Thảo quả là loài cây dược liệu chủ yếu của Hà Giang. Cây thảo quả chỉ sống và sinh trưởng được dưới tán rừng có độ ẩm cao, nhiệt độ từ 16 đến 22 độ C và ở độ cao từ 1.600 đến 2.000m so với mực nước biển.
Trên địa bàn Hà Giang, thảo quả là loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Giá thảo quả khô bình quân đạt từ 120 đến 150 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên tới 200 nghìn đồng/kg. Vì vậy, cây thảo quả đã góp phần nâng cao thu thập cho người nông dân tại những vùng trồng thảo quả.
Thảo quả bước vào giai đoạn chín. |
Trong những năm qua, cây thảo quả đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Hà Giang. Bên cạnh đó, từ việc phát triển cây thảo quả đã tạo ra nhiều việc làm có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đặc biệt tại các xã biên giới, từ việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch thảo quả đã tạo điều kiện cho nhân dân vùng biên giới có điều kiện tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ đường biên giới được tốt hơn.
TP Hồ Chí Minh: 79 ca nhiễm vi-rút Zika
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 27-11, toàn thành phố ghi nhận có 79 ca nhiễm bệnh do vi-rút Zika được xác định, trong đó quận Bình Thạnh nhiều nhất với 16 ca.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh. Tuy nhiên, mọi người, đặc biệt là thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt; mọi người, mọi nhà tự diệt muỗi, diệt loăng quăng để phòng bệnh Sốt xuất huyết và bệnh do vi-rút Zika.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết và Zika chưa có vắc-xin phòng bệnh và điều trị, do đó, để phòng bệnh, ngành Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai, phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn, thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Bình Thuận: Thêm 1 nhà máy điện gió đi vào hoạt động
Sau Nhà máy Tuy Phong và Phú Quý, Nhà máy điện gió Phú Lạc, nhà máy điện gió thứ 3 tại tỉnh Bình Thuận bắt đầu được đưa vào hoạt động từ 25-11.
Nhà máy điện gió Phú Lạc (đặt tại huyện Tuy Phong), do Cty CP Phong điện Thuận Bình làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) với sự bảo trợ của Chính phủ hai nước. Toàn bộ thiết bị của Nhà máy được nhập của hãng Vestas (Đan Mạch) và HBB (Thụy Điển); Cty Fichtner (Đức) hỗ trợ kỹ thuật. Nhà máy điện gió Phú Lạc (giai đoạn 1) khởi công ngày 27-7-2015, hoàn thành ngày 19-9-2016, gồm 12 turbine (mỗi turbine công suất 2 MW) với 12 trụ điện gió. Turbine phát điện được đặt trên trụ cao 90m, đường kính trụ 4m, bên trong có cầu thang tự động lên xuống để bảo trì.
Dự kiến, Nhà máy sẽ cung cấp trên 59 triệu kWh/năm, được đấu nối vào đường dây 110kV Phan Rí - Ninh Phước.
Việc hoàn thành giai đoạn 1 dự án Nhà máy điện gió Phú Lạc tại Bình Thuận được coi là một bước tiến trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng hằng năm bằng nguồn năng lượng xanh của nước ta và cũng là một trong những trọng tâm trong hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Đức.
Thời gian tới, Cty CP Phong điện Thuận Bình sẽ tiếp tục triển khai dự án điện gió và điện mặt trời Phú Lạc - giai đoạn 2 với công suất 126MW cùng với một số dự án điện gió kết hợp điện mặt trời khác như: Dự án Lợi Hải (120MW), Vĩnh Hảo (60MW), Ea H’Leo (350MW) và dự án Kông Chro (400MW)./.
Theo dangcongsan.vn