Thông qua hai dự án Luật, thảo luận hai dự án Luật

08:11, 24/11/2015

Hôm qua, ngày 23-11-2015, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Thống kê (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Khí tượng, thủy văn (KTTV) và thảo luận về dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thống kê (sửa đổi). Luật Thống kê (sửa đổi) gồm 9 chương, 72 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Thống kê (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho thấy, về các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê, có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi nghiêm cấm điều chỉnh, làm sai lệch số liệu thống kê và bổ sung quy định cấm ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ người khác làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê.

TVQH đã tiếp thu và chỉnh lý tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 10 của dự Luật. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ hành vi nghiêm cấm đối với hoạt động thống kê ngoài Nhà nước trong lĩnh vực chính trị và cũng đã được TVQH tiếp thu, chỉnh lý tại điểm b khoản 2 Điều 10.

Về hệ thống thông tin thống kê Nhà nước, một số ý kiến đề nghị giải thích sự chênh lệch lớn số liệu thống kê xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2014. TVQH cho rằng, năm 2014 có sự chênh lệch lớn số liệu thống kê xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc là do phương pháp thống kê và buôn lậu, gian lận thương mại. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để làm rõ số chênh lệch do các nguyên nhân khác nhau đòi hỏi các nước phải phối hợp rà soát trong khoảng thời gian nhất định. Chính phủ đang chỉ đạo các ngành hữu quan phối hợp với nước bạn tìm nguyên nhân cụ thể và sớm khắc phục số liệu thống kê chênh lệch lớn này.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị xem xét tính thống nhất, khắc phục sự chênh lệch số liệu thống kê TVQH cho rằng, trong thời gian qua có sự chênh lệch số liệu thống kê giữa Tổng cục Thống kê với bộ, ngành và giữa Trung ương với địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do chưa quy định chặt chẽ về nội dung, phương pháp tính, nguồn số liệu của các chỉ tiêu thống kê; thiếu các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, sản xuất, sử dụng thông tin thống kê; thẩm quyền điều phối của cơ quan thống kê Trung ương; về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, cùng với việc thực thi Luật chưa nghiêm, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh.

Để khắc phục tình trạng trên, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định cụ thể trách nhiệm về hệ thống thông tin thống kê Nhà nước, hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động thống kê từ khâu thu thập các dữ liệu hành chính, tổng hợp, xử lý, công bố thông tin thống kê và thống nhất về khái niệm, nội dung, phương pháp tính. Dự thảo Luật quy định về thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, thẩm định phân loại thống kê ngành, lĩnh vực, thẩm định phương án điều tra thống kê, thẩm định chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành, thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; bổ sung quy định các hành vi nghiêm cấm; bổ sung đầy đủ quyền và trách nhiệm của cả 3 nhóm chủ thể: nhóm chủ thể cung cấp thông tin cho ngành Thống kê, nhóm chủ thể sản xuất thông tin thống kê và nhóm sử dụng thông tin thống kê; đẩy mạnh ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến, công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là sử dụng dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu bộ, ngành…

Về hoạt động thống kê ngoài Nhà nước, có ý kiến đề nghị không nên hạn chế các hoạt động liên quan đến dịch vụ thống kê ngoài Nhà nước. Vì vậy, TVQH  tiếp thu theo hướng quy định mở rộng phạm vi của hoạt động thống kê ngoài Nhà nước, cho phép thực hiện hoạt động dịch vụ thống kê.

