Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và thảo luận việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh

08:11, 11/11/2015

Sáng 10-11, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành đạt 447/447 đại biểu có mặt; bằng 90,49% tổng số đại biểu Quốc hội.

Trước đó, Quốc hội đã nghe ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Nghị quyết. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cũng đã trình bày toàn văn dự thảo Nghị quyết.

Theo dự thảo Nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội cơ bản tán thành nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị trong báo cáo thẩm tra, các báo cáo giám sát chuyên đề, đồng thời yêu cầu tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. 

Trong đó, đáng lưu ý ở nhóm giải pháp hàng đầu là việc điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng phù hợp, xử lý nợ xấu có hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội, nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ, tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn với lãi suất phù hợp.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước phát triển, thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý tốt nhập khẩu, có giải pháp cải thiện mạnh mẽ sự mất cân đối trong quan hệ thương mại với một số thị trường có nhập siêu lớn.

Chính phủ cũng được giao nhiệm vụ trình Quốc hội Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người có công, người nghèo theo chuẩn nghèo mới, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giải quyết tốt hơn cung cầu trên thị trường lao động; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới GD và ĐT để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm…

Hướng đến mục tiêu tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, Quốc hội yêu cầu: việc khai thác mới tài nguyên, khoáng sản phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch, cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp và các ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình thực hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.

Cũng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhóm giải pháp xây dựng, triển khai hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các chương trình mục tiêu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được nhấn mạnh; đồng thời với việc kiên trì đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông.

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực nền hành chính công và cải cách hành chính, thực hiện nghiêm Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Nhà nước và ngoại giao nhân dân… cũng là những nội dung trọng tâm được nêu trong dự thảo Nghị quyết.

Cũng trong sáng 10-11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đã trình bày Báo cáo Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014.

Bản báo cáo nhận định, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau tồn tại và đi lên từ cơ chế kinh tế tập trung bao cấp, chuyển sang giai đoạn mới, việc quản lý sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh cùng lúc phải giải quyết 2 thách thức lớn: vừa phải giải quyết những hạn chế do quá khứ để lại, vừa phải tập trung chuyển đổi cách thức quản lý mới phù hợp với cơ chế, chính sách đất đai mới.

Kết quả nổi bật trong 10 năm qua là việc quản lý, sử dụng đất đai của phần lớn các nông, lâm trường trong cả nước đã có bước chuyển khá tích cực, nhất là các đơn vị đã cổ phần hóa; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai, cho thuê, cho mượn đất trái phép đã giảm; hiệu quả sử dụng đất nâng lên, góp phần nâng cao đời sống người lao động trong các nông, lâm trường. Đã có 25% nông, lâm trường chuyển sang giao đất có thu tiền hoặc thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai; 56% nông, lâm trường với 57% tổng diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các nông, lâm trường đã bàn giao gần 532 nghìn ha đất cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng.

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tiến độ thực hiện rà soát, sắp xếp, đổi mới về quản lý sử dụng đất của các nông, lâm trường còn chậm; chất lượng công tác quản lý, sử dụng đất đai chưa được nâng cao. Tình trạng bản đồ và hồ sơ quản lý đất đai kém chất lượng, thiếu chính xác, không được chỉnh lý kịp thời, không phản ánh đúng thực tế quản lý, sử dụng đất chưa được khắc phục; việc xác định, cắm mốc và lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất chưa được thực hiện đối với hầu hết các nông, lâm trường. Việc rà soát hiện trạng sử dụng đất của các nông, lâm trường mới chủ yếu thực hiện trên sổ sách, chưa được xác định, chỉ dẫn trên thực địa; hầu hết diện tích đất bàn giao cho địa phương chưa được đo vẽ, lập bản đồ địa chính, xác định ranh giới sử dụng chính xác; phương án quản lý, sử dụng sau khi bàn giao chưa được xây dựng kịp thời.

“Hơn 60% nông, lâm trường với khoảng 88% diện tích chưa làm thủ tục chuyển sang giao đất có thu tiền hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường còn chậm và còn căn cứ theo bản đồ chất lượng thấp, không phản ánh chính xác ranh giới sử dụng đất trên thực địa; đến nay còn 43,5% số đơn vị với 54,2% diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Ksor Phước nhấn mạnh.

