Thảo luận về dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng và nhiều nội dung quan trọng của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

08:10, 26/10/2015

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIII, ngày 23-10, các đại biểu QH thảo luận tại Đoàn về dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Các dự thảo văn kiện gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Thảo luận tại Đoàn, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và cho rằng, Đại hội XII của Đảng sắp tới được tổ chức đúng dịp đất nước trải qua 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từ Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới chính trị. Nhìn lại 30 năm đổi mới, kinh tế đất nước phát triển ngày càng mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nước ta từ nghèo nàn, lạc hậu phát triển thành một nước có thu nhập trung bình… Các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc sắp tới đã dựa trên các báo cáo chuyên đề, chuyên sâu trên từng lĩnh vực, đánh giá có nhiều thông tin, số liệu để minh họa, chứng minh, ngắn gọn, cách viết rõ, đánh giá thành tựu, vướng mắc, nguyên nhân, cách viết qua nhiều lần đóng góp có chỉnh sửa, các dự thảo văn kiện gọn rõ từng lĩnh vực…

Tuy nhiên, trước cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, cần tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và xây dựng Nhà nước pháp quyền để tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới đất nước phát triển. Trong dự thảo văn kiện xác định xây dựng Đảng là then chốt, song phải rà soát lại, làm rõ mục tiêu, yêu cầu để tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng; phải coi trọng công tác xây dựng Đảng, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng. Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền để Nhà nước phát huy vai trò trong quản lý, điều hành; phân công phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; xác định rõ vị trí, vai trò của từng cơ quan để bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo đúng quy định của Hiến pháp. Đồng thời, dự thảo báo cáo cần đề cập đến văn hóa công sở, văn hóa công chức, văn hóa lễ hội... và soát lại việc tổ chức các lễ hội, đại hội, kỷ niệm, khởi công… rất hình thức, gây tốn kém tiền của Nhà nước.

Đại biểu QH phát biểu thảo luận về Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Đại biểu QH phát biểu thảo luận về Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, dự thảo văn kiện lần này cần làm rõ mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, khẳng định vai trò của Nhà nước XHCN để khắc phục những khiếm khuyết mặt trái của cơ chế thị trường. Tiếp tục hoàn thiện thể chế và các chế độ sở hữu. Đồng thời, cần xây dựng dân chủ XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đã nêu rõ vấn đề này từ các kỳ đại hội trước, bây giờ tiếp tục thể hiện lại điều này, nhưng phải thể hiện làm thế nào để thay đổi sang một thể chế Nhà nước quản lý bằng pháp luật, Nhà nước thật sự là Nhà nước pháp quyền. Theo đại biểu, đổi mới chính trị liên quan đến Nhà nước pháp quyền, là thành tựu lớn thứ hai của nước ta sau 30 năm đổi mới, đứng sau thành tựu về kinh tế. Do vậy, cần khẳng định vấn đề này trong dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sắp tới.

Góp ý kiến đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhiều đại biểu khẳng định báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, bố cục rõ ràng, mạch lạc giúp người đọc dễ tiếp cận các vấn đề, nội dung được nêu ra. Một số ý kiến đánh giá cao việc các dự thảo đã rút ra được những bài học kinh nghiệm, chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế để đưa ra những nhận định, xác định phương hướng, nhiệm vụ, các giải pháp trong giai đoạn tới.

Nhiều đại biểu QH có chung nhận định, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XII của Đảng có điểm mới, rất đáng trân trọng và ghi nhận, đó là việc khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong đời sống xã hội hiện nay. Đây là một chủ trương đổi mới, rất đáng quý trong sự nhìn nhận của Đảng ta đối với kinh tế tư nhân. Có đại biểu khẳng định, khi nghiên cứu Báo cáo chính trị, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp rất phấn khởi đối với sự khẳng định này.

