Bầu cử Quốc hội khóa XIV vào ngày 22-5-2016

08:11, 25/11/2015

Sáng qua (24-11), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Ngay sau đó, ĐBQH đã biểu quyết tán thành Ngày bầu cử là 22-5-2016 - ngày Chủ nhật theo đúng quy định của Luật Bầu cử. 

100% đại biểu có mặt cũng tán thành thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia với cơ cấu theo Tờ trình của Uỷ ban TVQH.

Theo đó, Hội đồng có 21 thành viên, trong đó gồm 1 Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch gồm: Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng và Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Dự kiến nhân sự Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ được các đại biểu thảo luận tại Đoàn và biểu quyết thông qua danh sách tại hội trường để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Cũng trong sáng qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) của Ủy ban TVQH cho thấy, về thời điểm khai mạc kỳ họp Quốc hội, có ý kiến đề nghị không quy định cố định ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội; có thể quy định vào thứ hai của tuần giữa tháng 5 và tháng 10 để tránh việc có thể phải khai mạc kỳ họp vào ngày thứ 6 của tuần. Có ý kiến đề nghị không khai mạc kỳ họp Quốc hội vào ngày thứ 6 và ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, TVQH cho rằng, việc quy định cụ thể thời điểm khai mạc hai kỳ họp thường lệ hằng năm là nhằm góp phần bảo đảm sự chủ động trong việc chuẩn bị nội dung kỳ họp cũng như tham gia kỳ họp của ĐBQH. Đây cũng là thời điểm khai mạc kỳ họp Quốc hội của các nhiệm kỳ Quốc hội từ khóa XI đến nay, đã được thực tế chứng minh là hợp lý. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về thời điểm khai mạc đối với hai kỳ họp thường lệ là vào ngày 20-5 và 20-10 hằng năm; đồng thời tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội đã bổ sung quy định để tránh khai mạc kỳ họp vào ngày thứ 6 của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm của ĐBQH, TVQH cho rằng, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, ĐBQH có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể Quốc hội, họp tổ ĐBQH, Đoàn ĐBQH và các phiên họp khác và thảo luận, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Trường hợp không thể tham dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại kỳ họp từ 3 ngày làm việc liên tục trở lên vì lý do chính đáng thì ĐBQH phải báo cáo xin phép Chủ tịch Quốc hội. Trong trường hợp ĐBQH phải tham gia

các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội như thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua hoặc thực hiện nhiệm vụ khác mà không thể tham gia phiên họp toàn thể, họp tổ hoặc Đoàn ĐBQH thì đại biểu phải báo cáo Trưởng đoàn ĐBQH  hoặc Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội.

Về phiên họp toàn thể của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị không nên quy định cứng thời gian trình bày tờ trình, báo cáo là 15 phút mà chỉ nên quy định tối đa là 10 phút. Nhiều ý kiến đề nghị không nên đọc tờ trình, báo cáo thẩm tra (trừ các báo cáo về kinh tế - xã hội) mà nên dành thời gian này cho việc thảo luận tại hội trường. TVQH cho rằng, báo cáo thẩm tra là thủ tục bắt buộc. Cùng với quy định phải gửi trước hồ sơ, tài liệu đầy đủ để ĐBQH nghiên cứu, yêu cầu rút ngắn thời gian trình bày các tờ trình, báo cáo trước Quốc hội đã được thực hiện ổn định từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay được thực tế chứng minh là hợp lý.

Về thảo luận tại phiên họp toàn thể, nhiều ý kiến đề nghị quy định rút ngắn thời gian phát biểu, tránh phát biểu trùng, không phát biểu quá hai lần; đại biểu không nên sử dụng bài phát biểu soạn sẵn; bổ sung quy định cho phép kéo dài thời gian phát biểu khi hết đại biểu đăng ký mà thời gian phiên họp vẫn còn; không quy định việc các cơ quan giải trình ngay tại phiên họp. Tuy nhiên, TVQH cho rằng, quy định về đăng ký thảo luận thông qua hệ thống điện tử, số lần phát biểu, thời gian phát biểu của mỗi ĐBQH và không quy định cách thức phát biểu là nhằm bảo đảm sự bình đẳng, chủ động của đại biểu trong việc thể hiện chính kiến của mình khi phát biểu thảo luận tại nghị trường. Đây cũng là cách làm từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI đến nay, trở thành thông lệ trong hoạt động của Quốc hội và được đa số các vị ĐBQH tán thành. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, việc mời đại diện các bộ, ngành có liên quan báo cáo bổ sung hoặc giải trình tại phiên thảo luận là cần thiết để kịp thời làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm tạo sự đồng thuận cao, tăng tính khả thi của các quy định khi được Quốc hội thông qua.