Đó là nhận định quan trọng của Đoàn giám sát. Theo đó, việc sử dụng đất chưa hiệu quả, tình trạng khoán trắng, không quản lý chặt chẽ sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán mua bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép vẫn diễn ra phổ biến, chưa giải quyết, xử lý dứt điểm. Tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, như: tranh chấp, lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật trong các nông, lâm trường còn nhiều. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, xác định và xử lý trách nhiệm chưa thực hiện thường xuyên và nghiêm túc.

Trong khi đó, quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức của các nông, lâm trường còn lúng túng; hầu hết các nông, lâm trường mới thực hiện chuyển đổi tên gọi thành công ty hoặc ban quản lý mà chưa thực sự thay đổi căn bản về phương thức hoạt động, cơ chế quản lý và điều hành dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, quản lý và sử dụng đất kém hiệu quả, chưa tương xứng với nguồn lực tài nguyên được Nhà nước giao quản lý, sử dụng.

Phát biểu thêm với Quốc hội sau khi trình bày báo cáo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước trăn trở: “Chúng ta đã có luật, các văn bản dưới luật cũng đã có khá đầy đủ, nếu thực hiện nghiêm thì rất ổn. Về việc này, ý Đảng lòng dân đều thống nhất, vấn đề chính là tổ chức thực hiện. Công tác giám sát thanh tra còn yếu. Nhiều trường hợp phát hiện sai phạm rồi xử lý không nghiêm minh”. Thậm chí, theo vị Trưởng Đoàn giám sát, vẫn còn tình trạng các cơ quan chính quyền rất lúng túng, “nhìn nhau để xử lý”. “Nói thật với Quốc hội, chúng tôi càng làm càng thấy đau đầu”, ông Ksor Phước thẳng thắn.

Thảo luận ở hội trường về vấn đề này, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhận xét, qua giám sát, tại nhiều địa phương, trường hợp không có bản đồ, hồ sơ gốc về đất đai sai lệch lớn với hiện trạng; có khi sai lệch đến hàng trăm héc ta. đại biểu này đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí đủ ngân sách cho các địa phương trong 2 năm 2015-2016 để thực hiện việc rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới; đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Cty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, các tổ chức khác quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng đưa ra kiến nghị: “Cần hoàn chỉnh hồ sơ địa chính đất đai, lập quy hoạch rồi mới giao cho nông, lâm trường lập kế hoạch sử dụng đất, lập phương án kinh doanh. Thực tế cho thấy một số Cty thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Cà phê Việt Nam… phát triển được là nhờ được chính danh, được giao quyền sử dụng đất đai với hồ sơ đầy đủ, hợp pháp; không bị vướng mắc các tranh chấp”.

Đại biểu Trương Văn Vở cũng nhấn mạnh, việc đổi mới hoạt động của các nông, lâm trường phải làm thực chất, nghĩa là các đơn vị này cần được quản trị theo mô hình như doanh nghiệp, tránh “bình cũ rượu mới”. Với tinh thần “lấy quyền, lợi ích của người dân làm trọng tâm”, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, đất không sử dụng để trả lại cho các địa phương giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc chưa có đất sản xuất quản lý, sử dụng.

Trong phiên thảo luận chiều 10-11, 2 Bộ trưởng Bộ TN và MT,  NN và PTNT đã đăng đàn trước Quốc hội nhận trách nhiệm.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN và MT Nguyễn  Minh Quang cho biết, Bộ TN và MT thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra những tồn tại, yếu kém kéo dài này. Bộ cũng quyết tâm khắc phục những yếu kém đó.

Theo Bộ trưởng Bộ TN và MT, các nông, lâm trường đã thể hiện rõ vai trò trong các giai đoạn trước đây. Được thành lập sau năm 1954, 1975 ở những địa bàn vùng sâu xa, biên giới,  nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, trong thời kỳ bao cấp các nông, lâm trường đã phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế - xã hội nơi vùng đồng bào dân tộc, biên giới. Chuyển sang thời kỳ hạch toán kinh doanh, mô hình nông, lâm trường cũ không còn phù hợp nên Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 28 về vấn đề này. Tuy nhiên, việc tổ chức sắp xếp lại các nông, lâm trường để sản xuất hiệu quả là rất khó khăn.

