trường giảm, Cty cũng mua dừa của nông dân với giá 50 nghìn đồng/chục (12 trái), còn nếu giá thị trường cao hơn mức giá sàn thì Cty sẽ mua với giá thị trường và đảm bảo mua hết sản phẩm của nông dân. Với những chính sách hỗ trợ trên, sau 1 năm triển khai, hiện có khoảng 540 hộ nông dân tham gia, đạt 450ha diện tích và cho sản lượng 4,4 triệu trái dừa/năm./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com