Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và hạn chế hiện tượng tái nghèo, từ nay đến năm 2020, tỉnh Hà Giang sẽ thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm, riêng các huyện và xã nghèo thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 6%/năm. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo. Thực hiện cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người nghèo, đảm bảo bình quân thu nhập đầu người của người nghèo tăng 2 lần so với năm 2015 (năm 2015, bình quân thu nhập của người nghèo là 6,1 triệu đồng/năm).
Phát triển cây dược liệu - một trong các giải pháp xóa đói, giảm nghèo tại 6 huyện 30a của Hà Giang. |
Phấn đấu trên 98,2% số người trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT, 100% số hộ gia đình có người ốm đau được đưa đi khám chữa bệnh; tỷ lệ trẻ em từ 6 đến 14 tuổi đến trường đạt 99%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và tương đương đạt trên 75%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 45%; 100% số hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 không có khả năng tự cải thiện nhà ở sẽ được hỗ trợ xóa nhà tạm; trên 90% dân số thành thị được sử dụng nước sạch, 85% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 90% số hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 90% hộ dân được tiếp cận, cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các chương trình phát thanh, truyền hình, sách báo và ấn phẩm truyền thông.
TP Hồ Chí Minh: Tăng cường chống ùn tắc, tai nạn giao thông
Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này đã tổ chức phối hợp với Công an các quận, huyện tiếp tục thực hiện cao điểm huy động tối đa lực lượng, nhằm phòng ngừa, kéo giảm tai nạn, ùn tắc giao thông tại ba cụm trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, ba cụm nêu trên là, cụm 1: Quận Bình Tân, huyện Bình Chánh; cụm 2: Quận 12, Hóc Môn, Củ Chi; cụm 3: Quận 2, 9, Thủ Đức. Việc phối hợp được thực hiện kéo dài trong ba tháng, đến 1-12-2016 sẽ tiến hành tổng kết đánh giá kết quả sau 3 tháng thực hiện.
Để thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm này, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Công an các quận, huyện tiến hành phương thức tuần tra kiểm soát công khai kết hợp hóa trang; từ sau 22h sẽ tiến hành kiểm tra hành chính nhằm chủ động trong việc phòng ngừa tình trạng tụ tập chạy xe gây rối trật tự công công và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Ngoài ra, trên các tuyến trọng điểm, Công an thành phố bố trí các Tổ công tác xử lý chuyên đề để xử lý các hành vi vi phạm trật tự giao thông. Các đơn vị sẽ được trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, như máy đo nồng độ cồn, máy bắn tốc độ, trạm cân lưu động và trang bị thêm camera, máy ghi âm để phục vụ cho công tác xử lý khi đối tượng có hành vi manh động hoặc cản trở, chống đối người thi hành công vụ.
Được biết, trong 9 tháng năm 2016, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn 3 cụm nêu trên có dấu hiệu tăng cao trở lại, theo đó đã xảy ra 393 vụ tai nạn giao thông, làm chết 375 người, bị thương 92 người.
Quảng Ngãi: Tập trung phát triển lĩnh vực có tiềm năng
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi cần làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ở cả đô thị và nông thôn, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa lợi thế của địa phương, nhất là từ các KCN, cảng biển, đường cao tốc...
Tập trung phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và sản phẩm chủ lực; phát triển đội tàu cá, góp phần thực hiện Chiến lược Biển. Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng du lịch. Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng NTM; chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân nông thôn, miền núi và hải đảo; thu hút doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó xây dựng chính quyền năng động, sáng tạo, thích ứng với kinh tế thị trường; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những rào cản gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống của các đối tượng chính sách, người có công và người nghèo; Tập trung thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo ở các huyện khó khăn miền núi, hải đảo, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số gắn với việc phát triển nông, lâm, ngư nghiệp./.
Theo dangcongsan.vn