Long An: Tiếp tục phát triển cánh đồng lớn

08:07, 11/07/2016

Theo UBND tỉnh Long An, kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn năm 2016 của địa phương này là gần 30 nghìn ha; đến năm 2020, tổng diện tích cánh đồng lớn sẽ tăng lên hơn 110 nghìn ha, trong đó cây lúa là cây trồng chủ lực.

Theo đó, từ nay đến năm 2020, tỉnh Long An triển khai xây dựng và phát triển các cánh đồng lớn thuộc lĩnh vực trồng trọt nhằm nâng cao giá trị gia tăng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Cánh đồng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân Long An (Ảnh: K.V).
Cánh đồng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân Long An.

Long An phấn đấu đến năm 2020 có tổng diện tích xây dựng cánh đồng lớn trên các loại cây trồng chủ yếu của tỉnh là 110.180ha đạt 19,34% so với tổng diện tích gieo trồng. Trong đó, đối với cây lúa là 100 nghìn ha đạt 20% diện tích quy hoạch gieo trồng; cây ngô 1.500ha đạt 20%; cây vừng 4.500ha đạt 30%; cây lạc 640ha đạt 10%; rau các loại 380ha đạt 5%; cây thanh long 900ha đạt 10%; cây chanh 1.100ha đạt 10% và các cây trồng khác 1.160ha đạt 10%.

Tỉnh này cũng đặt kế hoạch đến năm 2030 có tổng diện tích xây dựng cánh đồng lớn trên các loại cây trồng chủ yếu của tỉnh là 228.800ha đạt 40,96% so với tổng diện tích gieo trồng. Trong đó, đối với cây lúa là 200 nghìn ha đạt 41,4% diện tích quy hoạch gieo trồng; cây ngô 4.000ha đạt 46,3%; cây vừng 8.300ha đạt 50%; cây lạc 1.300ha đạt 20%; rau các loại 1.500ha đạt 16,4%; cây thanh long 3.000ha đạt 30,8%; cây chanh 4.000ha đạt 29,3% và các cây trồng khác 2.200ha đạt 20%.

Bình Dương: Chủ động kiểm soát nguồn nước thải

Theo Sở TN và MT tỉnh Bình Dương, hiện tổng lượng nước thải phát sinh trên địa bàn tỉnh này là 284 nghìn m3/ngày, trong đó nguồn thải từ hoạt động công nghiệp khoảng 140 nghìn m3/ngày.

Để kiểm soát các nguồn thải công nghiệp, tỉnh Bình Dương đã xây dựng ba trạm quan trắc nước mặt tự động phục vụ cho công tác quan trắc chất lượng nước sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Đồng thời, tỉnh này cũng đã xây dựng hệ thống quan trắc nước thải tự động từ năm 2009 và đã đưa vào vận hành ổn định. Hiện toàn tỉnh Bình Dương đã có 57 chủ nguồn thải đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc chất lượng nước thải và kết nối về Trạm điều hành trung tâm của Sở TN và MT, trong đó có 21 khu công nghiệp, giúp kiểm soát liên tục và tự động 70% tổng lượng nước thải công nghiệp phát sinh.

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Tập trung xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nằm trong danh sách di dời; các doanh nghiệp thải nước thải ra kênh Ba Bò, suối Bưng Cù, suối Siệp; các doanh nghiệp nằm trong lưu vực thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn và các doanh nghiệp nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và môi trường nghiêm trọng. Tổ chức điều tra, thống kê, cập nhật bổ sung các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn và phối hợp cấp huyện điều tra cập nhật cơ sở dữ liệu về nguồn thải. Duy trì việc kiểm tra, vận hành thiết bị tại các trạm quan trắc tự động, khắc phục kịp thời các sự cố về lỗi thiết bị tại các trạm cơ sở. Tập trung xử lý dứt điểm các đơn vị gây ô nhiễm môi trường kéo dài./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com