Sáng 18-6-2016, dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 1634/CT-TTg ngày 31-8-2010 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện Chỉ thị 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: PV |
5 năm qua, các bộ, ban, ngành, địa phương đã đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác tuyên truyền, xây dựng mô hình phong trào toàn dân PCCC có bước phát triển quan trọng với hàng trăm mô hình như: “Chợ kiểu mẫu về PCCC”, “Chung cư an toàn PCCC”, “Cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn về PCCC”…, qua đó nâng cao ý thức của người dân, người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp về PCCC. Các địa phương đã thành lập 1.093 đoàn liên ngành kiểm tra PCCC tại những công trình trọng điểm; lực lượng cảnh sát PCCC kiểm tra 1,3 triệu lượt cơ sở, trong đó yêu cầu trên 84 nghìn cơ sở khắc phục những thiếu sót về PCCC, xử lý hơn 61 nghìn trường hợp vi phạm với số tiền gần 120 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát PCCC đã chữa cháy kịp thời, hiệu quả hơn 6.400 vụ, cứu nạn, cứu hộ gần 2.500 vụ, cứu được 1.625 người và bảo vệ khối lượng tài sản, hàng hóa trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những kết quả trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ thời gian qua. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương cả nước cần thực hiện tốt việc chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị 47-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể phải xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác PCCC, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia, bảo đảm an ninh an toàn, thực hiện tốt 4 tại chỗ. Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi quản lý của mình; Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng của mình tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về PCCC để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với công tác này, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở nếu không bảo đảm an toàn PCCC, vi phạm nghiêm trọng thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngay trong năm 2016, các tỉnh tổ chức thanh tra, xử lý dứt điểm các vi phạm PCCC; Các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện đề án quy hoạch tổng thể về PCCC và cứu nạn cứu hộ ở địa phương, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Các địa phương hằng năm cân đối ngân sách để bố trí kinh phí đầu tư cho công tác PCCC. Trong đó, ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở vật chất, hậu cần cho lực lượng PCCC. Để thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực trong công tác PCCC, Phó Thủ tướng nêu rõ Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực trong PCCC; xác định rõ nội dung xã hội hóa và tổ chức triển khai, có chính sách huy động nguồn lực xã hội, đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Hằng năm tổ chức kiểm tra giám sát về PCCC tại một số ngành, địa phương./.
Hoa Xuân