Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 và nghe báo cáo giải trình 4 dự án Luật

08:11, 13/11/2015

Ngày 11-11, kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIII tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ mười tám. Buổi sáng, QH thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016; nghe báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Bộ luật này.

Buổi chiều, QH nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Tiếp cận thông tin; nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phí, lệ phí và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phí, lệ phí.

Điều chỉnh tiền lương từ ngày 1-1-2016

Buổi sáng, QH đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, trong đó, bao gồm việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế; phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Theo đó, thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, với tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 1.014.500 tỷ đồng; nếu tính cả 4.700 tỷ đồng thu chuyển nguồn ngân sách địa phương từ năm 2015 sang năm 2016 thì tổng số thu ngân sách Nhà nước là 1.019.200 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.273.200 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Nghị quyết giao Chính phủ trong năm 2016 thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015. Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách, thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí.

Thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1-1-2016. Từ ngày 1-1-2016 đến 3-4-2016, tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh đối với các đối tượng như quy định tại Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10-11-2014 của QH. Từ 1-5-2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150 nghìn đồng/tháng lên 1.210 nghìn đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng; riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.

Không nên cho phép nhập khẩu tàu biển cũ để phá dỡ

Thảo luận về dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi), một số ý kiến đề nghị cân nhắc, không nên thành lập Ban quản lý và khai thác cảng vì cho rằng không thể đem lại hiệu quả trong khai thác cảng biển, đồng thời xem xét lại chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý và khai thác cảng, vì chồng chéo, không hợp lý. Có ý kiến đề nghị nên áp dụng mô hình “Chính quyền cảng” giống như ở một số nước có ngành hàng hải phát triển để phát huy tiềm năng, thế mạnh trong khai thác cảng biển ở nước ta, góp phần phát triển kinh tế biển trong thời gian tới. Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng, Thái Lan áp dụng thành công mô hình “Chính quyền cảng”, Việt Nam không nên quá câu nệ về câu chữ, hình thức của chữ “chính quyền”, mà nên áp dụng mô hình này để có thể sử dụng hiệu quả tối đa các cầu cảng. Về vấn đề này, Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH cũng nêu rõ, việc sử dụng cụm từ “Chính quyền cảng” sẽ gây nhầm lẫn với quy định về Chính quyền địa phương tại Điều 111 và Điều 112 của Hiến pháp. Do vậy, trong sửa đổi Bộ luật lần này chỉ mới áp dụng một số điểm của mô hình chính quyền cảng thông qua việc cho phép thành lập Ban quản lý và khai thác cảng tại một số khu vực cảng biển sẽ được đầu tư mới, nhằm khắc phục những hạn chế trong đầu tư, khai thác manh mún, thiếu hiệu quả như tại một số cảng biển thời gian qua, tăng cường hiệu quả của hoạt động quản lý, khai thác cảng biển. 

Nhiều đại biểu QH đề nghị cân nhắc việc quy định cho phép nhập khẩu tàu biển cũ để phá dỡ, tránh ảnh hưởng đến môi trường. Đại biểu Trần Du Lịch, Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần kiên quyết không nhập tàu biển cũ về phá dỡ, để tránh Việt Nam thành bãi rác thải của thế giới...

Miễn, giảm phí, lệ phí đối với đối tượng nghèo, chính sách

Buổi chiều, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình dự án Luật Tiếp cận thông tin. Tờ trình nêu rõ: Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân. Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam xác định quyền được thông tin là quyền cơ bản của công dân. Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân trong một số lĩnh vực, góp phần xây dựng một xã hội cởi mở hơn về thông tin và một Chính phủ công khai, minh bạch hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn trong hoạt động quản lý, điều hành đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện quyền được thông tin và pháp luật về quyền được thông tin của công dân ở nước ta thời gian qua còn những vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Luật Tiếp cận thông tin ra đời nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp, bảo đảm quyền được thông tin của công dân.

Thảo luận về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Phí, lệ phí, các đại biểu QH cơ bản cho rằng dự thảo Luật lần này sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ, toàn diện để điều chỉnh các mối quan hệ về thu ngân sách trong cung cấp và sử dụng dịch vụ công; khắc phục triệt để tình trạng tùy tiện, tự phát trong tổ chức thu phí, lệ phí; bảo đảm lợi ích chính đáng của công dân; mở rộng dân chủ, công khai và công bằng trong thu phí, lệ phí.

