Sáng 5-10, tiếp tục chương trình làm việc, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Kết quả giám sát cho thấy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai rộng rãi trên toàn quốc đã đạt những kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống của người dân được cải thiện, nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM. Theo số liệu báo cáo, đến tháng 3-2016, cả nước đã có 1.761 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 19,7%; đến tháng 9-2016, có 2.045 xã đạt tiêu chí NTM (đạt 23%), đã có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM.
Theo Báo cáo giám sát, quá trình thực hiện Chương trình còn có những hạn chế, yếu kém như: ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm, chưa đầy đủ, chưa đồng bộ. Bộ tiêu chí quốc gia về NTM chưa phù hợp với các vùng, miền; công tác quy hoạch còn nhiều bất cập. Quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở một số địa phương chưa gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chậm, cơ cấu kinh tế nông thôn chưa có sự thay đổi lớn; chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; vốn đầu tư chưa bảo đảm yêu cầu; nợ đọng xây dựng cơ bản còn cao...
Tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu đã trao đổi chung quanh vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, theo đó có 53 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt. Đáng lưu ý số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc, nợ đọng tại các xã đã được công nhận NTM chiếm đến 46,9% tổng số nợ đọng của cả nước... Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Hồng Thanh cho biết, qua khảo sát thực tế tại nhiều địa phương, hiện vẫn chưa có giải pháp khả thi để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
Nêu con số hơn 15 nghìn tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương không có nguồn thanh toán, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu đề nghị Bộ NN và PTNT phối hợp Bộ Tài chính có hướng xử lý, đồng thời cần kiên quyết yêu cầu dừng ngay việc tạm ứng vốn xây dựng cơ bản mà không có nguồn cân đối như hiện nay. Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định sẽ yêu cầu các địa phương tập trung giải quyết số nợ đọng này.
Chiều cùng ngày, Ủy ban TVQH cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII; báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của QH năm 2016.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban TVQH cho biết: Đoàn đại biểu QH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức 823 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp 2.613 kiến nghị của cử tri gửi đến Ủy ban TVQH. Tại địa điểm tiếp công dân của QH, theo sự phân công của Ủy ban TVQH, Ban Dân nguyện đã tiếp 10.132 lượt người đến KNTC, kiến nghị với QH về 3.296 vụ việc. Trong đó, đã trực tiếp tiếp 1.875 lượt người về 1.539 vụ việc; phối hợp các cơ quan tiếp công dân Trung ương tiếp 8.257 lượt người về 1.757 vụ việc.
Qua tiếp công dân, Thường trực tiếp công dân đã có văn bản chuyển, hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 463 vụ việc; hướng dẫn công dân thực hiện quyền KNTC hoặc chờ cấp có thẩm quyền giải quyết trả lời những vụ việc đang trong thời hạn giải quyết và giải thích, vận động công dân chấp hành kết quả giải quyết đúng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền đối với 1.019 vụ việc. Đến nay, qua theo dõi, Ban Dân nguyện đã nhận được 99 văn bản thông báo trả lời và 43 văn bản thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết vụ việc.
Sáng 6-10, tiếp tục phiên họp Uỷ ban TVQH đã thảo luận dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV được xây dựng gồm 6 chương với 47 điều, quy định về các nội dung hỗ trợ cơ bản DNNVV; chương trình hỗ trợ trọng tâm DNNVV; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của cơ quan, tổ chức, cá nhân; ngân sách, cơ chế phối hợp, giám sát và đánh giá hỗ trợ DNNVV...
Theo Tờ trình về dự án Luật, một số chính sách hỗ trợ đã được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV nhưng chỉ mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể, không quy định nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện, ngoài ra còn chịu sự điều chỉnh của các luật trong các ngành, lĩnh vực khác. Vì vậy, hiệu lực thực thi của Nghị định 56 chưa cao, dẫn đến việc thực hiện hỗ trợ DNNVV chưa hiệu quả.
Việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV cũng nhằm cụ thể hoá chủ trương tại các nghị quyết Đại hội Đảng...
Phát biểu kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến các đại biểu tại phiên họp để bổ sung hồ sơ, hoàn thiện dự án Luật, trong đó đặc biệt chú ý đến việc rà soát lại về phạm vi điều chỉnh, đánh giá tác động của Luật khi được ban hành; bảo đảm tính khả thi, sự thống nhất của Luật trong hệ thống pháp luật chung; bảo đảm các nguyên tắc thị trường trong hoạt động doanh nghiệp...
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đây là dự án Luật lớn nên các quy định phải hết sức chặt chẽ, bảo đảm chất lượng của Luật. Nếu quy định lỏng lẻo, không rõ ràng, khi ban hành dễ bị lợi dụng, dẫn đến phát sinh tiêu cực./.
Theo nhandan.com.vn