Quan tâm nội dung về kinh tế thị trường hiện đại được Báo cáo chính trị đề cập, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần phân tích rõ hơn nữa, cụ thể hơn nữa kinh tế thị trường hiện đại bao gồm những yếu tố nào, khác với thị trường trước đây ở nước ta như thế nào; xu hướng vận hành ra sao… Đại biểu này đề nghị, Dự thảo Báo cáo cần lựa chọn năm lĩnh vực quan trọng nhất để tập trung phát triển trong thời gian tới, đó là nông nghiệp kỹ thuật cao để tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh; đẩy mạnh toàn diện ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng phát triển kinh tế biển; mở rộng, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… Cùng quan điểm này, có đại biểu đề nghị nên bổ sung ngành dệt may vào các lĩnh vực trọng tâm trong phát triển kinh tế, vì dệt may Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong việc mở rộng thị trường ra thế giới…

Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, Báo cáo chính trị của Đảng đề cập toàn diện trên các lĩnh vực, đúc rút được các thành tựu quan trọng của đất nước sau 30 năm đổi mới và 5 năm vừa qua. Trong đó, điểm mới của dự thảo lần này là đã xác định được thị trường là vấn đề cơ bản, Nhà nước điều tiết nền kinh tế trên cơ sở thị trường. Nhà nước xác định mục tiêu thị trường và thị trường là cái gốc để Nhà nước điều hành kinh tế, bảo đảm cho hoạt động kinh tế phát triển khoa học, đúng hướng. Dự thảo văn kiện ghi rõ, có chính sách phát triển doanh nghiệp Việt Nam là lực lượng đi đầu, nòng cốt trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Dự thảo văn kiện cũng xác định rất rõ mối liên kết kinh tế, nhấn mạnh vai trò liên kết giữa các thành phần kinh tế và các chủ thể là doanh nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng, vì liên kết các vùng, các thành phần kinh tế sẽ phát huy được hiệu quả các nguồn lực, không để lãng phí, phát huy được sức mạnh của các vùng, các thành phần kinh tế, phù hợp nguồn lực hữu hạn của nước ta. Tuy nhiên, theo đại biểu, trong dự thảo văn kiện nêu nội dung khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân đang sở hữu và kinh tế tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước là mâu thuẫn với luật, với tiến trình cổ phần hóa, vì hiện các luật đều không có quy định này, điều này sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế…

Về các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, một số đại biểu đề nghị, dự thảo văn kiện cần làm rõ hướng cụ thể cho từng lĩnh vực kinh tế, phát huy lợi thế trên bảy lĩnh vực. Tuy nhiên, trong dự thảo văn kiện chỉ đề cập phát huy được ba lĩnh vực kinh tế là kinh tế biển, dịch vụ và nông nghiệp, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng NTM. Trong nông nghiệp, chỉ định hướng phát triển theo hướng khoa học công nghệ cao, nhưng chưa làm rõ định hướng phát triển hữu cơ. Trong công nghiệp, chưa làm rõ vai trò của công nghiệp chế biến, chế tạo. Về khoa học công nghệ, dự thảo chưa làm rõ phương hướng chủ đạo trong thực hiện mục tiêu CNH, HĐH và nền kinh tế tri thức; phải có đề tài, tri thức của Việt Nam, phải tập trung đầu tư kinh phí và công nghệ để tạo ra sản phẩm kinh tế. Đồng thời, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn làm cơ sở, nền tảng cho phát triển NTM. Nếu đầu tư nhiều, nhưng người dân không tự tăng giá trị gia tăng thì việc đầu tư đó cũng không phát triển.

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII, ngày 24-10, QH thảo luận nhiều nội dung quan trọng của Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi. Đây được đánh giá là một trong những đạo luật rất quan trọng, tầm mức ảnh hưởng rộng lớn. Từng khái niệm, từng chế định đều có tác động vào nền kinh tế và các quan hệ văn hóa, kinh tế - xã hội, đang diễn ra hằng giờ, hằng ngày, liên quan cá nhân, công dân trong nước và cả đối tượng là công dân, nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Nhiều đại biểu QH quan tâm cho ý kiến những nội dung cụ thể về bảo vệ quyền dân sự (các điều 2, 5, 6 và 14 trong dự thảo BLDS sửa đổi). Nhiều ý kiến tán thành việc cần quy định về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền để thể chế hóa Hiến pháp về việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về áp dụng tập quán, lẽ công bằng, tương tự pháp luật cho phù hợp với quy định Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể, làm rõ khái niệm tập quán, tương tự pháp luật, án lệ, lẽ công bằng và cơ chế áp dụng để bảo đảm tính khả thi. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) và một số đại biểu bày tỏ tán thành quy định về quyền dân sự thông qua Tòa án vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Theo đó, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng nếu chưa có điều luật để áp dụng là trách nhiệm thuộc về Nhà nước, tranh chấp dân sự phát sinh phải được giải quyết. Nếu không, các bên tranh chấp sẽ tự giải quyết theo cách của mình, trong thực tế nhiều năm qua có thể từ tranh chấp dân sự chuyển sang thành vụ án hình sự.

