Trước việc cơ quan quản lý nghề cá Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh cá có thời hạn từ 12h ngày 16-5 đến 12h ngày 1-8 trên các vùng biển đối với tất cả các nghề, trừ nghề lưới rê đơn và câu, trong đó có vùng đánh cá chung (vùng biển phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ) và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở NN và PTNT, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển theo chức năng, nhiệm vụ thông báo cho ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản trên biển biết về việc tạm ngừng đánh cá có thời hạn của phía Trung Quốc và khẳng định việc Trung Quốc tạm ngừng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là không có giá trị.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam và hướng dẫn tổ chức thành đoàn, đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển.
Đối với các tàu cá có giấy phép đánh bắt trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ năm 2015-2016, UBND tỉnh lưu ý các tàu cá không sang khai thác tại vùng biển phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ, trừ tàu cá hoạt động nghề lưới rê đơn và câu.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tăng cường quản lý, giám sát hoạt động khai thác hải sản của tàu cá trên các vùng biển, đặc biệt phối hợp quản lý chặt chẽ việc xuất bến của tàu cá hoạt động trong thời gian này; đồng thời kịp thời thông báo các vụ việc đột xuất phát sinh trên biển về Tổng cục Thủy sản bằng đường dây nóng của Cục Kiểm ngư theo Quy chế thực hiện quy định sử dụng đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển đã được quy định tại Quyết định số 79/2014/QĐ-TTg ngày 30-12-2014.
Bình Dương: Xuất hiện 57 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương, hiện trên tuyến sông Sài Gòn và Đồng Nai đoạn qua địa bàn tỉnh xuất hiện 57 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở bờ sông.
Cụ thể, trên tuyến sông Đồng Nai, tình hình sạt lở bờ sông xảy ra chủ yếu trên địa bàn Thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên có tổng cộng 17 điểm sạt lở và 174 hộ dân có nhà ở nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, trong đó có 73 hộ dân thuộc diện cần di dời. Hiện có 39 hộ đã di dời, 4 hộ đã xây bờ kè chống sạt lở, 30 hộ chưa di dời. Nguyên nhân gây sạt lở bờ sông Đồng Nai là do dòng chảy và tình trạng bơm hút cát lậu.
Trên tuyến sông Sài Gòn có 40 điểm sạt lở bờ sông, trong đó có 37 điểm xuất hiện từ các năm trước, 3 điểm đê bao gần bờ sông có nguy cơ sạt lở. Nguyên nhân gây sạt lở bờ sông do triều cường, mưa lũ, hoạt động giao thông thủy, khai thác cát dưới lòng sông.
Đồng Nai: Có thêm hai huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức lễ công bố hai địa phương là huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch đạt chuẩn NTM trong năm 2015.
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Đồng Nai, trong 5 năm xây dựng NTM (2010-2015), huyện Nhơn Trạch và Long Thành đã thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng NTM. Trong đó, huyện Nhơn Trạch đã huy động gần 11 nghìn tỷ đồng vốn xã hội hóa, chiếm trên 77%; huyện Long Thành huy động hơn 9 nghìn tỷ đồng vốn xã hội hóa, chiếm trên 78%.
Do có sự đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, nên đời sống của người dân ở Long Thành và Nhơn Trạch đã ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện Long Thành đạt trên 40 triệu đồng/người/năm và của huyện Nhơn Trạch đạt 38,5 triệu đồng/người/năm.
Được biết, tỉnh Đồng Nai hiện đã có 5 huyện, thị xã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, đây là địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào này./.
Theo chinhphu.vn