Hoàn thiện các quy định trong hoạt động tố tụng hình sự

08:11, 09/11/2015

Ngày 6-11, kỳ họp thứ 10 bước sang ngày làm việc thứ 15. Các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật này.

Trong buổi sáng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã thăm và có bài phát biểu trước QH nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Cân nhắc quy định về “quyền im lặng”

Thảo luận quy định về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội (các điều 57, 58, 59, 60 dự thảo Bộ luật), một số đại biểu tán thành quy định này. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, nếu quy định “quyền im lặng” như nêu trên, sẽ gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tội phạm, làm chậm tiến độ điều tra những vụ án trọng điểm và đề nghị không quy định trong dự thảo về “quyền im lặng” mà vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành, đó là: Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến.

Một số ý kiến đề nghị quy định theo hướng “người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải khai báo trung thực những việc do mình làm, tham gia, không được khai báo những việc không làm, không biết và không tham gia” hoặc “người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc trong mọi trường hợp về lời khai và ý kiến của mình”.

Nhiều đại biểu tán thành phương án quy định người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc bị ép buộc phải nhận mình có tội” nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định tại điểm g khoản 3 Điều 14 của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam tham gia năm 1982. Đồng thời, bên cạnh quy định về quyền tự do trình bày lời khai thì cần bổ sung quy định về nghĩa vụ trình bày lời khai

của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo theo hướng khai báo sớm, khai báo đúng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Đề xuất ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung trong một số trường hợp

Thảo luận về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 179 dự thảo Bộ luật), nhiều đại biểu tán thành quy định này để tăng tính minh bạch của hoạt động tố tụng, hạn chế tình trạng bức cung, nhục hình dẫn đến oan sai. Tuy nhiên, các đại biểu Trần Đình Sơn (Đắc Lắc), Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề nghị, chỉ nên quy định việc ghi âm, ghi hình trong những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, kêu oan và bị can không nhận tội để bảo đảm tính khả thi trong điều kiện thực tế ở nước ta. Một số đại biểu đề nghị, trường hợp phải ghi âm, ghi hình hoặc thực hiện cả hai việc này thì cần nghiên cứu bổ sung quy định kết nối âm thanh, hình ảnh cuộc hỏi cung từ phòng hỏi cung của cơ quan điều tra đến Viện KSND cùng cấp để giám sát kịp thời hoạt động hỏi cung của cơ quan điều tra.

Về vấn đề này, đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, mỗi năm ở nước ta có hơn 100 nghìn vụ án với hơn 200 nghìn bị can. Như vậy, với số lượng đối tượng bị can, bị cáo liên quan đến vụ án cần phải ghi âm, ghi hình rất lớn, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn để trang bị máy móc, phương tiện cho cơ quan chức năng và phòng xử án để ghi âm, ghi hình, trong khi đó, ở các cấp, nhất là cấp huyện còn nhiều khó khăn, trong đó có TAND phải đi thuê trụ sở làm việc. Cùng với đó, khi ghi âm, ghi hình sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề như: quản lý, bảo quản, lưu giữ băng ghi âm, ghi hình sao cho hiệu quả. Do vậy, để tránh tốn kém, lãng phí tiền của Nhà nước, cần có bước đi phù hợp, theo các đại biểu, Ban soạn thảo cần cân nhắc, luật chỉ nên quy định ghi âm, ghi hình những vụ án điển hình và phức tạp.

Bị can có quyền đọc, ghi chép tài liệu

Có ý kiến đề nghị: Để bảo đảm quyền tự bào chữa của bị can, kể cả trường hợp bị can nhờ hoặc không nhờ người bào chữa thì kể từ khi kết thúc điều tra và khi có yêu cầu, họ có quyền đọc, ghi chép bản sao các tài liệu liên quan là cần thiết, nhưng theo Ủy ban Thường vụ QH, để bảo đảm tính khả thi thì cần xác định rõ phạm vi các tài liệu và thời điểm bị can được đọc, ghi chép tài liệu đó; đồng thời, để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp, cần có quy định về việc bị can được quyền đọc tài liệu hồ sơ đã được số hóa. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị chỉnh lý dự thảo theo hướng: Kể từ khi kết thúc điều tra, bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan việc bào chữa khi họ có yêu cầu. Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Gòn (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, bị can được đọc các bản ghi chép, bản sao và các tài liệu liên quan là điều kiện quan trọng để bị can, bị cáo tự bào chữa thông qua đọc các văn bản kể trên, tuy tốn kém thời gian trong phiên xét xử, song có lợi cho các bị cáo, bị can, là cơ sở để tòa án xem xét từ các bên, bảo đảm khách quan, công bằng hơn trong xét xử.

Nhiều ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ các điều kiện, trình tự, thủ tục để bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu hồ sơ vụ án, bảo đảm quyền yêu cầu của bị can, bị cáo, sự an toàn của hồ sơ và tính khả thi trong thực tiễn, nhất là đối với những vụ án lớn. Nhận xét quy định nói trên là “một đổi mới quan trọng”, nhưng đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) lo ngại, nhiều vụ án hồ sơ, tài liệu rất nhiều, kéo theo phạm vi đọc rất rộng, vì thế “cần số hóa ngay sau khi quy định được thông qua để áp dụng thuận lợi”. Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cho rằng, việc chỉ cho bị can đọc tài liệu ở giai đoạn điều tra mà không cho đọc ở các giai đoạn tố tụng sau là không đầy đủ, vì vậy, để bảo đảm thực hiện tốt quyền bào chữa, cần mở rộng việc đọc, ghi chép tài liệu đến cả bị can, bị cáo, người hạn chế năng lực hành vi thông qua người đại diện hợp pháp của họ.

Nhiều ý kiến tán thành dự thảo Bộ luật quy định về việc cấp Giấy đăng ký bào chữa thay vì Giấy chứng nhận bào chữa như hiện nay, nhằm bảo đảm cho người bào chữa có khả năng hỗ trợ kịp thời người bị bắt, bị tạm giữ thực hiện quyền bào chữa theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, bỏ thủ tục cấp Giấy đăng ký bào chữa để bảo đảm quyền bào chữa và khắc phục cơ chế "xin - cho".

Thứ bảy, ngày 7-11-2015 và chủ nhật, ngày 8-11-2015, QH nghỉ.

Hôm nay, ngày 9-11-2015, buổi sáng, QH làm việc tại hội trường để nghe Báo cáo về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của QH và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam. Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của QH và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; dự án Luật Đấu giá tài sản./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com