Chính phủ đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết của Quốc hội

08:11, 17/11/2015

Sáng 16-11, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII bắt đầu phiên chất vấn với nhiều đổi mới. Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, đối tượng chất vấn của đại biểu trong kỳ họp này rất rộng. Mục đích của phiên chất vấn là đánh giá lại xem yêu cầu của Quốc hội trong hoạt động giám sát, chất vấn đã được thực hiện như thế nào, đã tốt chưa? Xem xét lại còn những tồn tại gì mà đất nước, bộ máy Nhà nước cần làm tốt hơn nữa?...

Nhấn mạnh đây là phiên họp mà cử tri cả nước chờ đợi, cũng là dịp nhìn lại cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát, chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các vị đại biểu Quốc hội, các vị được chất vấn nhìn thẳng vào sự thật, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn. “Mục đích cuối cùng của phiên chất vấn không phải là làm căng thẳng vấn đề mà để nhìn thẳng vào sự thật, từ đó giải quyết vấn đề cho tốt để cử tri cả nước theo dõi và thấy được hoạt động của Quốc hội là thiết thực” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Báo cáo cho thấy, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nợ công vẫn trong giới hạn quy định

Trong lĩnh vực KH và ĐT, Chính phủ, các bộ, ngành triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng Cty; tập trung cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đã sắp xếp 464 DNNN, trong đó cổ phần hóa 404 doanh nghiệp. Tập trung thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng từ 79,9% năm 2011 lên 82,5% năm 2015. Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển phù hợp hơn với kinh tế thị trường. Thực hiện Chiến lược Biển, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ chủ quyền biển, đảo...

Trong lĩnh vực tài chính, thực hiện các giải pháp bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước (NSNN); tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra. Hiện đại hoá công tác quản lý; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thuế, hải quan. Đã cắt giảm được 420 giờ nộp thuế; trên 98% các doanh nghiệp đã kê khai thuế qua mạng; 80% doanh nghiệp đã nộp thuế theo phương thức điện tử; trên 98% kim ngạch xuất nhập khẩu đã được thông quan điện tử. Đồng thời thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật; ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý nợ công. Chỉ sử dụng nợ công cho đầu tư phát triển. Việc điều hành vay và trả nợ thực hiện theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch vay, trả nợ hằng năm được phê duyệt. Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định...

Trong lĩnh vực Công thương, thực hiện giá thị trường theo lộ trình đối với xăng dầu, than, điện gắn với hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo. Thực hiện thị trường phát điện và bán điện cạnh tranh; xóa độc quyền trong kinh doanh xăng dầu; xóa bao cấp giá bán than cho các hộ tiêu thụ trong nước từ quý IV-2012 và cho sản xuất điện từ tháng 4-2014...

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tình trạng chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản ở một số nơi khắc phục chậm. Hiệu quả đầu tư công chưa cao...

Cân đối NSNN còn nhiều khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyên lớn, bội chi còn cao. Quản lý và sử dụng NSNN ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Còn tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và lãng phí trong chi NSNN. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn...

Ưu tiên cho giáo dục, y tế

Trong lĩnh vực Y tế, Chính phủ đã ưu tiên bố trí khoảng 7% tổng chi NSNN (7,6% nếu tính cả trái phiếu Chính phủ) và đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích hợp tác công - tư đầu tư phát triển hệ thống cơ sở y tế. Triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện; nâng cấp cơ sở vật chất; phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ y tế xuống cơ sở...

Mặt khác, ưu tiên sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn ODA cho các trạm y tế xã. Nâng cao y đức, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế. Tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân; kiểm tra, giám sát việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động.

Trong lĩnh vực GD và ĐT, báo cáo cho thấy giai đoạn 2011-2015 đã dành 20% tổng chi NSNN cho GD và ĐT, trong đó giáo dục tiểu học chiếm 33%, THCS chiếm 22%. Lồng ghép các nguồn vốn, chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án đầu tư khác cho giáo dục.

Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT đã được triển khai. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, chú trọng liên thông giữa các cấp học, trình độ, hình thức giáo dục, đào tạo. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015. Thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; hướng dẫn nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn địa phương...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Đó là, chất lượng khám, chữa bệnh còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở tuyến cơ sở; tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương chưa được khắc phục căn bản. Việc thanh toán khám, chữa bệnh bằng BHYT, quản lý và đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế còn bất cập. Một số cơ sở y tế chưa thực hiện nghiêm việc niêm yết, kê khai giá theo quy định. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém.