Những quy định về pháp nhân được đề cập trong Chương IV của Dự thảo BLDS sửa đổi lần này. Khoản 2 Điều 74 Dự thảo Chính phủ trình QH quy định tiêu chí về tài sản của pháp nhân: “Pháp nhân có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, trừ trường hợp điều lệ hoặc luật có quy định khác”. Ủy ban TVQH đề nghị QH cho tiếp thu ý kiến nhiều đại biểu, chỉnh lý lại quy định này theo hướng giữ như quy định của BLDS hiện hành. Tiêu chí của pháp nhân là phải “có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình” như được thể hiện tại điểm c khoản 2 Điều 74 dự thảo mới, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch của quy định về pháp nhân.

Điều 75 và Điều 76 Dự thảo Bộ luật quy định hai loại pháp nhân cơ bản, đó là: Pháp nhân thương mại và Pháp nhân phi thương mại. Cùng với việc phân chia pháp nhân thành hai loại như vậy, Dự thảo Bộ luật quy định một chương riêng (Chương V) về sự tham gia của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương vào các quan hệ dân sự. Đồng thời, Điều 97 Dự thảo BLDS xác định Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan Nhà nước ở Trung ương và ở địa phương là pháp nhân. Dự thảo Bộ luật quy định “Các pháp nhân do Nhà nước CHXHCN Việt Nam thành lập không chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ dân sự của Nhà nước, cũng như ngược lại Nhà nước không chịu trách nhiệm về các trách nhiệm dân sự của các pháp nhân do Nhà nước thành lập”. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định này “có vẻ có lợi cho chúng ta nhưng mà cũng có thể có hại cho chúng ta”. Đại biểu phân tích thêm, khi chúng ta ký hợp đồng dân sự, nếu Nhà nước đứng ra chịu trách nhiệm thì người ta không được đụng chạm đến tài sản như tàu biển, máy bay... của các pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Ngược lại, chúng ta cũng không được làm điều đó với các doanh nhân nước ngoài. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu các quy định như trên có phù hợp với các công ước quốc tế không.

Tập trung phân tích nhiều nội dung trong Dự thảo BLDS sửa đổi, các đại biểu quan tâm cho ý kiến chung quanh việc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 133). Một số ý kiến tán thành với quy định tại khoản 2 Điều 133 Dự thảo BLDS, theo đó “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao hoặc được dùng để bảo đảm nghĩa vụ dân sự bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”.

Nhiều đại biểu cho rằng, thời gian qua, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tuy có nhiều cố gắng, tuy nhiên vẫn còn tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đúng đối tượng, thiếu chính xác. Thậm chí có trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang tranh chấp, chưa được xác định của ai có quyền sở hữu. Từ đó gây ra nhiều phát sinh mâu thuẫn. Không ít trường hợp lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, yếu kém, thiếu đồng bộ của cơ quan có thẩm quyền để gian dối, mua bán trá hình làm hồ sơ giả, hồ sơ không đúng để cấp giấy không đúng đối tượng. Đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) đề nghị Ban soạn thảo cần điều chỉnh quy định khi giải quyết các giao dịch này, Tòa án tùy từng trường hợp mà xem xét các hợp đồng dân sự khi có người thứ ba tham gia. Có như vậy mới bảo đảm được quyền tự do ý chí, tự do thỏa thuận của các bên trong giao dịch hợp đồng.

Chủ nhật, ngày 25-10-2015, QH nghỉ.

Hôm nay, thứ hai, ngày 26-10-2015, QH tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com