Có ý kiến đề nghị bố trí cách thức để ĐBQH tranh luận trực tiếp ngoài cách đăng ký phát biểu theo thứ tự, TVQH đã đề nghị Quốc hội cho tiếp thu để chỉ đạo việc bố trí cách thức để ĐBQH đăng ký tranh luận trực tiếp khi thảo luận ngoài cách đăng ký phát biểu theo thứ tự.

Tại Điều 29 của Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp.

Theo đó, người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao. Người tuyên thệ phải đứng trước Quốc kỳ tuyên thệ. Thời gian tuyên thệ không quá 3 phút.

Nội quy cũng quy định Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Kỳ họp giữa năm khai mạc vào ngày 20-5; kỳ họp cuối năm khai mạc vào ngày 20-10.

Trường hợp ngày 20-5 và ngày 20-10 trùng vào ngày thứ sáu của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày khai mạc kỳ họp là ngày làm việc kế tiếp.

Trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức kỳ họp vào các thời điểm nêu trên thì ngày khai mạc kỳ họp do Ủy ban TVQH quyết định.

Ngày khai mạc kỳ họp cuối nhiệm kỳ và kỳ họp bất thường của Quốc hội do Ủy ban TVQH quyết định.

Trước khi Chủ tịch Quốc hội khai mạc và sau khi Chủ tịch Quốc hội bế mạc kỳ họp, Quốc hội làm lễ chào cờ. Tại lễ chào cờ, quân nhạc cử Quốc thiều, ĐBQH và những người tham dự hát Quốc ca.

ĐBQH có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp Quốc hội, thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Trường hợp không thể tham dự phiên họp, ĐBQH báo cáo Trưởng Đoàn ĐBQH hoặc Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội.

Trường hợp ĐBQH không thể dự kỳ họp Quốc hội hoặc vắng mặt từ 3 ngày làm việc liên tục trở lên tại mỗi kỳ họp thì gửi văn bản và nêu rõ lý do đến Trưởng Đoàn ĐBQH, đồng thời gửi văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định.

Danh sách ĐBQH không thể dự kỳ họp Quốc hội được ghi vào Biên bản kỳ họp Quốc hội; danh sách các ĐBQH vắng mặt phiên họp được ghi vào Biên bản phiên họp.

Về biểu quyết tại phiên họp toàn thể, theo Nội quy, việc tiến hành biểu quyết được thực hiện theo nguyên tắc trực tiếp, ĐBQH không biểu quyết thay ĐBQH khác. ĐBQH có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết.

Nội quy cũng ghi rõ công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp của Quốc hội.

Cũng trong sáng qua, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Buổi chiều, với 91,7% tổng số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, qua biên bản tổng hợp thảo luận và phiếu xin ý kiến, có 475/475 ý kiến đồng ý với dự kiến nhân sự do Uỷ ban TVQH trình.

Theo đó, 63/63 Đoàn ĐBQH đồng ý giới thiệu ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội khoá XIII để bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia để bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Có 1 ý kiến đề nghị báo cáo thêm những người tham gia Hội đồng Bầu cử quốc gia có được ứng cử ĐBQH khóa XIV hay không, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND không quy định thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia không được ứng cử ĐBQH. 

Điều 27 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định “Người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử”.

Như vậy thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia đáp ứng các tiêu chuẩn của ĐBQH quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội thì vẫn được ứng cử ĐBQH khóa XIV.

Sau đó, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Theo đó, 4 Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

Các uỷ viên Hội đồng gồm: Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Ngô Văn Dụ, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương; ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng Ban Công tác đại biểu; ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ TT và TT; bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam và ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Cũng trong chiều qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trình bày Tờ trình của Ủy ban TVQH về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Tổng Thư ký Quốc hội.

Theo đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội được đề cử làm Tổng Thư ký Quốc hội.

Theo dự kiến chương trình, sáng nay (25-11), ĐBQH sẽ thảo luận và bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia về danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; bầu Tổng Thư ký Quốc hội./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com