Ngày 8-8, Hội thảo khoa học quốc tế: “Đánh giá tác hại của chất độc da cam/đi-ô-xin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” đã chính thức khai mạc. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; cựu Thủ tướng Nhật Bản I-u-ki-ô Ha-tô-y-a-ma cùng tham dự Hội thảo.
Dự Hội thảo còn có đại diện các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Nga, Ca-na-đa, Nhật Bản, Cộng hòa Séc... Hội thảo do Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam tổ chức.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo. |
Tại Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam khẳng định, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả nặng nề nhất. Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366kg đi-ô-xin xuống miền Nam Việt Nam; làm cho môi trường, sinh thái bị hủy hoại nặng nề; khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, gần 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin; hàng trăm nghìn người đã chết; những nạn nhân còn sống đang phải vật lộn với các căn bệnh hiểm nghèo; di chứng chất độc da cam đã truyền qua thế hệ con, cháu, chắt. Hàng vạn người bị tước đi quyền làm cha, làm mẹ. Hàng triệu trẻ em sinh ra, nhưng không được làm người. Không chỉ người Việt Nam, mà cả binh lính Mỹ và đồng minh của Mỹ tham chiến ở Việt Nam cũng là nạn nhân của cuộc chiến tranh hóa học này.
PGS.TS Nguyễn Thế Lực - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam cho biết thêm, chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái. Theo điều tra của Ủy ban 10-80 và một số nghiên cứu của nước ngoài, môi trường trên toàn miền Nam bị ô nhiễm nặng; các hệ sinh thái bị tàn phá, đảo lộn; hệ thống rừng ngập mặn và rừng đầu nguồn của 28 sông chính bị phá hủy nặng nề, làm suy giảm nghiêm trọng khả năng giữ nước chống lụt; một số loài động vật thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; các loài gặm nhấm và cỏ dại phát triển.
Tại các căn cứ trước kia quân đội Mỹ dùng làm kho chứa, pha trộn, tiêu hủy chất khai quang, nồng độ đi-ô-xin còn gấp hàng nghìn lần nồng độ cho phép. Cty Tư vấn môi trường Hetfield (Ca-na-đa), tháng 9-2009, đưa ra 28 điểm nóng, trong đó có 3 điểm nặng nhất được khảo sát có số liệu tương đối đầy đủ là sân bay Biên Hòa, sân bay Đà Nẵng và sân bay Phù Cát. Các điểm còn tồn lưu cao lượng đi-ô-xin luôn là nguy cơ gây phơi nhiễm cho cư dân lân cận.
Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới sức khỏe con người. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/đi-ô-xin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Viện Hàn lâm khoa học Quốc gia Mỹ (NAS) đã công bố danh mục 14 bệnh, Bộ Y tế Việt Nam công bố danh mục 17 bệnh tật, dị dạng, dị tật do phơi nhiễm chất độc hóa học/đi-ô-xin và danh mục này vẫn để mở. Đặc biệt, số nạn nhân là con, cháu và chắt người bị nhiễm trong chiến tranh ở Việt Nam có thể lên đến hàng triệu người.
Bộ Y tế Việt Nam chuẩn bị công bố danh mục trên 200 nhóm bệnh tật, dị dạng, dị tật bẩm sinh do phơi nhiễm chất độc hóa học/đi-ô-xin, với các căn bệnh: Liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, thoát vị não, tật không có tủy sống, teo vận động mạch phổi...
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chiến tranh đã qua nhiều năm nhưng Việt Nam vẫn chịu hậu quả của bom mìn, chất độc da cam. Đặc biệt, chất độc da cam đã gây ra những hậu quả nặng nề và lâu dài. “Chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Tôi đã trực tiếp đến thăm một gia đình có cả 3 thế hệ là nạn nhân của chất độc da cam, còn có gia đình di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4” - Phó Thủ tướng chia sẻ.
Nhấn mạnh việc giải quyết hậu quả chất độc đi-ô-xin là vấn đề lâu dài, Phó Thủ tướng cho rằng “phải tăng cường hợp tác, phải bằng tiếng nói của khoa học, của lương tâm, của sự thật để không còn chiến tranh, để tất cả nạn nhân chiến tranh, đặc biệt là nạn nhân chất độc đi-ô-xin được hỗ trợ, được trả lại công bằng”.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng bày tỏ cảm ơn các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội có lương tri, đã và đang ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, cũng như nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời hoan nghênh, đánh giá cao Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã tổ chức Hội thảo này.
Phát biểu tại Hội thảo, các nhà khoa học cũng đều khẳng định, khắc phục hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề lớn, như: Tiếp tục điều tra, đánh giá chính xác hậu quả; tìm kiếm công nghệ thích hợp để xử lý ô nhiễm ở các khu vực còn tồn lưu cao đi-ô-xin; hạn chế tối đa số người bị phơi nhiễm mới và di chứng sang các thế hệ; phương pháp chữa trị bệnh tật; hoàn thiện chính sách, chăm sóc giúp đỡ, cải thiện đời sống nạn nhân chất độc da cam; cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân trong bối cảnh mới... Các ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng, giải quyết những vấn đề trên, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam và sự giúp sức của quốc tế.
Tại Hội thảo, cựu Thủ tướng Nhật Bản I-u-ki-ô Ha-tô-y-a-ma chia sẻ: “Tôi đã trở nên quen thuộc hơn với các vấn đề chất độc da cam vào dịp tháng 10-2013, khi tôi thăm Bệnh viện quốc tế Phúc Lâm ở Hà Nội. Tại đó, tôi đã gặp nhiều trẻ em bị tổn thương bởi chất độc da cam. Đối với bản thân là Chủ tịch của Hiệp hội I-u-ai Nhật Bản và Viện Cộng đồng Đông Á, tôi tự hỏi: Nếu có được một cách nào đó, tôi có thể giúp đỡ những trẻ em này?”.
Trong hai năm qua, ông đã thu xếp và trao tặng 50 xe lăn cho bệnh viện với hy vọng giúp những trẻ em vận động được, tiếp xúc được nhiều hơn với thế giới bên ngoài.
Theo cựu Thủ tướng Nhật Bản I-u-ki-ô Ha-tô-y-a-ma, “việc sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản, cùng với các phương tiện khác để hỗ trợ tích cực cho việc tẩy độc đi-ô-xin tại Việt Nam sẽ là một phương tiện nhân văn tuyệt vời để có sự hợp tác có ý nghĩa giữa hai nước chúng ta”.
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày, từ 8 đến 9-8. Các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ thảo luận 2 nội dung chuyên đề: Chuyên đề môi trường, độc học, sinh thái; Chuyên đề y tế và sức khỏe cộng đồng./.
Tin, ảnh: PV