Ngày 7-3, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB và XH phối hợp với Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len tại Việt Nam, Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Anh, Hội đồng Anh và Cty Tư vấn PricewaterhouseCoopers (PWC) (Anh) tổ chức hội nghị “Việt Nam - Phát triển Giáo dục và Kỹ năng để nắm bắt các cơ hội nghề nghiệp tương lai”.
Đây là dịp để thảo luận về các xu hướng thay đổi toàn cầu và phương thức phát triển chiến lược dạy nghề tại Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động.
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Phạm Thị Hải Chuyền cùng Đặc phái viên của Thủ tướng Anh về Thương mại và Văn hóa tại Việt Nam, Huân tước Đa-vít Pu-nam và Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len tại Việt Nam, ông Gi-lơ Lê-vơ.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để cải tiến chất lượng lực lượng lao động Việt Nam hiện nay, việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo rất quan trọng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh để làm được điều này, không chỉ phụ thuộc vào phương pháp dạy và học hay điều kiện vật chất, máy móc trang thiết bị mà còn đòi hỏi những yêu cầu từ chính sách sử dụng lao động, cho đến những chính sách thu hút đầu tư giáo dục.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã trao đổi về các xu thế mới toàn cầu trong phát triển bền vững, gồm các thay đổi về xã hội và nhân khẩu học, đô thị hóa, biến đổi khí hậu, đột phá về công nghệ và sự chuyển dịch sức mạnh kinh tế toàn cầu, cũng như những tác động của các xu thế này tới các chiến lược giáo dục, đào tạo và kỹ năng của Việt Nam. Hội thảo cũng là dịp để trao đổi cơ hội và thách thức cũng như ưu tiên của Việt Nam trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực thời gian tới. Ngoài ra, hội thảo cũng đưa ra các khuyến nghị hướng tới các kỳ vọng về phát triển kỹ năng nghề và việc làm tại Việt Nam trong tương lai.
Tại buổi thảo luận, ông Uyn Đây, chuyên gia tư vấn của Cty PWC cho biết, đến năm 2030, thế giới sẽ cần thêm 50% năng lượng; 40% nước và 35% lương thực trong khi dân số trên thế giới đang già đi nhanh chóng và ngày càng nhiều người chuyển ra sống tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới của hội nhập quốc tế thông qua sự hình thành của Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Việt Nam - EU. Do vậy, có được các kỹ năng phù hợp sẽ giúp Việt Nam đáp ứng tốt và hưởng lợi từ việc phát triển và là nơi hấp dẫn cho các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đến đầu tư.
Vương quốc Anh là quốc gia có truyền thống lâu đời về đào tạo kỹ năng và các chương trình đào tạo nghề cho thanh niên cũng như phương thức hoạt động của các hệ thống giáo dục để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và ngành được quốc tế công nhận. Buổi hội thảo nhằm nghiên cứu, sử dụng kinh nghiệm của Vương quốc Anh trong xây dựng chiến lược kỹ năng của Việt Nam và xây dựng các kế hoạch để Anh có thể hỗ trợ một cách tốt nhất các giải pháp thành công liên quan ở Việt Nam.
Tiếp theo hội thảo này, ngày 8 và 9-3, Hội đồng Anh sẽ tổ chức một hội thảo quốc gia để hỗ trợ tăng cường hợp tác giữa Anh và các cơ sở dạy nghề Việt Nam nhằm thiết lập các cơ chế và công cụ đảm bảo chất lượng dạy nghề của các cơ sở dạy nghề Việt Nam theo chuẩn của Anh. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình đối tác quốc tế về kỹ năng của Hội đồng Anh./.
Theo HNM