Theo Bộ trưởng, nếu quan tâm đến hiệu quả kinh tế của các nông, lâm trường thì có nhiều khía cạnh. Các nông, lâm trường quản lý gần 8 triệu ha đất, nhưng chỉ có 600 nghìn ha đất nông nghiệp; trong đó đất cao su chiếm 300 nghìn ha. Số còn lại 300 nghìn ha đất nông nghiệp chia cho các nông, lâm trường là rất nhỏ. Vì vậy, hiệu quả sản xuất là hạn chế. Còn đất rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên thiên thì không có nguồn thu vì Chính phủ quyết định đóng cửa rừng thiên thiên. Vì vậy, các nông, lâm trường xoay sở là rất khó khăn. “Tôi không phải thanh minh nhưng hiệu quả là rất khó khăn. Các giải pháp tới đây phải bàn thêm về điều này”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói. 

Những tồn tại, yếu kém trong quản lý sử dụng đất đai ở các nông, lâm trường theo Bộ trưởng còn do sự thay đổi trong chính sách đất đai. Tuy nhiên, ngoài việc không theo kịp sự thay đổi của chính sách, đúng là có sự buông lỏng quản lý của các bộ liên quan, các địa phương và những đơn vị trực tiếp sử dụng đất đai. Còn có nguyên nhân chưa hoàn tất đo đạc nên thiếu số liệu để quản lý.

Bộ TN và MT nhận thức được khuyết điểm là chậm ban hành văn bản hướng dẫn trong quản lý đất nông, lâm trường; chưa tiến hành thanh tra đầy đủ các nông, lâm trường; chưa quan tâm đôn đốc giải quyết kiến nghị sau thanh tra khiến các sai phạm kéo dài gây bức xúc. “Trách nhiệm thuộc về Bộ TN và MT, Bộ NN và PTNT, Công thương và một phần do các địa phương. Cần làm rõ điều này. Chúng tôi nhận khuyết điểm về chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cũng như trong vấn đề thanh tra”, Bộ trưởng Bộ TN và MT nói. 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, hiện nay Bộ đang phối hợp thành lập tổ công tác để xuống các địa phương đôn đốc tiến độ xác định ranh giới, cắm mốc giới; đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Cty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, các tổ chức khác quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Bộ trưởng cũng đề nghị ngân sách Trung ương bố trí đủ 1.015 tỷ đồng cho các địa phương trong hai năm 2015-2016 để thực hiện việc này (nếu cần đủ thì phải 6.000 tỷ đồng). 

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát, các nông, lâm trường có một quá trình lịch sử, nhìn tổng thể có đóng góp vai trò rất quan trọng. Hiện nay có nhiều nông, lâm trường làm ăn hiệu quả như cao su, chè, nhiều nông, lâm trường là nòng cốt để thúc đẩy kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp. “Tôi xin Quốc hội minh xét lại chỗ này”, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT nói.

Tuy nhiên, ông Cao Đức Phát thừa nhận nhiều nông, lâm trường hoạt động kém hiệu quả, sai phạm. Về trách nhiệm của Bộ NN và PTNT, khuyết điểm chính là việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng kém hiệu quả. “Bản thân tôi thấy rõ điều đó, đã cố gắng làm nhưng không đạt được như mong đợi, xin nhận trách nhiệm về khuyết điểm này”, Bộ trưởng thẳng thắn.

Theo Bộ trưởng Bộ NN và PTNT, hiện mới chỉ tập trung sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường thuộc Bộ NN và PTNT (67 đơn vị), còn việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Ngoài ra, việc thanh tra và xử lý thanh tra còn chậm, chưa dứt điểm, vì rất phức tạp. Như vừa qua thanh tra một số nông trường cà phê, đã ban hành kết luận nhưng bà con chưa đồng ý. Chúng tôi rất thấm thía điều này. Việc sắp xếp lại các nông, lâm trường là một nguồn lực rất quan trọng để phát triển nông nghiệp như các đại biểu Quốc hội đã phát biểu. Về việc sắp xếp lại các nông, lâm trường tới đây, Bộ NN và PTNT cho biết có giải thể 28 nông, lâm trường. Ngoài ra bàn giao lại một số diện tích đất đai mà các nông, lâm trường đang quản lý về địa phương./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com