Sáng 3-6-2016, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh ta, có các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: Y tế, LĐ-TB và XH, BHXH, GD và ĐT, TT và TT, Nội vụ, Tài chính, Tư pháp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. |
Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, BHXH Việt Nam đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp để chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện nhằm hoàn thành chỉ tiêu phát triển và mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Năm 2015 toàn ngành BHXH đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu bao phủ BHYT được giao, với trên 76,5% dân số cả nước có BHYT; đầu năm 2016 có trên 70,8 triệu người tham gia BHYT, tăng khoảng 0,83 triệu người, tương đương với 1,2% so với năm 2015 và đang tích cực triển khai để hoàn thành chỉ tiêu bao phủ 78% dân số có BHYT theo Quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 14-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2015 BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai thực hiện việc tin học hóa thủ tục hành chính công tác khám, chữa bệnh BHYT nói chung, giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT nói riêng. Đến nay, BHXH Việt Nam đã cơ bản hoàn thành và đang tích cực đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành BHXH để đảm bảo trước ngày 30-6-2016 đưa vào vận hành, sử dụng Hệ thống thông tin giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Ở tỉnh ta, tính đến ngày 31-5-2016, tổng số người tham gia BHYT là 1.287.491 người, đạt tỷ lệ 69,76%. So với năm 2015, tổng số người tham gia BHYT tăng 65.024 người, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chỉ có 4/10 huyện, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 70%; có 100/229 xã, phường, thị trấn đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 70%. Về công tác triển khai ứng dụng CNTT trong lĩnh vực BHYT, BHXH tỉnh đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng CNTT, tổ chức thu thập, nhập dữ liệu quản lý thu SMS, phần mềm quản lý sổ thẻ, phần mềm hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình.
Tại hội nghị cũng nêu rõ: Trong quá trình tổ chức thực hiện việc đẩy mạnh BHYT toàn dân vẫn đang tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Quyết định số 1584/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương huy động các nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trước mắt là hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại của các đối tượng thuộc hộ cận nghèo nhưng đến nay vẫn còn một số tỉnh, thành phố chưa có cơ chế hỗ trợ một phần mức đóng BHYT còn lại của các đối tượng là người thuộc hộ cận nghèo. Hầu hết các địa phương chưa hỗ trợ được hộ nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên (HSSV) thuộc các hộ gia đình đông con khó khăn về kinh tế… Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế còn chậm và chưa đảm bảo sự công bằng giữa những người bệnh có thẻ BHYT và người chưa tham gia BHYT, chưa tạo được động lực khuyến khích người dân tham gia BHYT. Chưa có giải pháp phù hợp để có thể khai thác triệt để và đảm bảo quyền lợi được tham gia BHYT của người tham gia BHYT hộ gia đình theo Nghị quyết 98/2015/QH13 cho các đối tượng sinh sống ở các vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc diện vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã có trong danh sách được phê duyệt theo Quyết định 539/QĐ-TTg ngày 1-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được xác định lại trong danh sách được phê duyệt theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26-6-2014 và Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 11-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự cố gắng của các bộ, ban, ngành và các địa phương đã thực hiện tốt công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ: Về những tồn tại, hạn chế, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện Luật BHYT. Công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, người dân vẫn thiếu thông tin về chính sách, quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHYT. Tỷ lệ bao phủ BHYT ở một số địa phương còn thấp. Nhiều nhóm đối tượng phải tham gia BHYT đạt tỷ lệ thấp và thiếu bền vững. Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT mặc dù đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn cần được tiếp tục cải thiện. Người dân vẫn còn chưa hài lòng về thủ tục trong khám, chữa bệnh, trong chuyển tuyến, trong thanh toán BHYT. Chưa bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi đến cơ sở khám, chữa bệnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính và trong giám định chi phí khám, chữa bệnh còn chậm, thiếu đồng bộ. Giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, làm cho chi trả tiền túi của người dân có thẻ BHYT vẫn còn cao, làm giảm tính hấp dẫn của chính sách BHYT.
Để hướng tới BHYT toàn dân; phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 90% dân số tham gia BHYT, BHXH Việt Nam cần tổ chức triển khai phát triển đối tượng tham gia BHYT; đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về những giải pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT và tổ chức triển khai thực hiện. Tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý thu theo cơ chế dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT. Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia BHYT, không phân biệt đối với người bệnh được khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT khám, chữa bệnh và giảm chi từ tiền túi của người bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện của các bệnh viện; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí, truyền thông giám sát. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tinh thần, thái độ phục vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT. Bộ GD và ĐT chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, bảo đảm đến năm 2017 có 100% đối tượng HSSV tham gia BHYT. Phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tăng cường thông tin, truyền thông, vận động HSSV, nhất là sinh viên tham gia BHYT. Bộ Tài chính bố trí đầy đủ, kịp thời ngân sách để đóng, hỗ trợ mức đóng BHYT theo quy định. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tham gia BHYT đối với các đối tượng do ngân sách Nhà nước đóng ổn định để có kế hoạch cân đối ngân sách trung và dài hạn. Bộ LĐ-TB và XH phối hợp các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách giai đoạn 2016-2020 cho nhóm đối tượng do ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT cho các nhóm đối tượng thuộc diện quản lý, bảo đảm đến năm 2018 đạt 100% quân nhân, cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang tham gia BHYT. Các cơ quan thông tin, báo chí làm tốt công tác thông tin, truyền thông; để xã hội nhận thức đúng về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHYT. Thủ tướng đề nghị MTTQ Việt Nam, các đoàn thể tiếp tục vận động hội viên, đoàn viên, vận động các tổ chức, người có điều kiện hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Đồng thời, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội giám sát việc vận động, thực hiện Luật BHYT./.
Theo nhandan.com.vn