Theo Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, hiện địa phương này có 96 bến thủy nội địa kinh doanh vật liệu xây dựng, trong đó chỉ 33 bến có giấy phép hoạt động, 63 bến không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn hoạt động.
Địa phương có nhiều bến thủy nội địa không phép là Thành phố Biên Hòa 43 bến; huyện Nhơn Trạch 9 bến và huyện Long Thành 8 bến. Thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra, xử lý và lập biên bản vi phạm hành chính 92 trường hợp, đình chỉ hoạt động hàng chục bến không có giấy phép hoạt động, lập biên bản 1 trường hợp đưa phương tiện sà lan vào bốc dỡ hàng hóa tại bến không phép. Tuy nhiên, các bến thủy nội địa kinh doanh vật liệu xây dựng ở Đồng Nai vẫn tồn tại, từ đó ảnh hưởng đến dòng chảy và sự ATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh này.
Tuần tra kiểm soát trên sông Đồng Nai (Nguồn: Báo Đồng Nai) |
Theo phản ánh của lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông đường thủy tỉnh Đồng Nai, các chủ bến thủy nội địa thường đóng cửa bến và ngưng hoạt động trong thời gian đoàn đi kiểm tra. Sau khi không có đoàn kiểm tra, các bến lại tổ chức mua cát, đá vào ban đêm. Do đó, khi tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng không bắt được quả tang đang có hoạt động bốc dỡ hàng hóa bằng phương tiện thủy thì rất khó cho việc xử phạt.
Cần Thơ: Phong Điền là huyện nông thôn mới đầu tiên
Sáng 17-5, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) đã tổ chức lễ công nhận huyện NTM.
Phong Điền là huyện vùng ven của Thành phố Cần Thơ, được thành lập năm 2004, hiện có 6 xã và 1 thị trấn. Qua 5 năm xây dựng NTM, toàn huyện đã huy động được 1.813 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí. Trong đó, ngân sách Nhà nước chiếm 39%, nhân dân và doanh nghiệp là 25,2%. Huyện đã huy động hơn 633 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi. Vận động các mạnh thường quân và nhân dân hơn 200 tỷ đồng xây dựng 93km đường giao thông xóm, ấp; gia cố 220km đê bao gắn với xây dựng lộ giao thông nông thôn và xây dựng mới hơn 1.000 cống đập, nạo vét trên 1,5 triệu m2 đất, góp phần hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Hiện toàn huyện hiện có hơn 6.000ha cây ăn trái đặc sản (dự kiến nâng lên 7.500-8.000ha đến năm 2020), với những vùng chuyên canh quy mô lớn và kết hợp với du lịch sinh thái.
Bình quân thu nhập 1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt trên 150 triệu đồng/năm. Trong đó, các vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh cho thu nhập đạt từ 200-350 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đạt 34,7 triệu đồng/người/năm, tăng 14,2 triệu đồng/người/năm so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,36%./.
Theo dangcongsan.vn