Ngày 28-10, các đại biểu QH đã nghe tổng hợp các báo cáo của các cơ quan tư pháp Trung ương về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; kết quả công tác của Viện trưởng KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao; báo cáo về công tác thi hành án và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2015.
Thảo luận các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng KSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao; công tác thi hành án; công tác PCTN, nhiều đại biểu đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, của Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao về các vấn đề nêu trên và cho rằng: Năm 2015, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp tác động vào nước ta. Ở trong nước, mặt trái của cơ chế thị trường thường xuyên tác động, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm diễn biến phức tạp, song được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, QH, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các địa phương; nhất là sự chủ động vào cuộc của các ngành chức năng, đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở các địa phương, được nhân dân và xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn diễn biến phức tạp; các vụ cướp của, giết người, tai nạn lao động, cháy nổ diễn ra nhiều nơi; tội phạm kinh tế, tài chính, ngân hàng, tội phạm công nghệ cao, buôn lậu, gian lận thương mại, bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng... gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, gây bức xúc trong xã hội. Thực tế trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó trước hết là do công tác quản lý Nhà nước ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương chưa tốt; công tác quản lý, kiểm tra hoạt động của cơ quan chức năng còn hạn chế. Cùng với đó, mặt trái của cơ chế thị trường hằng ngày, hằng giờ tác động; một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất…
Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày, trong năm 2015, cơ quan điều tra các cấp đã phát hiện, khởi tố, điều tra hơn 57.468 vụ việc xâm phạm trật tự xã hội với 89.440 bị can, giảm 5,63% số vụ và giảm 9,13% số bị can so với năm 2014. Qua kết quả điều tra cho thấy, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm vẫn hết sức tinh vi và manh động. Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm tỷ lệ cao, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội dã man, tàn bạo gây bức xúc, lo lắng trong xã hội.
Theo số liệu báo cáo, cơ quan điều tra các cấp đã phát hiện, khởi tố điều tra 1.415 vụ, 2.232 bị can về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (tăng 6,86% về số vụ và 5,51% số bị can so với năm 2014); phát hiện, khởi tố, điều tra 28 vụ, 86 bị can phạm tội về chức vụ (giảm 3,45% số vụ nhưng tăng 8,14% số bị can).
Đánh giá kết quả các mặt công tác của các cơ quan tư pháp Trung ương, Ủy ban Tư pháp của QH nhìn nhận, năm 2015, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao đã triển khai nhiều biện pháp để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Cơ quan thẩm tra đánh giá, kết quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, thực hành quyền kiểm sát hoạt động tư pháp, xét xử về cơ bản đạt được nhiều chỉ tiêu, yêu cầu theo các Nghị quyết của QH. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác thi hành án.
Tuy nhiên, đánh giá của Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn chưa phản ánh được toàn diện tình hình vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống KT-XH, mới chủ yếu tập trung trong lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự quản lý hành chính thuộc trách nhiệm của ngành Công an mà chưa thống kê, đánh giá tổng thể về tình hình xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc. Mặt khác, việc đánh giá, phân tích nguyên nhân tăng, giảm của các loại vi phạm pháp luật và tội phạm còn sơ lược, chưa chỉ ra được cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Nhiều đại biểu đề nghị các cơ quan tư pháp, ngành nội chính cần đề ra các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chủ động phòng, chống các loại tội phạm trong nước, cũng như tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm mới sẽ phát sinh trong quá trình hội nhập.
Báo cáo công tác PCTN năm 2015 do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày, nêu rõ: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn có những hạn chế nhất định. Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những bất cập trong quản lý KT-XH, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, minh bạch để phòng ngừa tham nhũng vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn, làm triệt tiêu các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết các luật đã ban hành cũng chưa được khắc phục triệt để phần nào làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và dễ tạo những sơ hở, bất cập, làm nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác PCTN còn có những hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN chưa đạt hiệu quả cao, chưa tạo được sự tác động làm thay đổi căn bản nhận thức, quan điểm của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức về tham nhũng. Nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” còn nhiều, gây bức xúc trong xã hội. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế. Việc phối hợp cung cấp thông tin ngay trong các đơn vị thực hiện nhiệm vụ trong công tác PCTN chưa rõ ràng, chặt chẽ.
