Dệt may phải tăng sức cạnh tranh

08:08, 23/08/2016

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 7 tháng đầu năm nay xuất khẩu (XK) dệt may chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2015 và không có nhiều đột phá khi tăng trưởng ở hầu hết các thị trường chính đều dưới mức 5%. Theo đó, xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 7 vừa qua chỉ đạt hơn 2,3 tỷ USD, góp phần đưa giá trị XK nhóm hàng này trong 7 tháng đầu năm đạt khoảng 13,15 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch XK hàng dệt may sang các thị trường trọng điểm đều tăng thấp như: Nhật Bản gần 5%, Hoa Kỳ và EU gần 4%...

“Với mức tăng không cao như kỳ vọng, dệt may đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Gánh nặng đang đổ dồn lên vai các doanh nghiệp vào những tháng cuối năm bởi để đạt kế hoạch năm đề ra XK dệt may phải đạt khoảng 3,4 tỷ USD/tháng, trong khi mức trung bình các tháng đầu năm chỉ gần 2 tỷ USD/tháng”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas nhận định.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác như Căm-pu-chia, Mi-an-ma, Băng-la-đét… do chi phí sản xuất ở các nước này thấp hơn ở Việt Nam. Hơn nữa, do nhu cầu tiêu thụ ở nhiều thị trường chững lại đã gián tiếp kéo giá cả hàng hóa thế giới giảm theo. Từ đầu năm tới nay, đơn giá gia công hàng dệt may liên tục giảm. Ngược lại số lượng đơn hàng chuyển sang các thị trường khác tăng nhanh. Trong khi đó, khác với nhiều đối thủ được ưu đãi miễn thuế nhập khẩu vào nhiều thị trường trọng điểm, chẳng hạn như Hoa Kỳ, doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn đang phải chịu thuế nhập khẩu lên đến 17%.

Do các chi phí đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp trong nước đang mất dần lợi thế cạnh tranh.
Do các chi phí đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp trong nước đang mất dần lợi thế cạnh tranh.

Hiện các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 71% XK và 59% nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt chiếm ưu thế trong những mặt hàng chế biến, chế tạo chính. Nhìn vào thực tế, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng trong 10 năm tới ngành công nghiệp dệt may vẫn có lợi thế để phát triển khi Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... “Xu thế của ngành công nghiệp dệt may thế giới hiện đang có hướng chuyển dịch nhanh đến các quốc gia có lợi thế về nguồn nhân lực, giá gia công thấp nên ngành dệt may cần có những điều chỉnh nhằm đáp ứng tình hình mới. Điều quan trọng lúc này là ngành cần sớm xây dựng, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sao cho phù hợp với tình hình thực tế”, bà Hồ Thị Kim Thoa cho biết.

Trong khi đó, để giúp doanh nghiệp dệt may tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, Vitas vừa kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành dệt may đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/2008/QĐ-TTg ngày 30-3-2008 và Quyết định số 3218/QĐ-BCT ngày 11-4-2014 của Bộ Công thương cho phù hợp với tốc độ hội nhập sâu, rộng của Việt Nam theo hướng dài hạn hơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 do nhiều mục tiêu trong các quyết định trên cho đến nay đã quá lạc hậu.

Theo các chuyên gia kinh tế, các hiệp định kinh tế có hiệu lực sẽ mang lại cơ hội tăng cường XK cho ngành dệt may, nhưng do chi phí lương tăng lên nên lợi thế nhân công giá rẻ, tay nghề thấp trong ngành dệt may sẽ giảm đi. Nếu Việt Nam muốn duy trì sức cạnh tranh phải tiến lên những nấc cao hơn trong chuỗi giá trị sản xuất hàng dệt may. Muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp cần học hỏi, đầu tư công nghệ để sản xuất sợi, vải tiên tiến vì việc sử dụng thiết bị công nghệ cao, dù đắt nhưng sẽ làm thay đổi chất lượng sản phẩm, nhất là vải cho may XK./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com