Lào Cai: Khánh thành nhà máy thuỷ điện cột nước thấp thứ 2 tại miền Bắc

08:09, 27/09/2016

Tỉnh Lào Cai vừa khánh thành Nhà máy thuỷ điện ICT Vĩnh Hà với 2 tổ máy có tổng công suất lắp máy là 21MW, do Cty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại quốc tế (ICT) làm chủ đầu tư.

Đây là công trình thủy điện cột nước thấp thứ 2 tại miền Bắc sau Nhà máy thuỷ điện ICT Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang do Cty ICT đầu tư xây dựng, sử dụng công nghệ tuabin chảy thẳng kiểu bóng đèn. Công nghệ này hiện nay đang được sử dụng tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Với công nghệ này sẽ tận dụng được tối đa tiềm năng phát điện của hệ thống sông suối Việt Nam do tận dụng được cột nước phát điện rất thấp. Hơn nữa do đặc trưng là cột nước thấp nên gần như vẫn giữ nguyên dòng chảy tự nhiên và diện tích bị ngập lụt, việc di dân, giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng môi trường là rất ít.

Công trình trong ngày khánh thành.
Công trình trong ngày khánh thành.

Tổng mức đầu tư ban đầu cho công trình Nhà máy thủy điện ICT Vĩnh Hà là 823 tỷ đồng. Hằng năm Nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia 89,07 triệu kWh, góp phần phát triển công nghiệp của tỉnh Lào Cai.

Nhà máy thủy điện ICT Vĩnh Hà được thi công theo hình thức tổng thầu EPC bởi nhà thầu Cty hữu hạn Viện Nghiên cứu Thiết kế Điện lực Quảng Tây - Tập đoàn xây dựng Năng nguyên - Trung Quốc. 

Công trình đã hoàn thành đúng tiến độ với tổng thời gian thi công xây lắp là 40 tháng. Công trình bắt đầu thi công ngày 6-3-2013 và tổ máy số 1 chính thức phát điện và hoà lưới điện quốc gia ngày 20-6-2016. Sau đó gần 2 tháng, ngày 20-8, tổ máy số 2 cũng chính thức phát điện và hoà lưới điện quốc gia. Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động ổn định, thủy điện ICT Vĩnh Hà mỗi năm sẽ đóng góp vào nguồn thu ngân sách của địa phương khoảng 18,5 tỷ đồng.

Hà Giang: Xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông

Nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông và tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, UBND tỉnh Hà Giang vừa phê duyệt Đề án “Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông” tại thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc. Đề án được người dân và chính quyền địa phương đón nhận với nhiều kỳ vọng.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông được quy hoạch tại khu đất rộng 4,6ha dưới chân đèo Mã Pì Lèng, thuộc tuyến đường cửa ngõ kết nối Đồng Văn và Mèo Vạc. Làng này sẽ được tổ chức hoạt động theo mô hình hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng với sự tham gia của 30 hộ dân, được tuyển chọn từ những hộ gia đình người Mông có nhu cầu tham gia và đủ điều kiện tại địa bàn hai xã Pả Vi, Giàng Chu Phìn và Thị trấn Mèo Vạc. 

Huyện Mèo Vạc đang tổ chức khoanh vùng và cắm mốc khu vực làng văn hóa, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành từ 3-5 nhà trình tường ngay trong năm 2016. Từ năm 2017, hoàn thiện khoảng 25-27 nhà còn lại cùng các công trình phụ. Dự kiến, Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông sẽ mở cửa đón khách từ quý I năm 2018. Công trình hứa hẹn tạo ra nét mới trong không gian văn hóa du lịch tại Mèo Vạc, thu hút khoảng 1.500 khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi năm.

Đồng Tháp: Được đầu tư hơn 181 tỷ đồng phát triển làng nghề, ngành nghề

Tỉnh Đồng Tháp được đầu tư hơn 181 tỷ đồng để phát triển làng nghề, ngành nghề. Nguồn vốn này từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, khuyến công quốc gia và xã hội hoá…

Giai đoạn 2016-2020, địa phương quy hoạch, bảo tồn phát triền làng nghề, ngành nghề mới nhằm bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống. Cách làm này góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tạo việc làm lao động nông thôn, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. 

Ngoài 44 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống, tỉnh tiếp tục công nhận thêm 15 làng nghề nông thôn như: Làng nghề đan lục bình, sản xuất khô, đan lợp cua, sản xuất mắm, nuôi cá bè, trồng nấm rơm... đồng thời phát triển làng nghề gắn với du lịch. 

Đồng Tháp hiện có 24 loại hình làng nghề khác nhau với các sản phẩm chính: đan lát, chế biến lương thực, thực phẩm, nuôi trồng thuỷ sản, trồng hoa kiểng, thủ công mỹ nghệ… Hằng năm, địa phương giải quyết việc làm ổn định cho hơn 19 nghìn lao động, giá trị sản lượng hơn 652 tỷ đồng./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com