Số liệu báo cáo cho thấy, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 46 vụ, 85 đối tượng so với cùng kỳ năm 2014), với số tiền 40,7 tỷ đồng. Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng. Trong đó: khởi tố mới 178 vụ, 317 bị can (so với cùng kỳ năm trước giảm 61 vụ, 242 bị can); thiệt hại khoảng 600 tỷ đồng và 9.887m2 đất; đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 103 tỷ đồng và 2.887m2 đất...
Đề cập công tác PCTN, nhiều đại biểu đồng tình báo cáo đánh giá của Chính phủ về công tác PCTN, nhấn mạnh tội phạm tham nhũng là vấn đề nhức nhối của nhiều quốc gia trên thế giới. Tham nhũng làm cho tình hình chính trị bê bối, thể chế suy yếu, để lại hậu quả lớn, gây tổn hại đến nền kinh tế, làm băng hoại đến văn hóa, đạo đức, lối sống hiện nay và mai sau. Một số đại biểu chỉ rõ dạng tham nhũng tinh vi nhất đó là tham nhũng chính sách, như chạy chọt để đưa ra các văn bản pháp luật, chính sách, điều chỉnh các dự án xây dựng, quy hoạch xây dựng mà ở đó tạo ra những cơ sở pháp lý, điều khoản phục vụ cho lợi ích nhóm, cá nhân gây thất thoát cho Nhà nước. Tham nhũng có chiều hướng phát triển còn do việc xử lý thực tế có khi “giơ cao đánh khẽ”, bao che cho nhau, né tránh sợ “rút dây động rừng” và không ít người đứng đầu còn dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ mình quản lý. Công tác kiểm tra tham nhũng của nhiều cơ quan, đơn vị còn yếu.
Do vậy, theo các đại biểu, thời gian qua, công tác PCTN chưa đạt yêu cầu, việc xử lý tội phạm tham nhũng chưa nghiêm, còn nặng về xử lý hành chính… Để đẩy mạnh công tác PCTN thời gian tới, ngoài những giải pháp của Chính phủ, cần tập trung nâng cao vai trò lãnh đạo, tính gương mẫu của đảng viên; đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác PCTN; chống tham nhũng phải đi đôi với thu hồi tài sản; phát hiện xử lý, kịp thời, công khai cá nhân tham nhũng, lãng phí...
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII, sáng 29-10, QH đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo và các văn bản quy định chi tiết thi hành, thực tế cho thấy vẫn còn những bất cập trong các quy định của Pháp lệnh chưa phù hợp tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và có những vấn đề phức tạp phát sinh như: quy định về hoạt động tín ngưỡng, đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo, phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo...
Những bất cập này đã đặt ra yêu cầu phải có một đạo luật để điều chỉnh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, cao hơn phù hợp với Hiến pháp mới, tương thích với các điều ước quốc tế đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn công tác về tín ngưỡng, tôn giáo.
Dự thảo Luật Tín ngưỡng tôn giáo trình QH lần này có bố cục gồm 11 chương, 11 mục và 68 điều, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo, tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong đó, có một chương mới quy định Quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo (từ Điều 58 đến Điều 65). Chương này với các điều luật nhằm quy định nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; quy định thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm.
Tờ trình cũng cho biết, một số quy định về hoạt động tôn giáo (từ Điều 30 đến Điều 42) đã được sửa đổi theo hướng thông thoáng, thuận lợi hơn so với Pháp lệnh như: Thẩm quyền chấp thuận hội nghị, đại hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, thông báo thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành được thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn như chỉ thông báo mà không cần phải đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi thuyên chuyển; phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử cho người có quốc tịch nước ngoài hoạt động cho tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; tạm đình chỉ hoạt động tôn giáo của chức sắc, chức việc, nhà tu hành; đăng ký người vào tu được chỉnh sửa theo các quy định của pháp luật về cư trú cho phù hợp; đăng ký hoạt động tôn giáo hằng năm được thay đổi theo hướng chỉ đăng ký lần đầu, nếu có hoạt động tôn giáo phát sinh sẽ đăng ký bổ sung.
Dự án Luật có nhiều điểm tiến bộ so với Pháp lệnh như: việc mở rộng phạm vi chủ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đưa ra quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; dành một chương riêng quy định cụ thể về sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, từ thiện, nhân đạo; quy định về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam, đồng thời xây dựng chương quản lý Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo...
