* Biểu quyết thông qua hai nghị quyết và hai Luật; thảo luật hai dự án Luật
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIII, ngày 25-11, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua nhiều bộ luật, luật quan trọng và bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia (BCQG); về danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng BCQG; bầu Tổng Thư ký QH.
Buổi sáng, QH đã nghe Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng trình bày Báo cáo kết quả thảo luận ở đoàn về đề nghị phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng BCQG; dự kiến nhân sự Tổng Thư ký QH. QH đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng BCQG về danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng BCQG; bầu Tổng Thư ký QH.
Quốc hội phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và uỷ viên Hội đồng bầu cử quốc gia (ảnh: Quochoi.vn). |
QH đã phê chuẩn danh sách 4 Phó Chủ tịch và 16 Ủy viên Hội đồng BCQG đã được trình QH trước đó. Như vậy, Hội đồng BCQG đã được QH thành lập với 21 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch QH khóa XIII. Bốn đồng chí: Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch QH; Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã được QH bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng BCQG.
16 Ủy viên Hội đồng BCQG, gồm: Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch QH; Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch QH; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch QH; Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm UBKT Trung ương; Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng; Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an; Nguyễn Thị Nương, Trưởng Ban Công tác đại biểu QH; Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH; Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Nội vụ; Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng TT và TT; Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam; Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
QH cũng đã thông qua Nghị quyết về Ngày bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thành lập Hội đồng BCQG và Nghị quyết bầu Tổng Thư ký QH. Theo đó, ngày bầu cử là ngày chủ nhật, 22-5-2016. QH giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) công bố ngày bầu cử trước 115 ngày đúng theo luật định.
Phát biểu ý kiến trước QH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng BCQG, khẳng định: Kết quả bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng BCQG về danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng BCQG; bầu Tổng Thư ký QH, là sự tín nhiệm của QH giao cho Hội đồng BCQG tiến hành tổ chức, chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng hứa trước QH, thời gian tới, Hội đồng BCQG sẽ làm việc hết mình, tuân thủ hiến pháp, pháp luật, để cuộc bầu cử thực hiện theo đúng pháp luật và thành công. Đồng thời, đề nghị các đại biểu QH tiếp tục giám sát, giúp đỡ; đồng bào cả nước ủng hộ, để Ngày bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp diễn ra theo đúng kế hoạch đề ra.
Với 395/465 tổng số đại biểu có mặt tại hội trường tán thành, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban TVQH, Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng QH được bầu làm Tổng Thư ký QH khóa XIII. Theo Luật Tổ chức QH (sửa đổi năm 2014), quy định: Tổng Thư ký QH do QH bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Tổng Thư ký QH có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của QH, Ủy ban TVQH, đại biểu QH. Tổng Thư ký QH cũng là người phát ngôn của QH, Ủy ban TVQH; tổ chức các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp QH, phiên họp Ủy ban TVQH; tập hợp, tổng hợp các ý kiến của đại biểu QH; ký biên bản kỳ họp, biên bản phiên họp.
Trong chương trình làm việc, các đại biểu QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Các đại biểu QH biểu quyết thông qua Bộ luật, với 88,66% số đại biểu tán thành. Tiếp đó, các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành bộ luật này, với 89,07% số đại biểu tán thành. Bộ luật Tố tụng dân sự quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để TAND giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự tại Tòa án; thủ tục công nhận và cho thi hành bản án tại Việt Nam, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài... Một trong những điều khoản đáng chú ý của Bộ luật được thông qua lần này là Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Các đại biểu QH cũng đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), sau đó biểu quyết thông qua Luật này, với 90,69% số đại biểu tán thành; và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính, với 91,09% số đại biểu tán thành.
Buổi chiều, các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua Luật Tạm giữ, tạm giam (TGTG), gồm 11 chương, 73 điều, quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, chế độ TGTG và giám sát việc thực hiện chế độ TGTG; hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chế độ TGTG; khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thực hiện chế độ TGTG và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan...
QH cũng đã thông qua Luật Trưng cầu ý dân; Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi); và Luật Phí, lệ phí.
Hôm qua, thứ năm, ngày 26-11-2015, QH họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; thảo luận về dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; thảo luận về dự án Luật về hội./.
PV