Tiếp tục kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, sáng 23-3 Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận báo cáo công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Cho ý kiến báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, các đại biểu đánh giá cao hoạt động của Quốc hội khóa XIII theo hướng ngày càng hiệu quả, thực chất hơn. Đồng thời mong muốn, nhiệm kỳ tới, Quốc hội sẽ tiếp tục có những đổi mới, cải tiến để nâng cao chất lượng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Nhiều đại biểu đánh giá cao Quốc hội khóa XIII đã tập trung xây dựng, ban hành Hiến pháp năm 2013, hoàn thành hệ thống văn bản pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp. Quy trình lập pháp có nhiều cải tiến, đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tính dân chủ, công khai, minh bạch, cụ thể trong các văn bản pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. |
Song, một số đại biểu cũng thẳng thắn cho rằng, chất lượng, tính khả thi của các văn bản luật cũng cần được chú trọng hơn nữa. Bởi nhiệm kỳ qua, đã có tình trạng luật chưa có hiệu lực thi hành đã phải sửa đổi, hay tình trạng phải điều chỉnh nhiều lần chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động Quốc hội còn nhiều hạn chế bất cập, thể hiện ở việc thực hiện chức năng là cơ quan dân biểu, cơ quan quyền lực cao nhất. Nhiều vấn đề đại biểu nêu lên nhưng chưa được giải quyết đến cùng. Tính tranh luận tại nghị trường chưa thuyết phục, các đại biểu vẫn phát biểu theo kiểu “xếp hàng” nên nhiều vấn đề gai góc nổi cộm về chính sách pháp luật, định hướng cho các dự án luật chưa rõ. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu nhận thấy, hoạt động dân nguyện chưa được đề cập nhiều trong Báo cáo. Trong khi đó, đây phải là hoạt động thường xuyên, để Quốc hội đến gần hơn với nhân dân.
Trong hoạt động giám sát của Quốc hội, một số ý kiến cho rằng, việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát chưa thực sự quyết liệt, không ít vụ việc chậm được giải quyết, gây bức xúc trong dư luận; việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri chưa đạt yêu cầu.
Chính vì vậy, một số đại biểu đề nghị: Sau mỗi lần tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, Quốc hội cần tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để ra Nghị quyết giải quyết cụ thể các kiến nghị của cử tri, đồng thời phải tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện việc giải quyết các kiến nghị đó, đây cũng là điểm cần được khắc phục trong nhiệm kỳ tới của Quốc hội.
Thảo luận về Báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, các đại biểu đánh giá công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, quan tâm và giải quyết có hiệu quả những vấn đề quốc kế dân sinh và những vấn đề bức xúc trong xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng Báo cáo cần bổ sung làm rõ hơn những trọng trách của Chủ tịch nước, đặc biệt là vẫn còn những tồn tại trong lĩnh vực tư pháp và vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang.
Các ý kiến thảo luận đặc biệt đánh giá cao Báo cáo đã làm rõ vai trò của Chủ tịch nước trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về công tác đối ngoại đã triển khai tích cực và có hiệu quả chương trình công tác đối ngoại, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện của nước ta.
Cũng như với vai trò Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ qua đã góp phần nâng cao năng lực của các ngành Tòa án, Viện Kiểm sát, nâng cao chất lượng tố tụng, xét xử, giảm án oan sai. Tuy nhiên bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng Báo cáo của Chủ tịch nước cần bổ sung thêm một số tồn tại về lĩnh vực tư pháp.
Nêu rõ những trăn trở của Chủ tịch nước trong Báo cáo, nhất là lĩnh vực liên quan đến kinh tế, nợ công của quốc gia, vấn đề áp lực phải trả nợ sau này và vấn đề sử dụng nguồn lực không hiệu quả, lãng phí… đại biểu Bùi Văn Phương, đoàn Ninh Bình cho rằng những việc này xử lý chưa được như mong muốn, chưa đạt được kỳ vọng của người dân, và đây cũng là hạn chế trong công tác nhiệm kỳ. Đại biểu này cũng cho rằng với vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước trong Báo cáo và trong thực tế cũng chưa làm nổi bật được vai trò này.
