TP Hồ Chí Minh: Sẽ triển khai mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm

08:07, 27/07/2016

Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh vừa cho biết, Sở đã xây dựng giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đối với ngành thịt heo để triển khai dự án mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020.

Sở Công thương đã xây dựng quy trình ứng dụng công nghệ thông tin kiểm soát, truy xuất nguồn gốc heo. Mục tiêu của quy trình là tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng và truy suất nguồn gốc của thịt heo; đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp, người chăn nuôi an toàn. Đồng thời, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong việc thực hiện, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm; giảm thiểu các thủ tục hành chính, kiểm dịch thú y...

Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai dự án này và dự kiến, dự án sẽ được thực hiện ngay trong năm 2016, góp phần kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc thịt heo nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.

Hà Giang: Phát triển các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề phục vụ du lịch

Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, bên cạnh các chính sách đầu tư và thu hút đầu tư, tỉnh Hà Giang đã xây dựng các chính sách phát triển các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề đặc thù phục vụ cho du lịch của địa phương.

Trên địa bàn Hà Giang có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản đối với du khách và người tiêu dùng như: mật ong bạc hà vùng cao nguyên đá, gạo Già Dui và mận Hậu huyện Xín Mần, ngô nếp núi đá huyện Yên Minh, gà xương đen và rượu ngô men lá Thanh Vân huyện Quản Bạ, hoa Tam giác mạch tại các huyện vùng cao, thịt bò khô trên cao nguyên đá, dê núi đá vùng cao, hồng không hạt Quản Bạ, rượu đặc sản được làm từ hạt Tam giác mạch, chè Shan tuyết tại các huyện vùng cao... Bên cạnh đó, Hà Giang cũng có nhiều sản phẩm làng nghề độc đáo như nghề dệt thổ cẩm, chế tác đá, thêu dệt vải lanh, chế tác lũa và tượng từ gỗ ngọc am....

Để nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm của các làng nghề phục vụ cho công tác du lịch, tỉnh Hà Giang đã xây dựng các chính sách nhằm phát triển và nâng cao chất lượng của các sản phẩm như: đầu tư khoa học kỹ thuật, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề truyền thống nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề mang tính đặc thù của địa phương đi đôi với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Ngoài ra, tỉnh Hà Giang cũng xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các làng nghề truyền thống phát triển.

Đồng Nai: Tập trung đầu tư hạ tầng khu công nghiệp

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm tới nay, đã có khoảng 1.200 tỷ đồng đầu tư cho kết cấu hạ tầng các KCN trên địa bàn tỉnh này, bao gồm các công trình giao thông, điện, nước, dịch vụ và nhà xưởng...

Hiện tỉnh Đồng Nai có 32 KCN, trong đó có 30 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 1.500 dự án trong nước và nước ngoài đến đầu tư. Tổng số tiền các Cty đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng KCN ở địa phương này đã lên tới hơn 13 nghìn tỷ đồng. Đây là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong phát triển các KCN.

Với tổng diện tích khoảng 10 nghìn ha và tỷ lệ lấp đầy bình quân tại các KCN là 67%, các KCN ở Đồng Nai đã giải quyết việc làm cho gần 500 nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. So với bình quân chung của cả nước thì Đồng Nai có tỷ lệ lấp đầy tại các KCN cao hơn gần 20%. Đồng Nai cũng là tỉnh thu hút, giải quyết việc làm nhiều nhất cả nước cho các lao động trong và ngoài tỉnh./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com