Hải Dương: Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2016

08:09, 19/09/2016

Ngày 17-9, tại đền Kiếp Bạc thuộc khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Thị xã Chí Linh) đã diễn ra Lễ hội quân trên sông Lục Đầu. Lễ hội quân là một trong những điểm nhấn của Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc hằng năm.

Tham gia Lễ hội quân năm nay có khoảng 50 thuyền của ngư dân xã Kênh Giang (Thị xã Chí Linh) cùng 350 người dân xã Hưng Đạo và 300 võ sinh môn phái Nhất Nam. Trên sông Lục Đầu, hai đoàn thuyền diễu hành trên sông theo 3 chủ đề: Hào khí Đông A, Hùng khí Lục Đầu và Ca khúc khải hoàn. Đoàn thuyền thứ nhất tập kết ở khu vực Cồn Kiếm, đoàn thuyền thứ hai tập kết tại bến sông trước đền Bắc Đẩu. Sau khi có lệnh hội quân, hai đoàn thuyền từ hai phía tiến về khu vực trung tâm trước lễ đài. Đi đầu là các thuyền chủ “Nhạc độc chung linh” và Âm dương hợp đức, tiếp sau là 5 thuyền mang biển hiệu “Thanh Long”, “Bạch Hổ” và sau cùng là đoàn thuyền mang câu đối: “Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí - Lục Đầu vô thủy bất thu thanh”. Trên bờ, đội cờ, đội võ reo hò theo nhịp trống. Kết thúc diễn trình giao nhau này, hai đoàn thuyền đổi vị trí cho nhau để trở về điểm xuất phát.

Trong lúc dưới sông các đoàn thuyền băng băng lướt sóng thì trên bờ, đội võ Nhất Nam, đội cờ, trống, đội múa rồng, múa lân, múa gậy, đội múa võ trình diễn khiến cho cảnh sắc Kiếp Bạc, Lục Đầu Giang thêm hùng tráng. Sau 3 diễn trình giao nhau, thuyền của hai đoàn cùng dàn hàng tập kết trước lễ đài, kết thúc Lễ hội quân.

Theo Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, năm 2006, thực hiện Đề án nâng cấp Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, Lễ hội quân được phục dựng với quy mô lớn. Từ đó đến nay, hội quân đã trở thành một nội dung quan trọng, hấp dẫn được nhân dân địa phương cũng như du khách đi hội chờ đón tại lễ hội mùa thu.

Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

 Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích phát triển đào tạo nghề cho người lao động.

Cụ thể, tỉnh đã rà soát, sắp xếp và kiện toàn lại mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn và thành lập Trung tâm đào tạo lao động xuất khẩu phục vụ công tác giải quyết việc làm; đầu tư 55 tỷ đồng cho 24 lượt cơ sở dạy nghề công lập mua sắm trang, thiết bị dạy nghề. Công tác dạy nghề theo hướng chọn lọc, chú trọng một số nghề trọng điểm và những nghề mà các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đang có nhu cầu như: cơ khí, điện, công nghiệp ô-tô, may công nghiệp... Từ năm 2012 đến 2015, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí học nghề cho 28.143 lượt người với tổng số tiền hơn 61 tỷ đồng.

Tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các đơn vị, các cơ quan chức năng có kế hoạch khảo sát nhu cầu học nghề, sử dụng lao động, tình hình việc làm của người học sau đào tạo để xây dựng kế hoạch dạy nghề, giải quyết việc làm hằng năm bám sát thực tiễn. Trong đó, chú trọng đào tạo nghề gắn với dạy ngoại ngữ, đi sâu vào thực hành tại xưởng sản xuất của các doanh nghiệp có trình độ khoa học công nghệ cao để nâng cao chất lượng nguồn lao động. Tỉnh cũng quyết tâm xóa bỏ các cơ sở dạy nghề yếu kém; đồng thời tiếp tục đầu tư, nâng cấp các trường nghề có uy tín, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác quản lý và giảng dạy, khuyến khích các đối tượng học tập theo hệ dài hạn, tập trung để tăng thêm nguồn lao động có trình độ kỹ thuật, chuyên môn tay nghề cao cho các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com