Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, ngày 13-11, Quốc hội (QH) thảo luận bốn Dự án luật. Buổi sáng, QH thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Buổi chiều, QH thảo luận tại hội trường Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và Dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Tạo điều kiện thuận lợi nhất để trẻ em phát triển
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm về độ tuổi của trẻ em được quy định trong Dự án Luật (Điều 1). Theo đó, nhiều ý kiến đồng ý với việc nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi vì cho rằng, đây là nhóm tuổi nhạy cảm, dễ bị tổn thương, dễ bị tác động... cho nên cần được xã hội, gia đình chăm sóc tốt hơn, trang bị nhiều hơn các kỹ năng sống cần thiết. Có ý kiến đề nghị, Luật nên có quy định khuyến khích nhà trường, gia đình tổ chức lễ trưởng thành cho học sinh, con em mình khi bước vào tuổi 18 bởi đây là dấu ấn quan trọng trong cuộc đời một con người và cũng là dịp để gia đình, nhà trường định hướng cho con em mình lối sống đẹp, sống tốt, sống có ích. Về vấn đề này, có đại biểu băn khoăn về tính đồng bộ, chưa thống nhất về độ tuổi trẻ em trong Luật này và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại các quy định trong Luật Hình sự để tránh “vênh” nhau giữa các luật. Có ý kiến cho rằng, quy định tuổi trẻ em dưới 18 tuổi sẽ khó khả thi trong thực tế cuộc sống bởi còn nhiều tập tục, sự việc diễn ra liên quan đến độ tuổi này nhưng chúng ta chưa kiểm soát được.
Một số đại biểu của Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cùng đề nghị, cần tiếp tục xây dựng mạng lưới công tác xã hội, cộng tác viên, tình nguyện viên chuyên trách công tác bảo vệ trẻ em khi gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Dự án Luật cần quan tâm hơn nữa việc bảo vệ trẻ em trong cuộc sống, nhất là trẻ em gái trước các vấn đề phức tạp hiện nay, như: tảo hôn, lạm dụng tình dục, nạo phá thai... Từ thực tế thể trạng của trẻ em nước ta, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, có đại biểu nêu rõ, chúng ta chưa quan tâm, chưa có nhiều thành tựu trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em... Vì vậy, cần nghiên cứu để có những chương trình cải tạo giống nòi; chương trình rèn luyện kỹ năng sống, phòng, chống tai nạn cho trẻ em.
Điều 11 của Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có các quy định về tổ chức lễ hội tín ngưỡng. Quan tâm nội dung này, một số đại biểu cho rằng, Luật còn đặt ra nhiều quy định rườm rà, chưa rõ ràng, thậm chí nặng cơ chế “xin - cho”. Vì vậy, Ban soạn thảo nên tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nội dung này theo hướng đơn giản, rõ ràng, quy định cụ thể các cơ quan chức năng sẽ trả lời việc tổ chức lễ hội như thế nào, trong thời gian bao lâu. Không nên đặt ra quá nhiều quy định nhưng không thể triển khai trong thực tế cuộc sống. Có đại biểu nêu rõ, Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chưa có nhiều đổi mới về quản lý hoạt động tôn giáo, chưa đáp ứng được thực tế.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay, có một số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo chưa rõ ràng về tư cách pháp nhân, cho nên gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi giải quyết những công việc trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, Dự thảo Luật cần có những quy định xác định rõ tư cách pháp nhân của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Có đại biểu đề nghị tên gọi của Luật là: Luật Tổ chức, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sẽ đúng với nội dung xuyên suốt của Dự thảo Luật; tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, tên gọi là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo như Chính phủ trình đã rõ ràng và đầy đủ.
Minh bạch về thuế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa
Chiều 13-11, các đại biểu thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; Dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Nhiều đại biểu: Trương Văn Vở (Đồng Nai), đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Anh Dũng (Bắc Giang), Dương Hoàng Hương (Phú Thọ), Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)... nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế và thực hiện theo quy trình thông qua tại một kỳ họp của QH. Đồng thời, quan tâm cho ý kiến về xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Theo đó, nhiều ý kiến nhất trí xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là DNNN thuộc danh sách cổ phần hóa (CPH), giao bán, sáp nhập, sắp xếp lại do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như Dự thảo Luật nhằm đẩy nhanh tiến trình CPH các DNNN theo đúng chủ trương của Đảng, Nghị quyết của QH. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, việc quy định như Dự thảo Luật sẽ dẫn đến trường hợp các doanh nghiệp hiện nay chưa đến thời điểm thực hiện CPH, cố tình chây ỳ, chậm nộp tiền thuế để tăng số nợ thuế lớn hơn số lỗ lũy kế của doanh nghiệp, hoặc cố tình không kê khai số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp để được hưởng chính sách xóa nợ thuế của Nhà nước.
Chung quanh quy định xóa tiền nợ thuế đối với trường hợp DNNN đã thực hiện CPH hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt..., một số ý kiến cho rằng, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, nguyên tắc khi CPH hoặc chuyển đổi sở hữu thì: Cty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của Cty được chuyển đổi. Vì vậy, quy định về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp đối với DNNN đã thực hiện CPH hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, về mặt kỹ thuật, việc các DNNN đã xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt có thể làm quá trình CPH, giao, bán, khoán được tiến hành thuận lợi hơn khi các chỉ số tài chính trở nên “đẹp hơn”. Tuy nhiên, quy định như Dự thảo Luật sẽ tạo cơ hội để các DNNN hiện đang thuộc đối tượng sắp xếp lại cố tình trì hoãn, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế hoặc cố tình không kê khai số tiền nợ thuế trong giá trị của doanh nghiệp, tạo tâm lý trông chờ nhằm được hưởng chính sách xóa nợ thuế. Do đó, tiến trình CPH, giao, bán, khoán có lý do để lại tiếp tục chậm trễ, kéo dài...
