Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết sẽ mở cửa khu trưng bày cổ vật Chàm (còn gọi là “kho Chàm”) thuộc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (số 3 Lê Trực, Thành phố Huế) để phục vụ du khách, công chúng sau 71 năm đóng cửa kể từ khi Vua Bảo Đại thoái vị năm 1945.
Đây là sự kiện được triển khai nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11).
Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết “kho Chàm” hiện còn lưu giữ 88 cổ vật Champa rất quý hiếm, gắn liền với việc hình thành Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Những cổ vật Champa này được sưu tầm tại vùng châu Ô, châu Lý ngày xưa và mang từ Trà Kiệu ra trong những cuộc khai quật khảo cổ học.
Kho Chàm tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. |
Được biết, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thành lập năm 1923, dưới thời Vua Khải Định với tên gọi Musée Khai Dinh, nay trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Bảo tàng đặt tại điện Long An, một công trình kiến trúc cung đình độc đáo có từ năm 1845, triều Nguyễn. Tháng 12-1927, Vua Khải Định cho thành lập “kho Chàm” tại Musée Khai Dinh để trưng bày các cổ vật do Viện Viễn Đông Bác cổ sưu tầm.
Hà Nội: Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại 18 huyện, thị xã
Trên cơ sở thí điểm tại 12 quận nội thành, UBND Thành phố Hà Nội đã có kế hoạch tiếp tục triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã trên địa bàn của 18 huyện, thị xã.
Đó là mục tiêu của Kế hoạch số 198/KH-UBND về việc triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp tại 416 các xã, phường, thị trấn thuộc 18 huyện, thị xã trên địa bàn, do UBND Thành phố Hà Nội ban hành ngày 27-10.
Theo kế hoạch, lộ trình thực hiện như sau: Giai đoạn I, triển khai thí điểm tại 139 xã, phường, thị trấn thuộc 6 huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Hoài Đức, Thanh trì, Ba Vì, Gia Lâm. Giai đoạn 2 triển khai tại 277 xã thuộc: Sơn Tây, Thường Tín, Phú Xuyên, Đan Phượng, Mê Linh, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa và Mỹ Đức.
Trong tháng 10, các xã tiến hành công tác chuẩn bị và vận hành thử từ ngày 1-11, vận hành chính thức vào ngày 10-11; ở giai đoạn 2 sẽ vận hành chính thức vào ngày 15-12.
Để thực hiện mục tiêu trên, UBND Thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị liên quan và các địa phương tập trung chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, triển khai kết nối các hệ thống liên thông theo Thông tư số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT, phải bảo đảm kết nối liên thông hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã, thuộc 18 huyện, thị xã với hệ thống quản lý hộ khẩu của Công an Thành phố Hà Nội và kết nối với hệ thống đăng ký BHYT của BHXH Thành phố Hà Nội.
Hậu Giang: Đẩy mạnh phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp
Hậu Giang hiện có gần 2.100 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đang hoạt động và thực nộp thuế. Trong đó, doanh nghiệp có vốn trong nước là hơn 2.000 với gần 17 nghìn công nhân lao động; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và liên doanh nước ngoài là 14 với hơn 3.000 công nhân lao động.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 39 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Trong đó có 33 chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh; 6 chi bộ cơ sở trực thuộc các huyện, thị, thành ủy. Có 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và một doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài thành lập được tổ chức Đảng với 131 đảng viên.
Tiếp tục quán triệt kết luận số 80-KL/TW, thời gian tới, địa phương không ngừng nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, đảng viên và chủ doanh nghiệp về sự cần thiết, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước./.
PV