Chiều 4-9, tại Hà Nội, Bộ GD và ĐT tổ chức họp báo khai giảng năm học mới 2016-2017 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Tại buổi họp báo, theo Chánh Văn phòng Bộ GD và ĐT Phạm Ngọc Phương cho biết, lần đầu tiên có 1 Chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017 thống nhất trong toàn ngành Giáo dục với 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản.
Năm học 2016-2017, ngành Giáo dục đứng trước những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ tình hình thực tiễn, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT chỉ thị toàn ngành Giáo dục quán triệt phương hướng và tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2016-2017 và những năm tiếp theo, cụ thể như sau:
Tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo: Giáo dục mầm non chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định; giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và gắn với nhu cầu thị trường lao động.
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến phương án thi công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay Bộ đã có tổ công tác gồm các chuyên gia có kinh nghiệm rà soát một cách kỹ lưỡng phương án 2016, lắng nghe ý kiến của dư luận và lấy ý kiến của các trường ĐH, CĐ. Năm nay sẽ làm hết sức bài bản và đi đến một thống nhất. Tại thời điểm này chưa phải là kết luận chính thức nhưng phương án năm 2017 không phải là phương án đổi mới mà là tiếp tục hoàn thiện phương án năm 2016.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ thêm, năm 2016 được đánh giá là một năm thi về cơ bản thành công, được xã hội đồng tình mặc dù chưa được hoàn thiện. Ví dụ về tổ chức thi có 2 cụm là cụm địa phương và cụm các trường ĐH. Quá trình triển khai cho thấy các địa phương có thể tổ chức được thì năm nay chúng ta chỉ thực hiện một cụm, về bản chất là vẫn vậy nhưng gọn nhẹ, thiết thực hơn.
Về đề thi năm ngoái được đánh giá là tốt và nghiêm túc, tuy nhiên dư luận vẫn băn khoăn là thí sinh có thể học lệch, học tủ. Năm tới, Bộ có cải tiến thi một bước là mở rộng nhằm đánh giá toàn diện học sinh, tránh học lệch, học tủ bằng việc áp dụng công nghệ thông tin để ra đề trắc nghiệm tổng hợp kiểm tra kiến thức bao quát.
“Giờ có công nghệ thông tin tốt, phương thức đánh giá năng lực ở Đại học Quốc gia Hà Nội tốt, nay áp dụng rộng ra. Nên thực hiện bài thi tổng hợp trắc nghiệm mới môn thi Toán và các nhóm Khoa học tự nhiên, Khoa học nhân văn và ngoại ngữ. Thi trên giấy, chấm thi trên máy giúp khắc phục vấn đề chưa chuẩn xác trong chấm thi và tình trạng học lệch của học sinh... Đó là những hoàn thiện bổ sung cho hạn chế của phương án năm ngoái” - Bộ trưởng Bộ GD và ĐT nhấn mạnh.
Liên quan đến xét tuyển, thi tuyển vào ĐH, CĐ, Bộ trưởng khẳng định năm nay cũng như năm ngoái, là 1 kỳ thi 2 mục đích. Các trường ĐH, CĐ được tự chủ, nhưng rất nhiều trường hiện chưa có kinh nghiệm và không có điều kiện đứng ra tổ chức nên khó khăn khi tự tuyển sinh. Bên cạnh đó tự chủ không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, Bộ phải đứng ra quản lý chất lượng vì quyền lợi người học.
“Kỳ thi 2 mục đích đảm bảo tính khách quan, có độ phân hóa. Tốt nghiệp phổ thông chỉ cần ở mức căn bản, vào trường ĐH phân hóa. Năm nay ra đề và sử dụng công nghệ áp dụng thi. Đây không phải là mới, thí điểm mà là kết quả 3 năm thi đánh giá năng lực đã tốt của Đại học Quốc gia Hà Nội, nay chuyển giao thực hiện” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Thêm nữa, Bộ trưởng cũng cho hay, khắc phục khuyết điểm năm ngoái, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển 2 trường, 2 nguyện vọng. Nay có phần mềm được sử dụng, sinh viên có thể đăng ký nhiều nguyện vọng cùng một lúc.
Đề cập đến vấn đề xét tuyển “ảo”, Bộ trưởng chia sẻ, chỉ tiêu giao cho các trường ĐH, CĐ tự đăng ký được các trường thực hiện hết sức nghiêm túc nhưng đâu đó vẫn còn trường có chỉ tiêu cao hơn năng lực thực tế. Năm nay, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng để từ đó kiểm tra giám sát chỉ tiêu.
Ngoài ra, năm nay Bộ cũng sẽ tăng cường hỗ trợ thông tin trong định hướng chọn nghề. Ví dụ có nhiều ngành truyền thống của nhà trường nhưng thị trường lao động không cần thì nhà trường cần điều chỉnh. Ví dụ ngành Công nghệ thông tin hay Khoa học kỹ thuật, thị trường rất cần nhưng các trường chưa đào tạo nhiều hoặc không có điều kiện tổ chức và lại chuyển sang mở các ngành khoa học nhân văn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ rất quan tâm đến chất lượng trong phương án thi năm 2017. Phương án thi năm 2016 đã ưu việt nhưng cần hoàn thiện hơn chứ không phải đổi mới. Đổi mới là quá trình, đổi mới thế nào trong giáo dục, đào tạo thì cần lộ trình. Tính bền vững là khi đổi mới tính đến tính khả thi và lâu dài. Tránh đổi mới xong phải làm lại. Còn nếu đổi mới có lộ trình, bước đi thì sẽ cho kết quả tốt. Không phải đổi mới nào cũng cho kết quả ngay, chúng ta cần có cái nhìn làm sao bền vững, thiết thực, hiệu quả nhất./.
Theo dangcongsan.vn