Đồng Nai: Công ty Nhật Bản khánh thành nhà máy công nghiệp hỗ trợ

09:12, 15/12/2015

Nhà máy công nghiệp hỗ trợ của Cty TNHH Ô-sa-ca Phu-gi Việt Nam có tổng vốn 3 triệu USD do Tập đoàn Ô-sa-ca Phu-gi (Nhật Bản) đầu tư 100% vốn vừa được khánh thành.

Nhà máy công nghiệp hỗ trợ đặt tại KCN Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) chuyên sản xuất các chi tiết máy, linh kiện, phụ tùng, gia công cơ khí các bộ phận máy phục vụ cho ngành mạ tôn, sắt thép. Ngoài ra, nhà máy còn đảm nhận việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, chế tạo máy cho các Cty sản xuất tại Việt Nam.

Ảnh: Báo Đồng Nai
Ảnh: Báo Đồng Nai

Nhà máy có công suất gần 1.800 sản phẩm/năm và doanh thu khoảng 10 triệu yên/tháng. Dự kiến trong năm 2016, Cty Ô-sa-ca Phu-gi Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất và nâng công suất nhà máy này.

Nhật Bản hiện đang có 203 dự án đầu tư tại Đồng Nai với tổng vốn đăng ký gần 3,55 tỷ USD.

Hà Tĩnh: Bảo trợ các giá trị di sản văn hóa truyền thống tại di tích Tiên Sơn

Ban quản lý quần thể di tích lịch sử - văn hóa Tiên Sơn (phường Trung Lương, Thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) vừa cho biết, Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam và Liên hiệp Các hội UNESCO thế giới vừa trao bằng bảo trợ các giá trị di sản văn hóa và giáo dục truyền thống cho quần thể di tích lịch sử - văn hóa Tiên Sơn. 

Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Tiên Sơn gồm các công trình kiến trúc văn hóa và tín ngưỡng như: đền - chùa Tiên Sơn, đền Thánh Mẫu, đền Bà chúa Kho, đền thờ Lục vị Thánh tổ sư nghề rèn,... cùng với chùa Thiên Tượng, Hương Tích, Long Đàm trên đỉnh Ngàn Hống đã tạo thành hệ thống di tích - danh thắng giữa không gian tĩnh mịch cổ kính của một vùng quê cổ. Từ lâu, nơi đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian của khu vực Bắc Trung Bộ. Nơi đây cũng được chọn làm trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa 3 miền của Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam với các sự kiện văn hóa theo tiêu chí UNESCO thường niên.

TP Hồ Chí Minh: Hỗ trợ 50% chi phí cho nông dân làm VietGap

Nông dân, HTX hay doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nếu chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt truyền thống sang mô hình “thực hành nông nghiệp tốt” (VietGAP) sẽ được hỗ trợ 50% chi phí xây dựng cơ bản và 100% lãi suất nếu vay tiền từ ngân hàng.

Đây là thông tin được đưa ra trong Quyết định 6485/QĐ-UBND về chương trình phát triển sản xuất, phân phối và tiêu thụ nông sản theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020 mới ban hành.

Đối tượng có thể nhận sự hỗ trợ lãi suất, chi phí xây dựng cơ bản khá rộng, từ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hiệp hội trang trại đến các hộ gia đình khi chuyển sang sản xuất, sơ chế sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi theo VietGAP.

Theo Sở NN và PTNT Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2014, diện tích canh tác tại thành phố là 3.500ha, nhưng diện tích đạt chứng nhận VietGAP chỉ có gần 137ha, với sản lượng đạt hơn 14 nghìn tấn mỗi năm.

Đối với chăn nuôi, thành phố có 420 cơ sở chăn nuôi đã được cấp chứng nhận chăn nuôi an toàn theo VietGAP với khoảng 53.500 con heo, chiếm 13,5% tổng đàn. Các hộ chăn nuôi heo VietGAP cung cấp 5.580 con/tháng, tương đương 16,4% sản lượng heo thịt của toàn thành phố./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com