Cũng có ý kiến đề nghị cần khẳng định giá trị pháp lý của thông tin thống kê do tổ chức có uy tín trong nước và quốc tế công bố. TVQH cho rằng, thống kê của các tổ chức trong nước (ngoài hệ thống tổ chức thống kê Nhà nước) nhằm mục đích phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh của bản thân tổ chức đó và đáp ứng nhu cầu sử dụng cụ thể của tổ chức, cá nhân khác, không có giá trị sử dụng thay thế thông tin thống kê Nhà nước. Việc các tổ chức quốc tế công bố số liệu thống kê theo thông lệ quốc tế, chỉ mang tính tham khảo nhằm định hướng phát triển toàn cầu. Dự thảo Luật đã quy định phạm vi và yêu cầu đối với hoạt động thống kê ngoài Nhà nước. Các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê Nhà nước hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ thống kê phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

Buổi chiều, Quốc hội thông qua Luật KTTV. Dự thảo Luật gồm 10 chương, 57 điều, quy định về hoạt động KTTV gồm: quản lý, khai thác mạng lưới trạm; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ KTTV, giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết; quản lý Nhà nước và quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KTTV.

Trong báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, một số vị đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện dự báo, cảnh báo KTTV trong trường hợp dự báo, cảnh báo KTTV không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng; quy định rõ hơn về hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo KTTV.

Tiếp thu các ý kiến xác đáng nêu trên, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung quy định rõ nguyên tắc hoạt động KTTV. Theo đó, quan trắc KTTV phải bảo đảm chính xác, liên tục, thống nhất; dự báo, cảnh báo KTTV phải bảo đảm đủ độ tin cậy; thông tin dự báo, cảnh báo KTTV phải được truyền, phát kịp thời, chính xác, đầy đủ và thể hiện như tại Điều 4 dự thảo Luật. 

Đồng thời, dự thảo Luật quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV phải chịu trách nhiệm về bản tin dự báo, cảnh báo KTTV do mình ban hành tại khoản 2 Điều 21; quy định về tin dự báo, cảnh báo KTTV phải bảo đảm đủ độ tin cậy, được cập nhật thường xuyên, kịp thời theo diễn biến của hiện tượng KTTV tại khoản 3 Điều 21.

Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi cố ý vi phạm các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn trong hoạt động KTTV; che giấu, không cung cấp hoặc cố ý cung cấp sai lệch, không đầy đủ các thông tin, dữ liệu KTTV; quy định trách nhiệm của các cơ quan thuộc hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo KTTV phải xây dựng và thường xuyên cập nhật quy chuẩn kỹ thuật, quy trình dự báo, cảnh báo KTTV, cũng như phải thực hiện đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo; quy định cụ thể về hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV của tổ chức, cá nhân.

Về đề nghị cần quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo Luật đã quy định hành vi bị cấm: “Che giấu, không cung cấp hoặc cố ý cung cấp sai lệch, không đầy đủ các thông tin, dữ liệu KTTV”, đồng thời quy định quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động cung cấp dịch vụ KTTV tại Điều 40; quy định các cơ quan truyền thông có trách nhiệm phải tổ chức truyền, phát tin về KTTV theo quy định tại Luật này và pháp luật về báo chí.

Các nội dung trên đã đảm bảo quy định chặt chẽ vấn đề cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo KTTV, cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan bổ sung quy định Kế hoạch tác động vào thời tiết phải có ý kiến của cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động tác động vào thời tiết.

Các trường hợp được tác động vào thời tiết được quy định trong dự thảo Luật gồm tác động nhằm mục đích gây mưa hoặc tăng lượng mưa; giảm cường độ mưa hoặc để không xảy ra mưa; phá hoặc giảm cường độ mưa đá; phá hoặc giảm cường độ sương mù.

Các hoạt động tác động này chỉ được thực hiện trong khu vực cụ thể, có điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng phù hợp, trong thời gian nhất định. Việc tác động không được làm cản trở hoặc gây tác động có hại đối với hoạt động kinh tế - xã hội.

Cơ quan, tổ chức tác động vào thời tiết phải có giải pháp bảo đảm an toàn, giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động tác động vào thời tiết.

Qua biểu quyết, đã có 410 đại biểu tán thành (chiếm 83% tổng số đại biểu) nhất trí thông qua Luật KTTV./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com