Tại Chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, Yên Dũng (Bắc Giang), UBND tỉnh Bắc Giang vừa long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Vĩnh Nghiêm.
Chùa Vĩnh Nghiêm nằm cách Trung tâm Thành phố Bắc Giang khoảng 20km về phía đông nam. Theo các nguồn tư liệu, Chùa Vĩnh Nghiêm được khởi dựng từ thời Lý (XI) với tên gọi là Chùa Chúc Thánh (hay Chùa La, hoặc Chùa Đức La). Đến thời Trần, chùa phát triển thành một trong bốn trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm (gồm Yên Tử, Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm và Thanh Mai), trở thành một trung tâm Phật giáo để đào luyện tăng ni cả nước trong suốt gần 8 thế kỷ hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Cả ba vị Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đều thụ giới ở Chùa Vĩnh Nghiêm, lấy nơi này làm trung tâm Phật giáo thời Trần.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng Xếp hạng Di tích Quốc gia. |
Năm 1964 Chùa Vĩnh Nghiêm được xếp hạng là di tích quốc gia, năm 2013 Lễ hội Chùa Vĩnh Nghiêm (tổ chức hằng năm vào ngày 12-2 âm lịch) được Bộ VH, TT và DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với những giá trị tiêu biểu nổi bật của Chùa Vĩnh Nghiêm, ngày 23-12-2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Vĩnh Nghiêm.
Quảng Ngãi: Bàn giao tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vỏ thép cho ngư dân huyện đảo Lý Sơn
Ngày 20-3, tại vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, Cty TNHH một thành viên Nam Triệu thuộc Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Ngãi tổ chức bàn giao tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vỏ thép mang tên Thiện Hải 09 cho doanh nghiệp xăng dầu Nguyễn Xiêm, trú thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Đây là tàu vỏ thép thứ 3 mà ngư dân Lý Sơn đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Tàu Thiện Hải 09 có tổng chiều dài 34m, chiều rộng 7m, trọng tải lên đến 250 tấn; tàu được lắp đặt 1 máy chính mới 100%, công suất 940CV cùng trang thiết bị hiện đại. Tàu hoàn thiện sau 12 tháng thi công với tổng số tiền đầu tư là 14,7 tỷ đồng.
Khi đi vào khai thác, tàu hoạt động theo mô hình cung cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm như xăng dầu, đá lạnh, nước ngọt… cho các tàu đánh bắt thủy sản tại các ngư trường xa bờ; nhận thu mua toàn bộ sản phẩm khai thác được để chuyển về đất liền tiêu thụ góp phần giúp ngư dân có điều kiện bám biển lâu ngày, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.
Quảng Bình: Hướng tới doanh thu 4.000 tỷ đồng từ du lịch
Trong năm 2015, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã phối hợp với các đoàn làm phim, tạp chí trong và ngoài nước thực hiện các chương trình quảng bá, giới thiệu về tiềm năng du lịch, hệ thống hang động trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp khai trương một số đường bay mới cũng như tuyến vận tải du lịch tới Lào, Thái Lan…
Năm 2015, Quảng Bình đón gần 3 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 8,9% so với cùng kỳ, trong đó có 65 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch trong năm ước đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Năm 2016, Quảng Bình phấn đấu đón 3,3 triệu lượt khách nội địa và 100 nghìn lượt khách quốc tế đến tham quan, du lịch với tổng doanh thu du lịch đạt trên 4.000 tỷ đồng. Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng quy hoạch và hình thành các điểm dừng chân du lịch, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ, trung tâm thương mại; đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông, điện lực, ngân hàng tại các trung tâm du lịch của tỉnh; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng./.
Theo Nhân dân