Băn khoăn về việc người dân nghèo, gia đình chính sách đang phải đóng quá nhiều phí, lệ phí, nhiều đại biểu cho rằng, phí, lệ phí trở thành gánh nặng và gây áp lực lớn đối với hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng, dự thảo Luật chưa bao quát hết các đối tượng được miễn, giảm phí, lệ phí như: trẻ em, người khuyết tật, người nhiễm chất độc da cam. Đề nghị dự thảo Luật cần nêu rõ đối tượng nào được giảm, giảm bao nhiêu. Việc quy định nhóm danh mục phí và lệ phí, nên giao QH quyết định chứ không nên giao cho Chính phủ. Các đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), Danh Út (Kiên Giang) đề nghị, dự thảo cần quy định rõ hộ cận nghèo được miễn, giảm phí theo từng danh mục, lộ trình phù hợp, như vậy mới có thể góp phần giúp hộ cận nghèo không trở thành hộ nghèo.

Tiếp tục chương trình làm việc sáng 12-11, các đại biểu QH đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trưng cầu ý dân.

Cơ quan thẩm tra nhất trí với tên gọi Luật Trẻ em

Tờ trình dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Phạm Thị Hải Chuyền trình bày nêu rõ, dự thảo Luật đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới; kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp của Luật năm 2004.

Bổ sung quy định mới để giải quyết những vấn đề vướng mắc của thực tiễn trong thực hiện các quyền trẻ em, tiếp cận theo hướng chuyển từ tiếp cận theo nhu cầu, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm đối với trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng sang xây dựng khung pháp lý toàn diện và tiếp cận dựa trên quyền trẻ em. 

Dự thảo cũng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em; hội nhập quốc tế, hài hòa các quyền trẻ em và nguyên tắc trong Công ước của LHQ về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế khác có liên quan.

Dự thảo Luật gồm 7 chương với 106 điều, quy định các quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em và trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc thực hiện các quyền trẻ em (Điều 2).

So với Luật năm 2004, dự thảo mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi, cụ thể là Điều 1 quy định “trẻ em là người dưới mười tám tuổi” mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi.

Ban soạn thảo lý giải: Người dưới mười tám tuổi chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm sinh lý, chưa đủ năng lực để thực hiện toàn diện quyền và nghĩa vụ của công dân, cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc của gia đình, Nhà nước và xã hội, cần được bảo vệ về mặt pháp lý và xã hội để các em được chăm sóc, phát triển đầy đủ, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại cho trẻ em. 

Việc nâng tuổi trẻ em từ dưới mười sáu tuổi lên dưới mười tám tuổi mà không giới hạn là công dân Việt Nam để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp của luật này với Công ước của LHQ về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH nhất trí đổi tên Luật thành Luật Trẻ em như phương án 1 của Chính phủ trình. Tên gọi này ngắn gọn, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh của Luật và phù hợp với cách đặt tên của những Luật đã được ban hành liên quan đến nhóm đối tượng đặc thù như: Luật Thanh niên, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật. 

Đa số ý kiến nhất trí về việc nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi theo lập luận nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc điều chỉnh này là cần thiết, vừa bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vừa thống nhất với các quy định của pháp luật Việt Nam về tuổi trưởng thành đầy đủ (tức là tuổi thành niên), đồng thời phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục phổ thông, là bậc học giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất và tinh thần để sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội. 

Các vấn đề cụ thể về: Sự công bằng trong hưởng thụ sự hỗ trợ của Nhà nước đối với trẻ em bậc học mầm non; chăm sóc thay thế; cơ chế điều phối liên ngành về công tác trẻ em; nguồn lực Nhà nước đầu tư cho trẻ em... đã được cơ quan thẩm tra nêu rõ quan điểm.

Cần quy định trong dự thảo trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân

Cho ý kiến dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tán thành việc quy định trong dự thảo trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân. Đây là một trong những nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức trưng cầu ý dân và kết quả trưng cầu ý dân. 

Việc quy định trong Luật Trưng cầu ý dân để bảo đảm tính thống nhất, thuận tiện trong thực hiện. Theo đó luật quy định về việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục quyết định việc trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân.

Nhiều ý kiến tán thành với việc quy định khái quát về các vấn đề QH có thể quyết định trưng cầu ý dân (Điều 6) nhưng cho rằng quy định như dự thảo Luật quá chung, cần cụ thể hơn và chỉnh lý lại quy định của dự thảo Luật về các vấn đề được trưng cầu ý dân cho chính xác với quy định của Hiến pháp. 

Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), việc quy định rõ những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân sẽ làm cơ sở pháp lý cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện trưng cầu ý dân. 