Phát biểu ý kiến về nhiều nội dung trong các Dự án Luật, các đại biểu QH đề nghị cần cụ thể hóa, làm rõ những điều khoản quy định nhằm siết chặt, tăng cường công tác quản lý thuế, khắc phục tình trạng gian lận trong hoàn thuế GTGT, cải cách thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng; cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trong quá trình hội nhập kinh tế.
Ngày 14-11, QH tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ 21, kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII. Buổi sáng, QH thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của QH ban hành Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016.
Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân
Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của QH ban hành Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi), đa số các đại biểu đánh giá Dự thảo Nghị quyết và Nội quy đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các quy định để bảo đảm nội quy kỳ họp mang tính dân chủ, khoa học, phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, để các kỳ họp QH ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, kịp thời đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân và yêu cầu phát triển đất nước.
Về vấn đề đổi mới, nâng cao chất lượng của kỳ họp QH, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, tổng kết các khóa QH từ trước đến nay cho thấy, QH của ta chủ yếu là tham luận, chưa trở thành QH tranh luận. Cần có quy định về điều hành phiên họp QH để chuyển từ tham luận sang tranh luận về các vấn đề có quan điểm khác nhau… Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng cho rằng, tất cả các đại biểu đều có quyền phát biểu trước QH. Chất lượng các bài phát biểu không tốt thì đại biểu QH phải chịu trách nhiệm trước cử tri. QH nên dành thời gian cho việc thảo luận và tranh luận, tuy nhiên không nên xây dựng theo hướng dành thời gian nhiều cho tranh luận sẽ phù hợp với điều kiện nước ta.
Về vấn đề trách nhiệm, quyền hạn của đại biểu QH, nhiều đại biểu cũng đồng tình với việc cần bổ sung một số quy định nhằm thực hiện tốt hơn trách nhiệm của đại biểu tại kỳ họp, như: việc vắng mặt, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin kỳ họp… Tuy nhiên, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội), đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, Nội quy kỳ họp QH quy định rất chặt chẽ đối với các đại biểu QH nhưng chưa có những quy định liên quan đến quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của người điều hành phiên họp. Vì vậy, cần có các quy định liên quan đến quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ trì, chủ tọa, người điều hành phiên họp; đồng thời làm rõ các khái niệm này.
Buổi sáng, QH đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương là 596.882 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 417.618 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Trung ương là 850.882 tỷ đồng, trong đó dự toán 211.221 tỷ đồng để bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Bảo đảm quyền tự do báo chí
Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận tổ về Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và Dự án Luật Tiếp cận thông tin. Nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH việc sửa đổi và ban hành Luật Báo chí trong thời điểm hiện nay là cần thiết. Sửa đổi Luật Báo chí hiện hành để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và để các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành phù hợp với các yêu cầu mới do Hiến pháp năm 2013 đặt ra.
Hiến pháp năm 2013 quy định nguyên tắc “các quyền con người, quyền công dân... được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” và khẳng định những quyền này “chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng - an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14). Theo các quy định của pháp luật quốc tế, quyền tự do báo chí (thực chất là quyền tự do ngôn luận của người dân qua báo chí) là một quyền có giới hạn, và các hạn chế quyền này cần phải được quy định cụ thể ở luật trong trường hợp cần thiết theo quy định của Điều 14, Hiến pháp năm 2013.
Các đại biểu: Nguyễn Văn Danh, Trần Văn Lan, Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang); Nguyễn Danh Hồng (Bình Dương) và một số đại biểu khác đồng tình với các nội dung thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH. Thời gian qua, báo chí nước ta phát triển mạnh mẽ; tích cực phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; truyền tải ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật, qua đó phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ... Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại như: cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật có chiều hướng ngày càng tăng; xu hướng “thương mại hóa” chậm được khắc phục; thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn diễn ra. Theo đại biểu Nguyễn Văn Danh, nhiều báo đưa tin tiêu cực quá nhiều, dùng thông tin giống nhau, nhiều tin không chính xác, có cả trường hợp “thổi phồng”, đưa tin áp đặt gây ảnh hưởng tiêu cực đến tổ chức, cá nhân. Vì thế, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể, rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của nhà báo, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí, các hành vi bị cấm, việc cung cấp thông tin cho báo chí, vai trò quản lý Nhà nước, vai trò của cơ quan chủ quản báo chí...
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật còn một số bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh. Dự thảo Luật cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định 12 nội dung (loại thông tin) và 10 hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo sửa tên Điều 10 thành “Hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí” và sắp xếp lại các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi thông tin, công bố, đăng tải,... quy định tại khoản 1, cho phù hợp. Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, lược bớt những nội dung đã được quy định trong các bộ luật Dân sự và Hình sự để thuận tiện trong cách hiểu và áp dụng thống nhất sau này.
Chủ nhật, ngày 15-11, QH nghỉ.
Hôm nay, thứ hai, ngày 16-11-2015, QH họp phiên toàn thể tại hội trường tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên họp sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng khác đưa tin để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi./.
PV