Giáo dục đại học, đào tạo nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội, chất lượng chậm được cải thiện. Việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh đại học, cao đẳng còn lúng túng...

Tinh giản biên chế còn khó khăn

Theo Phó Thủ tướng, trong lĩnh vực nội vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương được sắp xếp, kiện toàn, cơ bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Cơ quan chuyên môn ở địa phương được giữ ổn định. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quản lý chặt chẽ biên chế công chức, kể cả biên chế dự phòng và số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm. Thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập; thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của một số cơ sở giáo dục đại học công lập.

Tổng số cán bộ cấp Thứ trưởng cơ bản không tăng so với đầu nhiệm kỳ; một số cơ quan tăng do sắp xếp tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ; gần đây Bộ Chính trị điều động một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng về các bộ, ngành. Việc tăng số lượng cấp phó các đơn vị thuộc một số bộ, ngành chủ yếu do sắp xếp, hợp nhất tổ chức bộ máy nội bộ đối với những lĩnh vực có phạm vi, đối tượng quản lý rộng. Số lượng cấp phó ở các bộ, ngành và địa phương sẽ giảm trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Triển khai các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Ban hành 47 tiêu chuẩn ngạch công chức, 21 bộ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Đổi mới công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh; đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển và quản lý công chức. Mặt khác, tích cực triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính. Triển khai mô hình một cửa liên thông hiện đại tại 50% đơn vị cấp huyện; thí điểm tổ chức trung tâm hành chính công ở một số địa phương...

Thẳng thắn nhìn nhận những khiếm khuyết còn tồn tại trong lĩnh vực nội vụ, Phó Thủ tướng cho biết, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo. Việc đổi mới chế độ công vụ, công chức còn chậm; tinh giản biên chế còn khó khăn. Chất lượng của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm.

Ngoài các lĩnh vực trên, báo cáo cũng đề cập đến việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong các lĩnh vực như VH, TT và DL; TT và TT; LĐ-TB và XH; Xây dựng; GTVT...

Kết thúc phần báo cáo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém.

Trước khi chất vấn các đại biểu Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.

Có hai nhóm vấn đề chính được các đại biểu Quốc hội đặt ra cho hai Bộ trưởng đầu tiên được chất vấn là: Vấn đề trồng bù rừng thay thế của các dự án thủy điện không đạt kế hoạch và vấn đề quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Về vấn đề trồng bù rừng thay thế, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát trả lời đầu tiên, Bộ trưởng nêu rõ, trước đây, chúng ta duyệt các dự án thủy điện trước, khi Quốc hội nhắc nhở, chúng ta mới siết chặt trồng rừng thay thế nên có sự vênh nhau trong việc yêu cầu trồng rừng thay thế. Hiện chúng tôi đang yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm làm theo đúng pháp luật, nếu không thực hiện sẽ bị rút giấy phép hoạt động. 

Hơn 2 năm qua, Chính phủ cũng chỉ đạo sát sao việc này, dự kiến năm 2015 sẽ đạt được mục tiêu trồng rừng thay thế của năm. Còn về kế hoạch trồng thay thế 21 nghìn ha rừng, kế hoạch trồng rừng thay thế sẽ thay đổi theo từng năm, vì còn lấy rừng làm nhiều công trình, nhưng sẽ thực hiện việc trồng rừng thay thế theo chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội. Các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc trong thời gian qua, đồng thời chúng tôi đã rà soát, gửi diện tích của từng dự án đến Quốc hội.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, trong cuộc họp trực tuyến 12-10 vừa qua, về việc trồng bù rừng thay thế dự án thủy điện. Có 3 phương án đề ra để giải quyết vấn đề này. Thứ nhất, đôn đốc doanh nghiệp hoàn thành tiến độ trồng rừng đã được phê duyệt trồng bù, nếu không hoàn thành sẽ có chế tài. Thứ 2, sẽ tạm cấp giấy phép hoạt động 1 năm, sau khi cấp chỉ tiêu trồng bù sẽ phải thực hiện. Thứ 3, doanh nghiệp không thực hiện trồng bù sẽ tạm thời ngưng hoạt động hoặc rút giấy phép.

Về vấn đề quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói, hiện có 4.100 tên thuốc bảo vệ thực vật, 1.700 hoạt chất, số lượng này nhiều quá, bà con, cán bộ gặp nhiều khó khăn trong quản lý, hàm lượng chỉ chênh nhau một chút, tên không phải tiếng Việt nên khó quản lý. Do vậy, chúng tôi chủ trương siết chặt lại, quy định đăng ký 1 tên thuốc cho 1 loại hoạt chất. Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe nhưng tinh thần là siết chặt quản lý để bảo vệ người dân, an toàn vệ sinh thực phẩm, đúng thuốc, liều, đúng lúc, đúng cách.

