Hoàn thiện các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân

08:11, 02/11/2015

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIII, ngày 30-10, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi); thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự thảo Bộ luật này.

Bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Thảo luận về trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân, nhiều đại biểu nêu rõ sự cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, theo Điều 76, dự thảo Bộ luật, các tội mà pháp nhân chịu TNHS là các tội thuộc lĩnh vực kinh tế, môi trường, phần lớn do các pháp nhân kinh tế thực hiện. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, tính cụ thể, tránh bỏ lọt tội phạm, cần quy định rõ những pháp nhân chịu TNHS là doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu vấn đề về quyền lợi của người lao động khi pháp nhân phạm tội, chịu hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, giải thể và đề nghị bổ sung những quy định về bảo vệ quyền lợi của người lao động trong trường hợp này.

Về hình phạt cho pháp nhân, đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) đề nghị cần quy định rõ ràng và đầy đủ hệ thống hình phạt, gồm cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung và trong đó chú trọng đến hình phạt về tài sản, nhất là hình phạt tiền. Với quy định này, sẽ tạo điều kiện cho Tòa án trên cơ sở đánh giá toàn diện các tình tiết của tội phạm và chủ thể thực hiện quyết định loại và mức hình phạt phù hợp để bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc cá thể hóa TNHS khi giải quyết từng vụ án cụ thể, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thi hành án dân sự thực thi nhiệm vụ.

Liên quan quy định về trách nhiệm của pháp nhân, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng, Khoản 2, Điều 2 dự thảo Bộ luật quy định pháp nhân là cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội nếu phạm tội cũng không bị coi là tội phạm, và không phải chịu TNHS là trái với nguyên tắc rất quan trọng được ghi tại Điểm b, Khoản 2, Điều 3 của dự thảo, quy định: "Mọi pháp nhân phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế". Vì vậy, nếu coi pháp nhân là chủ thể của tội phạm thì cần áp dụng cho mọi pháp nhân.

Bên cạnh đề nghị bổ sung một số tội danh pháp nhân phải chịu TNHS, nhiều đại biểu lo ngại quá trình tố tụng có thể có thiếu sót, sơ hở hoặc tiêu cực. Thí dụ, khi xảy ra hành vi tham nhũng, có thể lãnh đạo Cty họp hội đồng quản trị của Cty đó, thống nhất hành vi tham nhũng là trách nhiệm với tất cả các thành viên hội đồng.

Trong trường hợp này, cá nhân thì sẽ bị xử tù, tử hình, còn pháp nhân chỉ có thể phạt tiền và giải thể. Các đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ để TNHS của cá nhân không “lẫn” trong TNHS của pháp nhân.

Cân nhắc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội

Về bỏ hình phạt tử hình ở một số tội trong dự thảo Bộ luật, trên cơ sở cân nhắc các ý kiến góp ý, Ủy ban Thường vụ QH dự kiến chỉnh lý theo hướng, bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh: cướp tài sản (Điều 168); tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 304); chống mệnh lệnh (Điều 393); đầu hàng địch (Điều 398); phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 420); chống loài người (Điều 421); tội phạm chiến tranh (Điều 422).

Không đồng tình việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội cướp tài sản, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) dẫn chứng: “Có những vụ cướp suốt từ Lạng Sơn vào Đà Lạt toàn dùng thuốc mê. Nếu không cứu chữa kịp thời sẽ gây hậu quả chết người, cho nên cần giữ nguyên hình phạt tử hình đối với tội này để bảo đảm tính răn đe”. Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) đề nghị vẫn thi hành án tử hình đối với các tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ đối với người phạm tội mà sau khi kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra. Đại biểu cho rằng, thời gian qua, một số đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, lợi dụng sự tín nhiệm, quyền hạn được giao, đã phạm tội hết sức nghiêm trọng, gây thất thoát rất lớn tài sản của Nhà nước và gây bức xúc trong nhân dân. Việc giữ thi hành án tử hình đối với các tội này là cần thiết và thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đồng tình với quy định không tuyên phạt tử hình đối với người trên 75 tuổi, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng, nếu họ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì vẫn cần áp dụng hình phạt tử hình để đủ sức răn đe.

Thứ bảy, Chủ nhật, QH nghỉ làm việc.

Hôm nay, thứ hai, ngày 2-11-2015, QH làm việc tại hội trường để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Phiên họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com