Đáp ứng mong đợi của cử tri và người dân cả nước, phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 3-11 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIII tiếp tục diễn biến sôi động, chất lượng cao với nhiều góc nhìn đa chiều và sâu sắc của các đại biểu Quốc hội đánh giá tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội đất nước năm 2015 và cả nhiệm kỳ 5 năm qua.
Phân tích kỹ, đánh giá sâu những điểm sáng, tối, giá trị cốt lõi của nền kinh tế và hiện trạng xã hội, một lần nữa những vấn đề nổi cộm trong dư luận như vụ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực; chất lượng công tác quản lý nguồn lực xã hội, giá trị tăng trưởng thực của nền kinh tế; bài toán thúc đẩy sản xuất nông nghiệp… tiếp tục được xào xới kỹ tại nghị trường. Cũng tại buổi làm việc sáng 3-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp giải trình thêm và trả lời một số thắc mắc cụ thể của các đại biểu Quốc hội liên quan đến trách nhiệm quản lý của mình. Các Bộ trưởng đồng thời gửi đến Quốc hội và cử tri cả nước những khuyến nghị về việc thực thi chính sách của Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới.
Đóng góp nhiều ý kiến với Quốc hội, Chính phủ nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh đà phát triển của nền kinh tế, các đại biểu Quốc hội đều nhìn nhận, khẳng định và đánh giá cao những thành tựu quan trọng của đất nước trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, coi đây là nền tảng hết sức quan trọng cho đất nước bước vào sân chơi hội nhập quốc tế.
Như đánh giá của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), thành tựu kinh tế - xã hội năm 2015 của đất nước đạt cao nhất 5 năm qua trong bối cảnh tác động lớn từ tình hình bất ổn của thế giới và khu vực, đã chứng minh cho hiệu quả tích cực từ những giải pháp đột phá của Chính phủ. Kết quả này cho thấy sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, sự giám sát sát sao của các cơ quan dân cử, sự nỗ lực, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân cả nước, đưa nền kinh tế nước nhà đi vào ổn định và phát triển.
Khái quát tình hình sau 5 năm, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, điểm nổi bật nhất là ổn định được kinh tế vĩ mô, giải quyết được lạm phát. Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ thời điểm chạm đáy suy giảm ở quý II-2013 đã phát triển trở lại mạnh mẽ; kinh tế đối ngoại tương đối toàn diện, xuất khẩu tăng. Những cải cách thể chế như Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã tạo ra môi trường đột phá mới, đặt nền móng ổn định cho thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Việc nâng cao, quản lý nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội không phải vấn đề mới nhưng luôn nhận được sự quan tâm của cả xã hội, nhất là hiệu quả quản lý, điều hành nền kinh tế, hiệu quả của từng dự án, chính sách. Câu hỏi về hiệu quả luôn được đề ra và ngày càng cần thiết hơn, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) dẫn nhập phần phát biểu của mình như vậy. Đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung phần nhận diện, đánh giá hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn lực của xã hội, đại biểu mong muốn Quốc hội không nên chỉ đánh giá chung chung mà cần giám sát chặt chẽ hiệu quả sử dụng khai thác tài nguyên, ngân sách Nhà nước, tránh để xảy ra lãng phí tài nguyên. Trong đề xuất của mình, đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho rằng, giải pháp xây dựng một xã hội học tập, đi đôi với lao động sáng tạo là một trong những giải pháp căn cơ nhất phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và sẽ tận dụng được thời kỳ “dân số vàng” của đất nước, tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị Quốc hội lấy năm 2016 là năm tiết kiệm và kỷ cương hành chính để xử lý nghiêm hành vi lãng phí các nguồn lực của đất nước, ngân sách Nhà nước. Lấy tiết kiệm và chống lãng phí làm chỉ tiêu thi đua cho năm 2016, địa phương nào cắt giảm tốt chi tiêu công, phải được thưởng, đại biểu đề nghị.
Góp ý thẳng vào định hướng phát triển khoa học công nghệ của đất nước với quan điểm “đầu tư đủ ngưỡng” nhằm mục tiêu thắng trên sân chơi quốc tế khi hội nhập sâu, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề xuất chỉ nên lựa chọn “đầu tư đủ ngưỡng” cho hai hướng chính là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học ứng dụng cho nông nghiệp. Chính việc đầu tư cho khoa học công nghệ chưa đủ ngưỡng, không ra tấm, ra món, nên chưa thể tạo ra sản phẩm khoa học có tên tuổi trên trường quốc tế. “Ngay cả cái ốc vít chúng ta cũng phải nhập từ nước ngoài, uy tín, giá trị sản phẩm thấp nên kinh tế chủ yếu là gia công”, đại biểu Bùi Thị An nói.
Nhận định về hiện trạng phát triển khoa học, công nghệ, Việt Nam vẫn đang ở vòng tròn của các nước phát triển trung bình thấp, đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) gợi mở cần gắn kết chiến lược, chương trình khoa học công nghệ với các chiến lược phát triển quốc gia. Phải đặt trọng tâm phát triển khoa học, công nghệ vào doanh nghiệp; coi đây là hướng đột phá.
Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Lê Bộ Lĩnh bày tỏ sự quan tâm đến thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm trên 50% diện tích lúa cả nước, với 90% lượng gạo xuất khẩu. Đại biểu đánh giá: Đây là vùng rất đáng để thực hiện chính sách nông nghiệp đặc thù, thống nhất để áp dụng các chính sách đột phá từ mô hình tổ chức sản xuất đến quản lý thị trường như mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Góp ý đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và sản xuất nông nghiệp, đại biểu Bùi Thị An mong muốn Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy chuỗi liên kết 4 nhà đối với nông nghiệp; đặc biệt là cho đối tượng doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, sử dụng đất đai vì đầu tư vào lĩnh vực này lãi ròng thấp. Chỉ có như vậy mới tăng trưởng bền vững cho nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, đại biểu Bùi Thị An tha thiết.
Phát biểu giải trình thêm tại buổi thảo luận liên quan đến trách nhiệm của ngành, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát cho biết, Bộ đang thúc đẩy mô hình cánh đồng mẫu lớn, đến nay đã có 536 nghìn ha tham gia mô hình này. Bộ phối hợp đẩy mạnh đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, nông lâm trường quốc doanh; trình Chính phủ dự thảo chính sách cho HTX nông nghiệp… Đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư vào nông nghiệp.
“Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng sự chuyển động còn khác nhau ở các địa phương và nhìn chung còn chậm. Tới đây, Bộ NN và PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, ban hành chính sách mạnh mẽ hơn, nhất là đất đai, thuế và vốn để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Chia sẻ với bà con nông dân trong bối cảnh một năm khắc nghiệt của điều kiện thời tiết, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng từ hạn hán kéo dài, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản, tạo đà mạnh mẽ cho việc hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo yêu cầu của đại biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã thông tin cụ thể về sai phạm tại tòa nhà số 8B Lê Trực và hướng xử lý vụ việc này.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, ngay khi nhận được phản ánh của dư luận, báo chí về vụ việc, Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, rà soát công trình và bàn hướng xử lý.
Lật lại hồ sơ, công trình được UBND Thành phố Hà Nội cho phép và Sở Xây dựng thành phố cấp phép xây dựng với thiết kế giật cấp, phía trước cao 44m, phía sau cao 53m. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư là Cty CP May Lê Trực đã xây lên đến 69m (vượt phép 16m, tương đương 5 tầng nhà, diện tích xây dựng trội lên hơn 6.000m2 vì không thực hiện giật cấp như phương án được cấp phép).
Thường trực Chính phủ đã họp để nghe báo cáo về vấn đề này. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận về sự việc, khẳng định sai phạm tại đây là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, thể hiện sự hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Thủ tướng yêu cầu, để giữ nghiêm kỷ cương trong thực hiện quản lý xây dựng theo quy hoạch, UBND Thành phố Hà Nội phải chủ trì đánh giá đúng mức độ sai phạm, nêu phương án xử lý, trình kế hoạch xử lý cụ thể đối với công trình. Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, việc phá dỡ công trình phải đảm bảo an toàn, đảm bảo tính mỹ quan và các tiêu chí trong vấn đề quản lý xây dựng đô thị.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khuyến nghị lãnh đạo các địa phương, nhất là các thành phố lớn cần siết chặt công tác quản lý đô thị, chú trọng hơn nữa đến việc lập, quản lý quy hoạch, đảm bảo hiệu quả đầu tư và cảnh quan, kiến trúc. Bộ Xây dựng sẽ tích cực phối hợp với các địa phương trong quản lý, xử lý nghiêm những vấn đề sai phạm, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.
Thông tin với Quốc hội và cử tri cả nước về gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, đến nay gói hỗ trợ này đã được triển khai khá tốt. Trước quan ngại của đại biểu và cử tri khi gói hỗ trợ kết thúc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định “hậu” gói 30 nghìn tỷ, sẽ tiếp tục có các hình thức dài hạn khác để hỗ trợ người dân mua nhà ở.
Phân tích một cách sâu sắc bên trong các tồn tại và hạn chế của nền kinh tế, đại biểu Trần Du Lịch nhận xét, về tổng thể 5 năm, có 9/21 chỉ tiêu không đạt nhưng lại rơi vào những chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng. “Liệu 5 năm tới, chúng ta có thể đạt được tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước hay không cần có động lực mới”. Đại biểu phân tích, sự tăng trưởng của nền kinh tế đứng trước 4 hạn chế: Tổng đầu tư xã hội giảm, nông nghiệp đạt nhiều kết quả nhưng phải chăng đã chạm trần tăng trưởng? Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng trưởng nhưng doanh nghiệp trong nước yếu kém dẫn đến mâu thuẫn trong nền kinh tế bởi xét cho cùng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn là nợ quốc gia. Chi ngân sách, nợ công cao… Tán thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2016 và 5 năm tới từ 6,5% đến 7% cho 2016, song đại biểu vẫn cho rằng, phải cần đến động lực mới để hoàn thành chỉ tiêu này.
Từ những suy luận trên, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch khuyến nghị cần chú trọng điều hành chính sách tiền tệ, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng, cần tính toán tỷ lệ tăng tín dụng phải gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó là cân đối lại thu chi, tái cơ cấu lại nợ công, tái cấu trúc lại thị trường vốn, chứng khoán trong chính sách tài khóa. Đại biểu Trần Du Lịch mong muốn Quốc hội cần ban hành Nghị quyết riêng để giải quyết một cách căn cơ bài toán nợ xấu./.
PV