Sáng 5-8-2016, Bộ GD và ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương tới dự. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố; lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Năm học 2015-2016, ngành GD và ĐT đã tích cực triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch hành động về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, đồng thời cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Đến nay, toàn ngành đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ năm học với những kết quả nổi bật. Trong đó, việc đổi mới hoạt động dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá các hoạt động giáo dục có chuyển biến tích cực; các điều kiện đảm bảo chất lượng được tăng cường; chất lượng GD và ĐT từng bước được nâng lên. Đối với tỉnh ta, ngành GD và ĐT tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm là: Đổi mới căn bản công tác quản lý GD và ĐT; Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD và ĐT; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và tăng nguồn lực đầu tư. Kết thúc năm học, ngành GD và ĐT tỉnh đã đạt được kết quả tốt đẹp. Trong năm học Sở GD và ĐT đã chỉ đạo ngành học mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, 100% các cơ sở giáo dục mầm non đều bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ. Đồng thời đổi mới phương pháp dạy học gắn với tổ chức dạy học phân hoá theo năng lực của học sinh dựa trên chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, chú ý sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học. Các nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá các môn học. Đánh giá chất lượng dạy học các lớp, các trường theo sự so sánh với chất lượng đầu vào; đánh giá năng lực học sinh... Kết thúc năm học, tỷ lệ trẻ mầm non đến trường đạt 98,4%, tỷ lệ trẻ mẫu giáo đến trường đạt 45,6%, tỷ lệ trẻ được nuôi ăn bán trú đạt 95,3%, trẻ suy dinh dưỡng còn khoảng 4%. Trẻ mầm non 5 tuổi được chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng vào học lớp 1. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi tiếp tục được củng cố và duy trì kết quả. Công tác phổ cập giáo dục THCS được nâng cao, việc phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn có chuyển biến tích cực. Trong năm học, Sở GD và ĐT đã triển khai thí điểm mô hình trường học mới đối với 51 lớp 6 tại 19/237 trường THCS theo chỉ đạo của Bộ GD và ĐT; đồng thời cho phép 13 trường THCS phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ để triển khai thí điểm đưa người nước ngoài vào dạy tiếng Anh. Trong các kỳ thi học sinh giỏi, đã có 14/15 học sinh THCS đoạt giải trong cuộc thi Toán bằng tiếng Anh Hà Nội mở rộng, 2 học sinh đoạt giải nhất và nhì toàn quốc trong cuộc thi tài năng tiếng Anh... Ở bậc THPT, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các nhà trường đánh giá kết quả kiểm tra học kỳ, so sánh kết quả kiểm tra với điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10, đồng thời phân tích chất lượng để các đơn vị so sánh kết quả; từ đó rút kinh nghiệm, tìm ra giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao. Học sinh trung học trong toàn tỉnh cơ bản nắm được chuẩn kiến thức kỹ năng môn học. Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa, đoàn học sinh giỏi của tỉnh tham dự đã có 72/ 83 em học sinh đoạt giải, trong đó có 4 giải Nhất, 25 giải Nhì, 24 giải Ba và 19 giải Khuyến khích. Em Đinh Thị Hương Thảo học sinh lớp 12 chuyên Lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là nữ sinh duy nhất đoạt huy chương Vàng tại kỳ thi Ô-lim-pích Vật lý quốc tế. Tại kỳ thi Ô-lim-pích Vật lý quốc tế còn có em Phạm Ngọc Nam, học sinh lớp 12 chuyên Lý đoạt Huy chương Đồng. Tại kỳ thi Ô-lim-pích Toán quốc tế, em Vũ Đức Tài, học sinh lớp 12 chuyên Toán đoạt Huy chương Đồng. Tại kỳ thi Ô-lim-pích Hóa học quốc tế, em Nguyễn Thành Trung, học sinh lớp 12 chuyên Hóa đoạt Huy chương Bạc… Học sinh của tỉnh có điểm bình quân chung, điểm bình quân theo 3 khối tuyển sinh đại học A, B, D trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 cao nhất trong cả nước.
Năm học 2016-2017, Bộ GD và ĐT đã đề ra 5 giải pháp cơ bản là: Cải cách thể chế về GD và ĐT; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD và ĐT; Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD và ĐT.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương ngành GD và ĐT đã bước đầu triển khai toàn diện đổi mới giáo dục, dạy học theo hướng mở, khơi gợi tư duy, sáng tạo. Tiếp tục đổi mới công tác thi và đánh giá học sinh; giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được quan tâm hơn; việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được chú ý trong dạy và học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; đặc biệt đã khẳng định được trí tuệ của thầy và trò trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua khắc phục những bất cập của năm trước, tạo thuận lợi cho thí sinh và gia đình. Tuy nhiên, ngành GD và ĐT cũng còn tồn tại nhiều bất cập như: Giáo dục phổ thông chưa coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, còn xảy ra hiện tượng bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên. Ngoài thiếu kỹ năng sống, nhìn chung học sinh còn yếu ngoại ngữ. Trong khi đó, một số nội dung học không có giá trị thực tiễn. Việc khắc phục tình trạng quá tải về chương trình giáo dục cho học sinh còn chậm, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, chưa gắn với nhu cầu xã hội, tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp còn cao trong khi nhu cầu lao động nhất là lao động có chuyên môn cao còn thiếu. Một bất cập khác là số lượng trường đại học tăng nhanh nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, việc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ có những dấu hiệu đáng lo ngại, là biểu hiện của bệnh sính bằng cấp. Cơ chế tài chính cho giáo dục còn hạn chế, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo còn nhiều bất cập. Còn hiện tượng tiêu cực trong tuyển sinh, cơ sở vật chất ở một số nơi còn thiếu và lạc hậu, việc xây dựng nhà trẻ ở các khu công nghiệp còn chậm. Trong năm học mới 2016-2017, ngành GD và ĐT cần đổi mới hiệu quả hơn. Trong đó giáo dục phổ thông tập trung vào việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống để học sinh được phát triển toàn diện về văn, thể, mỹ. Tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tạo điều kiện cho mọi người đều được học tập. Giáo dục đại học và dạy nghề phải đáp ứng nhu cầu của xã hội và thị trường lao động, khuyến khích liên kết giữa nhà trường và xã hội, gắn nghiên cứu khoa học với việc làm. Việc tự chủ đại học phải bảo đảm các trường phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào đào tạo nguồn nhân lực. Quan tâm chất lượng đào tạo nghề thực tế qua kỹ năng và trình độ tay nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm và vị trí xã hội. Chú trọng công tác phát triển, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng người tài, bồi dưỡng được nhiều giáo viên giỏi, học sinh giỏi để có nhiều người tài, đóng góp trí tuệ để xây dựng đất nước… Trên nền tảng chung và các nhiệm vụ năm học, Bộ GD và ĐT, các địa phương cần căn cứ vào tình hình cụ thể để triển khai có hiệu quả./.
Hồng Minh