UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành văn bản về việc hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả do hải sản chết bất thường trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Để triển khai thực hiện tốt chỉ đạo chung của Chính phủ trong việc hỗ trợ ngư dân, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh khẩn trương tập trung chỉ đạo các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn chủ động rà soát các khoản nợ vay của ngư dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do hiện tượng thuỷ, hải sản chết bất thường trên địa bàn để kịp thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, xử lý rủi ro...
Tiếp tục xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho vay mới với lãi suất ưu đãi để giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng như chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của các ngân hàng thương mại “Về xử lý nợ, lãi, cho vay mới để giúp ngư dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh”.
Quảng Nam: Quần thể pơmu cổ thụ được công nhận là di sản
UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) vừa tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận quần thể cây pơmu cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam.
Quần thể cây pơmu ở Tây Giang thuộc hai xã Axan và Tr’Hy, nằm trên núi Zi’liêng, với tổng diện tích khoảng 450ha nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển. Trong đó, có nhiều cây pơmu cổ thụ có tuổi thọ đo được là hơn 1.800 năm. Đây được xem là loài cây linh thiêng của người Cơ Tu ở vùng cao, do đó được người dân hết sức giữ gìn, bảo vệ.
Quần thể cây pơmu gắn liền với văn hóa và đời sống của người Cơ Tu. Theo truyền thống của người Cơtu, những cây to trong rừng, hoặc là chỗ trú ngụ của thần linh hoặc là nơi linh hồn người chết trú ẩn. Việc chặt cây làm nhà phải có sự đồng ý của bản làng, phải làm lễ cúng để xin chặt cây. Người làng khác cũng không được xâm phạm phần đất, phần rừng của nhau theo ranh giới đã quy ước”.
Chính quyền huyện Tây Giang kỳ vọng, thông qua việc được chính thức công nhận là cây di sản, rừng pơmu sẽ được bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, từng bước phát huy giá trị của rừng, nhất là trong việc đưa vào phục vụ du lịch, biến nơi đây thành một điểm đến du lịch lý thú của Tây Giang./.
Theo chinhphu.vn