Điều 6 đã được thiết kế theo hướng chỉ rõ từng lĩnh vực, nội dung vấn đề được QH xem xét, quyết định trưng cầu ý dân nhưng xét dưới góc độ kỹ thuật lập pháp thì thuật ngữ “quan trọng” và “vấn đề đặc biệt quan trọng” ở các Khoản của Điều này rất chung chung, không thể định tính, định lượng được rõ ràng. 

Do vậy, khi nảy sinh vấn đề cần xem xét, QH và đại biểu QH phải thêm một bước trước khi quyết định trưng cầu ý dân, đó là xác định vấn đề có thực sự là “đặc biệt quan trọng” hay không, việc trình QH xem xét, thủ tục trình và xem xét như thế nào. 

Từ đó cũng sẽ dẫn đến tình huống là vấn đề có thể đưa ra hoặc không đưa ra trưng cầu ý dân đều được, vì nó có thể được xác định là “vấn đề đặc biệt quan trọng” hoặc không phải là “vấn đề đặc biệt quan trọng”. Đại biểu lo ngại, điều này có nguy cơ làm cho quy định mang tính hình thức, dễ bị các thế lực phản động, thù định lợi dụng xuyên tạc. 

Trên có sở đó, đại biểu kiến nghị thiết kế Điều 6 theo hướng thật cụ thể, rành mạch về từng vấn đề, hoặc bổ sung thêm Khoản 5 để thi hành Điều này, với những hướng dẫn cụ thể về các “vấn đề đặc biệt quan trọng”.

Tán thành với quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH đề nghị quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc mà QH có thể xem xét, quyết định trưng cầu ý dân tại Điều 6 của dự thảo Luật, đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) đề xuất tại Khoản 1 của Điều 6, QH xem xét, quyết định trưng cầu ý dân khi sửa đổi về một số điều của Hiến pháp chứ không chỉ là “toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp”. 

Tại khoản 2 Điều 6 cũng cần khẳng định rõ QH xem xét, quyết định trưng cầu ý dân đối với vấn đề đặc biệt quan trọng về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Qua thảo luận, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh) và nhiều ý kiến tán thành với quy định trưng cầu ý dân được tổ chức và thực hiện trong phạm vi cả nước. Theo đại biểu Trần Hồng Thắm: Hiến pháp quy định thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là của QH; chính quyền địa phương không có thẩm quyền này. 

Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức QH, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước có ý nghĩa ở tầm quốc gia, cần đưa ra để toàn dân quyết định. 

Đối với những vấn đề chỉ ảnh hưởng đến phạm vi một hoặc một số địa phương thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành, như việc lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định về điều chỉnh địa giới hành chính, quyết định dự án kinh tế - xã hội có tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của bộ phận người dân...

Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) đánh giá khiếu nại của công dân trong quá trình trưng cầu là vấn đề lớn, thể hiện phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đấu tranh với những tiêu cực, sai sót trong quá trình trưng cầu ý dân. Vấn đề này cần được tôn trọng và bảo vệ. 

Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ quy định quyền được khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri; các vấn đề khiếu nại và giải quyết khiếu nại về kết quả trưng cầu ý dân - vấn đề quan trọng thì dự thảo lại chưa đề cập đến. 

Đại biểu đề nghị cần quy định thêm chế định khiếu nại kết quả trưng cầu ý dân của công dân khi phát hiện kết quả đó không khách quan, chưa chính xác, có dấu hiệu gian lận trong kiểm phiếu, công bố kết quả. Trong đó cần quy định rõ nơi nào là nơi khiếu nại, nơi nào giải quyết khiếu nại, trong thời gian bao lâu.

Về những trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 9), đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị QH cân nhắc thêm vấn đề này để bổ sung vào dự thảo; trong đó quy định rõ ràng và cụ thể một số vấn đề không được đưa ra trưng cầu ý dân như vấn đề thể chế chính trị, cách thức tổ chức quyền lực Nhà nước nhằm bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội; không được đưa ra trưng cầu ý dân về các vấn đề liên quan đến thuế, ngân sách và nền tài chính quốc gia bởi vì đây là vấn đề đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn cao và rất am hiểu lĩnh vực này mới có thể đưa ra được quyết định hợp lý; đồng thời cũng thể hiện được tính rõ ràng, công khai, minh bạch trong quy định của Luật.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của đại biểu QH góp ý, ban soạn thảo sẽ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, trình QH biểu quyết thông qua vào sáng 26-11.

Chiều 12-11, QH làm việc tại hội trường nghe Tờ trình về dự án Luật về hội và thảo luận dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và Công nhân, viên chức quốc phòng./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com