Ngày 25-3, kỳ họp thứ 11, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ năm. Các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dược (sửa đổi) và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Nỗ lực quản lý tốt giá thuốc
Buổi sáng, sau khi nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dược (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ QH, các đại biểu QH đã thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau. Theo Báo cáo, về cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) dược hiện có hai loại ý kiến về thời hạn của CCHN dược. Đó là cấp CCHN có thời hạn 5 năm và cấp CCHN dược một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn. Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH xem xét và quyết định một trong hai phương án cấp CCHN. Phương án thứ nhất, cấp CCHN dược một lần; Phương án thứ hai: cấp CCHN có thời hạn 5 năm. Về nội dung này, nhiều đại biểu QH đề nghị chọn phương án thứ nhất vì hiện nay, nước ta đang trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, việc quy định cấp CCHN một lần gắn với biện pháp hậu kiểm (quy định thu hồi CCHN dược đối với “người hành nghề không cập nhật kiến thức chuyên môn về dược liên tục trong thời gian hai năm liên tiếp” tại khoản 11 Điều 31) và xử lý nghiêm các trường hợp không đáp ứng điều kiện hành nghề sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, việc cấp CCHN một lần sẽ hạn chế được tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình xét duyệt.
Vấn đề quản lý giá thuốc được các đại biểu QH quan tâm phát biểu ý kiến đóng góp. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung quy định hạn chế tình trạng độc quyền, giảm tối đa các khâu trung gian trong phân phối thuốc vì đây là nguyên nhân dẫn đến giá thuốc tăng cao khi đến tay người bệnh. Bên cạnh đó, về góc độ chuyên môn, ngành chức năng cần xây dựng phác đồ điều trị bệnh chuẩn, chặt chẽ để tránh tình trạng lạm dụng thuốc trong kê đơn khi điều trị cho người bệnh.
Có ý kiến đề nghị, dự thảo luật nên tách riêng quản lý thuốc giả thành một chương riêng để có những quy định cụ thể và xử lý kịp thời trong thực tế. Đây là vấn đề quan trọng cần có chế tài xử lý nghiêm vì ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe, thậm chí là tính mạng của nhân dân. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu tỏ rõ sự băn khoăn về thực trạng quảng cáo tràn lan, không rõ ràng về công dụng của các loại thực phẩm chức năng trong khi sự kiểm soát về chất lượng chưa được các cơ quan chức năng chú trọng. Pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm còn khoảng trống. Vì vậy, đề nghị dự thảo luật cần có những quy định để quản lý chặt chẽ vấn đề này.
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh
Buổi chiều, QH thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Về sự cần thiết sửa đổi luật, đại biểu Đỗ Văn Vẻ và một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở đã rà soát đưa vào các nội dung bảo đảm phù hợp nội dung Hiệp định TPP. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia 10 hiệp định thương mại khác, trong đó có nhiều hiệp định đã đến thời hạn phải thực hiện lộ trình cam kết. Việc ban hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), trước khi Hiệp định TPP có hiệu lực với nhiều nội dung cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện cam kết quy định trong Hiệp định TPP khi được QH thông qua, cũng như các hiệp định thương mại tự do đang thực hiện hoặc vừa ký kết. Do đó, dự thảo luật trình QH đã bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện cam kết quy định trong Hiệp định TPP, cũng như các hiệp định thương mại tự do đang thực hiện hoặc vừa ký kết.
Thảo luận về đối tượng chịu thuế (Điều 2), có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng chịu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nhưng nhiều ý kiến khác cho rằng, thực tế hiện nay, để quản lý hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ, Luật Thương mại và Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 23-5-2015 của Bộ Tài chính đã quy định các doanh nghiệp thực hiện loại hình này phải mở tờ khai xuất nhập khẩu nhưng hàng hóa không ra khỏi Việt Nam. Do đó, đây là nội dung mang tính kỹ thuật, chỉ nên hướng dẫn ở văn bản dưới luật.
Về áp dụng thuế phòng vệ thương mại (Chương III), có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể cách tính và căn cứ các loại thuế phòng vệ thương mại. Có ý kiến cho rằng, việc giao thẩm quyền cho Bộ Công thương quy định thuế chống bán phá giá là chưa phù hợp, cần quy định ngay tại dự thảo luật để áp dụng. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, thuế phòng vệ thương mại là thuế nhập khẩu đặc thù, “đánh” vào hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam nhằm bảo vệ sản xuất trong nước khi bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài. Các biện pháp này chỉ được quyết định dựa trên kết quả điều tra do Bộ Công thương tiến hành khi có dấu hiệu về thiệt hại đối với thị trường trong nước do hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài. Số tiền thuế thu được không nộp vào ngân sách Nhà nước mà nộp vào tài khoản riêng do Bộ Công thương quản lý, chỉ được nộp vào ngân sách Nhà nước khi có quyết định chính thức kết quả điều tra hoạt động phá giá và trợ cấp của doanh nghiệp nước ngoài. Trường hợp qua điều tra mà không có dấu hiệu vi phạm thì số tiền thuế tạm thu phải trả lại doanh nghiệp. Việc quyết định mức thuế suất sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra của Bộ Công thương.
Hôm nay, thứ hai, ngày 28-3-2016, QH thảo luận ở hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của QH, các cơ quan của QH nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Phiên họp này được phát thanh, truyền hình trực tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng khác đưa tin để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi./.
PV