Cho ý kiến vào dự Luật về ký kết điều ước quốc tế (sửa đổi)

08:10, 14/10/2015

Việc sửa đổi, bổ sung khá cơ bản và toàn diện Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 (sau đây gọi là Luật ĐUQT năm 2005) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại phiên họp sáng qua 13-10.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn cho biết, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Luật ĐUQT) được Quốc hội thông qua ngày 14-6-2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2006, bãi bỏ Pháp lệnh Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, Luật ĐUQT đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp cũng như chưa đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của tình hình thực tế. Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, một số quy định của Luật không còn phù hợp hoặc đặt ra yêu cầu bổ sung những quy định còn thiếu để triển khai Hiến pháp.

Qua thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng đồng tình với nhận xét trên và nêu kiến nghị: “Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2016 để đẩy nhanh việc phê chuẩn các ĐUQT, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP”. Nếu đề nghị này được chấp nhận, Luật sẽ có hiệu lực ngay sau khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11 thay vì sau 6 tháng như thông lệ.

Dự thảo Luật sửa đổi xác định phạm vi điều chỉnh của Luật gồm ký kết, bảo lưu, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký, thực hiện, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế. Dự thảo Luật cũng bỏ cụm từ “gia nhập” do “gia nhập” là hành vi nằm trong hoạt động “ký kết” theo định nghĩa tại khoản 4 Điều 2 dự thảo Luật.

Về khái niệm ĐUQT, hiện còn hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với định nghĩa ĐUQT được thể hiện tại dự thảo Luật (thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế), trong khi loại ý kiến thứ 2 đề nghị bao gồm cả các thỏa thuận, cam kết về vay nợ nước ngoài.

Ông Trần Văn Hằng giải thích thêm: “Theo dự thảo Luật thì các thỏa thuận, cam kết về vay nợ nước ngoài nếu được ký nhân danh Nhà nước, Chính phủ với bên ký kết nước ngoài như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Các thỏa thuận vay cụ thể khác được thực hiện theo quy trình, thủ tục ký kết và phê duyệt thỏa thuận được quy định tại Luật Quản lý nợ công (do phía đối tác ký các thỏa thuận này chỉ thực hiện giao kết dân sự, kinh tế, không là chủ thể của pháp luật quốc tế theo quy định tại khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật)”.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý rằng, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề như ủy quyền, đàm phán, ký lưu trữ, công bố văn bản, hướng xử lý nếu trong quá trình ký kết và thực hiện thỏa thuận và có quy định trái hoặc khác với pháp luật trong nước. Tương tự, cũng chưa có văn bản quy định cụ thể về quy trình, thủ tục ký kết đối với các thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước không phải là ĐUQT. Đây là những “khoảng trống” nhất thiết phải được lấp đầy./.

Theo SGGP



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com