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi nhấn mạnh, đa số thành viên Ủy ban nhất trí về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, đa số thành viên Ủy ban cho rằng kết cấu, bố cục của dự thảo Luật còn mất cân đối và chưa hợp lý: các quy định về tín ngưỡng còn quá đơn giản, sơ sài; nội dung còn nặng về quản lý Nhà nước mà thiếu cụ thể hóa về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; cách phân chia chương, mục, sắp xếp các điều khoản cũng chưa hợp lý. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh lại kết cấu, bố cục của dự thảo Luật để khắc phục sự bất hợp lý nêu trên.
Về chương mới của dự thảo luật, chương quản lý Nhà nước về tôn giáo, Ủy ban thẩm tra cho rằng các quy định về quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn nặng nề; cách thể hiện trong các điều luật còn mang tính hành chính, “xin - cho”, chưa thể hiện được quan điểm: “tôn trọng, bảo hộ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; hạn chế sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào các công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo” như trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cần chuyển đổi phương thức quản lý Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo từ kiểm soát sang giám sát và hướng dẫn; cần phân định rõ tính chất, mức độ khác nhau của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để có phương thức quản lý phù hợp.
Về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo (quy định tại Điều 6), Ủy ban thẩm tra nhất trí cần thiết phải quy định nội dung này trong dự thảo Luật, tạo cơ sở pháp lý để người dân biết mình được làm gì, không được làm gì, đồng thời làm căn cứ để cơ quan chức năng quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, một số hành vi bị nghiêm cấm còn khái quát, khó định lượng. Mặt khác, Điều 6 chỉ quy định những hành vi bị nghiêm cấm chung mà chưa làm rõ hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với cá nhân, hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với tổ chức; do vậy, sẽ dễ dẫn đến việc áp dụng tuỳ tiện và khó xác định chế tài xử lý.
Ủy ban thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng quy định này cũng như pháp luật có liên quan như Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính… để vừa làm rõ các hành vi bị nghiêm cấm phù hợp với các trường hợp và lý do hạn chế quyền con người theo quy định của Hiến pháp, vừa mang tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn.
Ngoài những vấn đề nêu trên, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát cụ thể về nội dung các điều, khoản, về kỹ thuật văn bản và kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật.
Cuối buổi sáng 29-10, Dự án Luật An toàn thông tin đã được QH thảo luận tại phiên họp toàn thể.
Về tên luật và phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ QH, tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH, tên gọi của dự luật được điều chỉnh thành “Luật An toàn thông tin mạng” để phù hợp hơn với nội dung dự thảo luật. Dự thảo luật không điều chỉnh về nội dung thông tin mà chỉ tập trung vào những vấn đề về an toàn cho thông tin được truyền đưa trên mạng, về kỹ thuật nhằm bảo đảm sự nguyên vẹn các nội dung thông tin trong quá trình truyền tải.
Cho ý kiến về dự án luật này, nội dung bảo vệ thông tin cá nhân đã được nhiều đại biểu quan tâm. Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, tình trạng phát tán thông tin cá nhân trên mạng tại Việt Nam đã gây bức xúc dư luận từ nhiều năm nay. Nhằm góp phần hạn chế vấn nạn này, dự thảo luật đã bổ sung những quy định tăng cường hơn nữa trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng; bổ sung quy định về trách nhiệm bảo mật, lưu trữ thông tin cá nhân của cơ quan Nhà nước. Các quy định này không trùng lắp với các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân đã được quy định tại Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử.
Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, việc không có quy định bảo vệ thông tin riêng quy định trong dự thảo luật được Ban Soạn thảo giải trình là “các nội dung liên quan đã được đề cập trong các văn bản pháp luật như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự” chưa thể làm cho đại biểu yên tâm.
Điều này cũng có mối liên hệ chặt chẽ với vấn đề bảo vệ thanh thiếu niên trước những tác động xấu, tiêu cực của internet mà nhiều đại biểu QH cũng như cử tri quan tâm. Đã có rất nhiều vụ việc đau lòng như vụ nữ sinh quyên sinh sau khi những thông tin riêng tư bị phát tán trên mạng, bị cộng đồng mạng bình luận đầy ác ý ngay cả khi gia đình nữ sinh đã lên tiếng khẩn cầu.
Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về các dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế./.
Theo Nhân dân