Buổi chiều, trả lời chất vấn của đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) về đề án giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó thay đổi cách giảng dạy bộ môn Lịch sử, từ môn học độc lập sang môn tích hợp, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: Đúng là dư luận quan tâm đến môn Lịch sử, vì không thấy môn học này xuất hiện trong chương trình giáo dục mới. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ tập trung vào chương trình THPT, còn chương trình tiểu học và THCS về cơ bản nhận được sự nhất trí.

“Môn Lịch sử không bị coi nhẹ”

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đồng thời nhấn mạnh Lịch sử được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành. Theo ban soạn thảo chương trình báo cáo và phía bộ đã kiểm định, kiểm tra thì hiện nay học sinh ở THPT đang học 1,5 tiết Lịch sử/1 tuần. Trong thiết kế chương trình dự thảo, học sinh không học chuyên ban khoa học xã hội sẽ học bình quân 2,5 tiết Lịch sử/1 tuần, tăng 1 tiết; những em vào phân ban khoa học xã hội học 4 tiết/1 tuần. Tất cả những tiết học này đều là bắt buộc.

Như vậy, nội dung và khối lượng kiến thức về Lịch sử là tăng lên. Vì sao lại đưa môn này vào môn Công dân với Tổ quốc? Bộ trưởng GD và ĐT lý giải, vì có chủ trương tích hợp; bên cạnh đó, trong Luật về giáo dục quốc phòng an ninh có quy định giảng dạy về lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng. Ban soạn thảo dự kiến đưa vào chỗ này để tránh trùng lắp.

Ngoài các nội dung lịch sử được giảng dạy trong phần Công dân với Tổ quốc, ở những môn học khác cũng dự kiến có giảng dạy Lịch sử. Ví dụ về Văn học cũng gắn với Lịch sử.

“Chúng ta giảng về Hịch Tướng sĩ, Bình ngô Đại cáo, Tuyên ngôn độc lập, nếu không gắn với Lịch sử các cháu sẽ không hiểu được và không thể có rung động. Không phải chỉ Văn học mà Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật cũng gắn kết, hỗ trợ với Lịch sử. Ví dụ dạy bài hát “Câu hò bên bến Hiền Lương”, “Xa khơi”, nếu không gắn với Lịch sử thì các cháu không hiểu, không rung động. Cho nên rất nhiều môn học khác nữa cũng sẽ làm nhiệm vụ giáo dục truyền thống, giáo dục, hỗ trợ cho Lịch sử” - ông Phạm Vũ Luận nói.

Bộ trưởng khẳng định không giảm môn Lịch sử, vấn đề để riêng môn độc lập hay gắn với các môn khác. Đây là vấn đề thật sự cần thảo luận.

Lịch sử có còn là môn độc lập?

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại câu hỏi: “Theo Bộ trưởng,  Lịch sử có còn là môn độc lập trong SGK không?”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Hiện nay ban soạn thảo đang lắng nghe ý kiến rộng rãi của toàn dân. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có thảo luận, tiếp thu. Chúng tôi dự kiến sẽ có báo cáo, làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Giáo dục quốc gia, Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên nhi đồng, các hội. Sau đó sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Vì đây là chuyện rất hệ trọng.

Quan điểm của chúng tôi là, nếu phân tích thấy việc tích hợp làm nhẹ, không làm tăng được thì không tích hợp. Còn việc tích hợp thấy vẫn đảm bảo thì vẫn cho tích hợp. Chúng tôi sẽ làm việc với các hiệp hội, chuyên gia giáo dục để có kết luận cuối cùng”.

Sẽ xem xét về bài thơ “Sông núi nước Nam”

Về chất vấn của đại biểu Lê Văn Lai về việc tự ý thay đổi bản dịch cũ của bài “Sông núi nước Nam” đã tồn tại bao đời nay, đã có chỗ đứng trong lòng dân tộc, coi là bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của nước ta bằng bản dịch mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, văn bản này xuất hiện trong SGK lớp 7 từ năm 2003 lần đầu tiên, sau đó tiếp tục được tái bản.

“Tôi không có cơ hội để biết được năm 2003 lý do thế nào để làm, nhưng xin khẳng định ý kiến cá nhân là trong lần làm SGK này, những thay đổi không cần thiết, không đem lại hiệu quả cao sẽ không đưa vào” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com