Nghệ An: Chú trọng sưu tầm các loại tài liệu, hiện vật quý hiếm

08:11, 06/11/2015

Tại Nghệ An, việc sưu tầm các loại tài liệu, hiện vật quý hiếm chưa tương xứng với tiềm năng về điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương; có tình trạng nhiều tài liệu, hiện vật quý hiếm đang do người dân quản lý, bảo quản hoặc chưa được sưu tầm, bảo quản kịp thời, dẫn đến hư hỏng, xuống cấp và không phát huy được giá trị, thậm chí thất lạc, mất mát. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác sưu tầm các loại tài liệu, hiện vật quý hiếm chưa được quan tâm đúng mức; địa phương chưa nghiên cứu, xây dựng được một đề cương khoa học sưu tầm tổng thể để làm cơ sở cho công tác sưu tầm một cách khoa học, bài bản, phản ánh đúng điều kiện tự nhiên - xã hội tỉnh Nghệ An. Đến nay các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh sưu tầm được chưa đầy đủ để xây dựng các sưu tập, bộ sưu tập hiện vật phục vụ công tác trưng bày để phát huy giá trị di sản. Có tình trạng cơ sở vật chất, kho bảo quản của Bảo tàng đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều trang thiết bị phục vụ công tác bảo quản hư hỏng không thể sử dụng.

Khắc phục tình trạng trên, tỉnh Nghệ An đang đề ra mục tiêu đến năm 2020 lưu giữ, sưu tầm được khoảng 30 nghìn tài liệu, hiện vật, trong đó 90% tài liệu, hiện vật được kiểm kê có hồ sơ khoa học, lý lịch cụ thể; 100% tài liệu, hiện vật được bảo quản, trưng bày bằng các phương tiện, trang thiết bị hiện đại. Tỉnh cũng nghiên cứu xây dựng, lắp đặt và áp dụng công nghệ tin học, sử dụng phần mềm số hóa và hòa mạng đối với các khâu công tác của bảo tàng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về quản lý di sản văn hóa và nghiệp vụ bảo tàng.

Thừa Thiên - Huế: 9.000 tỷ đồng xây dựng Huế thành điểm đến du lịch tầm cỡ quốc tế

Tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng để xây dựng Huế thành đô thị xanh của Việt Nam, trở thành điểm đến du lịch mang tầm quốc tế. Kế hoạch này được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn từ 2016-2020 đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng; giai đoạn 2020-2030 đầu tư khoảng 7.600 tỷ đồng.

Đây là mô hình phát triển mới, phù hợp với đặc điểm riêng có của Thành phố Huế, là mục tiêu xuyên suốt của kế hoạch hành động Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.

Ngoài một số dự án đã được bố trí nguồn vốn để triển khai giai đoạn 2016-2020, Thừa Thiên - Huế tập trung huy động vốn từ các nguồn bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA vận động từ các nhà tài trợ đa phương như ADB, WB, OFID hoặc từ nhà tài trợ song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hung-ga-ri…

Tỉnh có kế hoạch huy động nguồn vốn tập trung cho dự án hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong và ngoài khu vực Thành phố Huế; vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu do tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hành theo quy định của Chính phủ; đồng thời kêu gọi vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, tập trung dự án hạ tầng có khả năng thu hồi vốn như cấp nước, y tế, giáo dục, xử lý môi trường hoặc lĩnh vực dịch vụ khác./.

Theo dangcongsan.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com