Góp ý vào Báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu cho rằng, chính sự điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ đã đưa đất nước vượt qua những thời điểm khó khăn, đạt được thành tựu toàn diện và ấn tượng trong 5 năm qua.
Nhiều ý kiến đánh giá mặc dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ qua đã tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, góp phần quan trọng vào thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước trong 5 năm qua.
Cùng với đó, các đại biểu cũng tán thành với Báo cáo của Chính phủ khi đã thẳng thắn nhìn nhận, năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa phù hợp. Một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời. Đây là những vấn đề cần được rút kinh nghiệm trong quá trình quản lý điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ tới.
Đề cập tình trạng mặn xâm nhập và hạn hán đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, một số đại biểu đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung quyết liệt để khắc phục nhanh chóng tình trạng này, đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân, đồng thời cần có chương trình tổng thể về điều hành quản lý nước ở lưu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, Báo cáo của Chính phủ có đề cập nhưng chưa đầy đủ. Tham nhũng tồn tại trong bộ máy Nhà nước chứ không phải trong dân nên cần phải làm rõ trách nhiệm của Chính phủ trước Đảng, trước nhân dân, vì đây đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong xã hội. Ngoài ra, các biện pháp về cải cách hành chính cũng chưa đạt yêu cầu.
Thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, nhiều đại biểu nhận định bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số vướng mắc chưa được giải quyết và cần phải đưa ra những giải pháp thiết thực cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan này trong nhiệm kỳ tới.
Đánh giá về kết quả công tác nhiệm kỳ Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, các đại biểu cho rằng, nhiệm kỳ qua đã hoàn thành tốt công việc được giao. Đối với Viện Kiểm sát, đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp Trung ương tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng, một số vụ án có dấu hiệu bức cung, nhục hình, một số vụ án có đơn khiếu nại, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, qua đó kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Đối với ngành Toà án thì TAND Tối cao đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong công tác xét xử các loại vụ án; nghiêm túc tiếp thu các kết luận giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Tòa án các cấp cũng có nỗ lực rất lớn trong đề xuất chính sách, pháp luật nhằm củng cố, hoàn thiện vai trò, vị trí của Tòa án, đổi mới hoạt động của Tòa án các cấp.
Đặc biệt, TAND Tối cao đã đề ra và tổ chức thực hiện 3 giải pháp đột phá đó là: tăng cường tranh tụng tại phiên tòa; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số đại biểu cũng cho rằng: Việc đánh giá nguyên nhân của những kết quả đạt được, hạn chế cũng như bài học kinh nghiệm, giải pháp trọng tâm để các Tòa án và Viện Kiểm sát các cấp nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ cần được rà soát chuẩn bị kỹ hơn.
Đánh giá về kết quả nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước, một số đại biểu nhận định: Trong nhiệm kỳ qua hoạt động của Kiểm toán Nhà nước vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Quy mô kiểm toán hằng năm đã tăng lên nhưng việc kiểm toán vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm toán thường xuyên; chất lượng báo cáo kiểm toán của một số cuộc kiểm toán còn hạn chế...
Theo một số đại biểu, Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII thông qua. Nhưng trong Báo cáo của Tổng Kiểm toán chưa bổ sung đánh giá về những chuyển biến của Kiểm toán trước và sau khi có Luật Kiểm toán. Các đại biểu cũng đặt vấn đề tình trạng thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhiều năm qua vẫn không có chuyển biến, đồng thời đề nghị báo cáo của Tổng Kiểm toán cần đi sâu làm rõ nguyên nhân của tình trạng này để có phương hướng xử lý.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Trong buổi làm việc, đã có 20 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Về tên gọi của Luật; Về khái niệm trẻ em và xử lý xung đột trong việc áp dụng các quy định liên quan đến trẻ em; độ tuổi của trẻ em; Các nguyên tắc đảm bảo thực hiện quyền trẻ em; Nguồn lực đảm bảo để thực hiện quyền trẻ em; Chăm sóc và giáo dục trẻ em; Về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính và tái hòa nhập cộng đồng...
Hôm qua, thứ năm, ngày 24-3, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ; buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tiếp cận thông tin./.
Tin, ảnh: TTXVN