Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Nhật Bản

08:05, 30/05/2016

Rạng sáng 29-5, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn cấp cao Chính phủ đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài, kết thúc tốt đẹp các chương trình chuyến thăm Nhật Bản.

Theo đặc phái viên TTXVN, trong thời gian 3 ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự nhiều sự kiện lớn, nổi bật, nhất là Phiên họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Thành phố Mi-e, Nhật Bản và hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê tại Thủ đô Tô-ky-ô. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có hàng loạt cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo G7 và các quốc gia, các tổ chức quốc tế - khách mời của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự Hội nghị, đánh dấu sự ghi nhận đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các sáng kiến và nỗ lực của các nước G7 cùng các tổ chức quốc tế, trong đó đặc biệt là quyết định của Nhật Bản mở rộng lĩnh vực và phạm vi hỗ trợ của sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở châu Á. Thủ tướng cũng chia sẻ những quan ngại của các nước G7 và các nước ASEAN về những thách thức đối với hoà bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Thủ tướng kêu gọi các quốc gia liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Sin-dô A-bê.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Sin-dô A-bê.

Nhân dịp thăm Nhật Bản và dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Mi-e, Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Tổng thống Xri-lan-ca, Tổng Thư ký LHQ, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và lãnh đạo tỉnh Ai-chi cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhật Bản. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với Tổng thống Pháp, Thủ tướng Ca-na-đa, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Anh, Thủ tướng Đức, Tổng thống Mỹ, Thủ tướng I-ta-li-a, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới.

Tại diễn đàn Hội nghị và các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam luôn nỗ lực củng cố, phát triển quan hệ với tất cả các nước trên thế giới trên tinh thần “là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Thủ tướng mong muốn các nước và các đối tác ủng hộ Việt Nam tăng cường vai trò và trách nhiệm tại các tổ chức quốc tế, tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quan trọng ở khu vực và trên thế giới, trong đó có việc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và ứng cử vào vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) nhiệm kỳ 2017-2021.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các nước đã có lập trường tích cực, ủng hộ Việt Nam và ASEAN trong giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định cho thịnh vượng và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Phát biểu tại các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lập trường của Việt Nam về hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và cả thế giới nói chung.

Thủ tướng nhấn mạnh: Hòa bình và phát triển của Việt Nam gắn chặt với hòa bình và thịnh vượng chung của thế giới. Đóng góp giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi quốc gia dù ở trình độ phát triển nào. Sự phồn vinh và phát triển bền vững ở Việt Nam, châu Á và trên thế giới chỉ có thể được bảo đảm nếu có một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước những thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh của khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Các hành động đơn phương, trái luật pháp quốc tế và thỏa thuận khu vực, như bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực. Tình hình đó đòi hỏi các quốc gia liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC)”.

Thủ tướng cho rằng các nước, nhất là các nước trong nhóm G7 cần có tiếng nói và hành động thiết thực để đóng góp tích cực vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định và giải quyết các vấn đề chung của toàn cầu cũng như ở khu vực; đặc biệt là các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống khủng bố, an ninh lương thực, nguồn nước, hàng hải, hàng không… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ vào vai trò quan trọng của các quốc gia thuộc nhóm G7 trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu, liên kết thương mại, đầu tư cũng như xử lý hiệu quả các thách thức phát triển toàn cầu vì một môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Chia sẻ các nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các nước G7, các nước và tổ chức quốc tế tham dự kêu gọi tăng cường hợp tác để duy trì tăng trưởng thế giới; ứng phó với thiên tai, hạn hán; hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có các nước ASEAN xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, tăng cường kết nối và cuối cùng là tăng cường xây dựng lòng tin nhằm giải quyết các điểm nóng tại khu vực và thế giới, trong đó có an toàn, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Cũng tại thành phố du lịch Na-gô-y-a, Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tham dự Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Việt Nam hội nhập và phát triển”. Phát biểu trước khoảng 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách pháp luật để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định, thông thoáng và minh bạch hơn nữa cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm đầu tư và kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

Nhân dịp thăm Nhật Bản và dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, chiều 27-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Đền I-de, tại Mi-e, Nhật Bản và dành thời gian tới thăm Nông trại I-ô-cô-i-a-ma, thuộc Cty CP Nông trại I-ô-cô-i-a-ma - đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh từ năm 1973. Đây là một mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình ở tỉnh Ai-chi, cung cấp thực phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng.

Sau khi hoàn tất chương trình tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, chiều 28-5, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta đã tới Thủ đô Tô-ky-ô, bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê. Lễ đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta được tổ chức trang trọng tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê với các nghi thức cử Quốc ca Việt Nam và Quốc ca Nhật Bản, duyệt Đội danh dự Nhật Bản. Ngay sau lễ đón, hai bên đã tiến hành hội đàm. Đây cũng là sự kiện quan trọng nhất trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Trong bầu không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai Thủ tướng đã trao đổi ý kiến sâu rộng và đạt nhất trí cao về phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường sự tin cậy chính trị thông qua việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tăng cường tiếp xúc bên lề các hội nghị quốc tế, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại giữa hai nước; nhất trí tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước và hợp tác chặt chẽ trong hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ và lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh. Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ cùng trao đổi các biện pháp cụ thể để thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế với các nội dung kết nối chiến lược phát triển kinh tế, kết nối nguồn lực sản xuất, kết nối nguồn nhân lực thông qua hợp tác đầu tư, thương mại, ODA... Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; các bên liên quan không có những hành động thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp và quân sự hóa trên Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Sin-dô A-bê đã chứng kiến các bộ, ngành và cơ quan hai nước trao đổi 5 văn kiện ký kết, trong đó có 4 văn kiện về vốn vay ODA với tổng số tiền là 166 tỷ yên (tương đương 1,5 tỷ USD). Tối 28-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta đã rời Thủ đô Tô-ky-ô về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng./.

Tin, ảnh: TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com