Nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra 2 dự án luật; nghe báo cáo giải trình 2 dự án luật và thảo luận tại tổ cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2015, kế hoạch năm 2016

08:10, 23/10/2015

Ngày 21-10 là ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII. Buổi sáng, QH nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Buổi chiều, QH nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo luật này.

Bảo đảm công khai, minh bạch, ổn định về thuế

Tờ trình về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) của Chính phủ nêu rõ: Sửa đổi luật nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu cải cách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng minh bạch, đơn giản, không phân biệt đối xử, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại, đồng thời, để khắc phục những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện. Việc sửa đổi còn xuất phát từ yêu cầu nội luật hóa quy định tại các cam kết quốc tế để thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập theo hướng ổn định, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử, bảo đảm phù hợp với các Hiệp định và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia ký kết.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH nêu: Một số quy định như Dự thảo luật còn chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung quy định về: Nội dung điều tra, căn cứ tính thuế, mức thuế suất đối với thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ vào Dự thảo luật, nhằm nâng cao tính pháp lý, giúp cho các cơ quan của Chính phủ được giao thực hiện điều tra, áp mức thuế có thêm căn cứ pháp lý. Về thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất, một số ý kiến cho rằng, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, QH quyết định về các thứ thuế. Do vậy, việc quy định như Dự thảo luật là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp. Theo đó, đề nghị: quy định rõ trong Dự thảo Luật Danh mục hàng hóa và biểu thuế suất của hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu mà Việt Nam chưa ký kết với các nước và tổ chức quốc tế; đối với một số hàng hóa cần có sự điều chỉnh, thay đổi thường xuyên theo yêu cầu quản lý kinh tế trong thực tiễn thì giao Ủy ban TVQH quyết định.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi), Ủy ban TVQH cho biết: Tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH, đã chỉ đạo rà soát, cụ thể hóa một số nội dung trong Dự thảo luật như: Quy định về chứng từ điện tử (Điều 17), chữ ký điện tử (khoản 4 Điều 19), cụ thể hơn tài khoản kế toán và hệ thống tài khoản kế toán (khoản 3 Điều 22), bổ sung quy định về đánh giá lại tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý (khoản 2 Điều 28), cụ thể hơn quy định về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ (Điều 40). Về báo cáo tài chính Nhà nước, có ý kiến đề nghị bổ sung thời hạn báo cáo QH hằng năm. Ủy ban TVQH nhận thấy, đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp nghĩa vụ thực hiện của nhiều đối tượng và cũng là vấn đề lần đầu được thực hiện ở từng địa phương và trên phạm vi cả nước. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu QH, Ủy ban TVQH đã cho bổ sung quy định: Báo cáo tài chính Nhà nước được lập và trình QH, HĐND cùng với thời điểm quyết toán ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước tại Điều 31 của Dự thảo luật.

Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi), các đại biểu QH đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi những quy định liên quan chứng từ điện tử, giao dịch chứng từ điện tử; thời gian cải cách các thủ tục hành chính trong hoạt động kế toán; rà soát các quy định để tránh trùng lặp nội dung của Luật Phí và Lệ phí. Bên cạnh đó, cần tập trung làm rõ hơn những quy định về các loại hình kế toán, điều kiện hành nghề kế toán để phù hợp với thực tế...

Hoàn thiện các quy định về chất vấn và trả lời chất vấn

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày Tờ trình về dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng (QNCN, CN, VCQP). Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa cho biết: Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành luật, nhưng đề nghị trong quá trình xây dựng và chỉnh lý dự án luật cần quan tâm khắc phục những hạn chế về địa vị pháp lý, chế độ, chính sách, quản lý, sử dụng QNCN, CN, VCQP; đồng thời, phải gắn với yêu cầu đổi mới chế độ quản lý, hệ thống chính sách, cải cách hành chính, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao để nâng cao chất lượng đội ngũ QNCN, CN, VCQP và phù hợp chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người lao động trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; không làm xáo trộn tổ chức, nhân lực, ảnh hưởng đến tư tưởng của QNCN và CN, VCQP, đặc biệt là ở các đơn vị sẵn sàng chiến đấu.

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) và một số đại biểu cho rằng, tại Điều 80 của Hiến pháp và Điều 32 của Luật Tổ chức QH đã quy định người bị chất vấn phải trả lời trước QH tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban TVQH trong thời gian giữa hai kỳ họp QH; trong trường hợp cần thiết, QH, Ủy ban TVQH cho trả lời bằng văn bản. Do vậy, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp điều kiện QH, HĐND ở nước ta thì QH, Ủy ban TVQH, HĐND, Thường trực HĐND quyết định thời gian, nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn. Trong trường hợp chưa đồng ý với việc trả lời chất vấn, đại biểu được chất vấn lại vấn đề tại phiên chất vấn. Một số ý kiến đề nghị, quy định rõ về quy trình chất vấn, trả lời chất vấn và khi trả lời chất vấn bằng văn bản, người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời, không ủy quyền cho người khác trả lời.

Về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) và một số đại biểu cho rằng, Nghị quyết số 85/2014/QH13 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã quy định chi tiết về thời điểm, quy trình, thủ tục. Do vậy, chỉ nên bổ sung vào Dự thảo luật một số quy định mang tính nguyên tắc về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, còn các vấn đề cụ thể khác sẽ tiếp tục được thực hiện theo Nghị quyết của QH về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Sáng 22-10, QH làm việc tại tổ đại biểu, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2015, kế hoạch năm 2016.

Chưa tăng lương cơ sở, khó giải thích với cử tri

Tại tổ đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Võ Thị Dung mở đầu phần thảo luận. Cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, song đại biểu Võ Thị Dung thẳng thắn nhận xét: “Báo cáo phản ánh rộng, toàn diện nhưng chưa thật sâu sắc và đầy đủ”. Có những thành tựu rất quan trọng (như kiềm chế lạm phát) chưa được phân tích kỹ nguyên nhân, rút ra bài học. Về phát triển công nghiệp, tuy tốc độ tăng khá, nhưng xét kỹ thì khu vực trong nước tăng trưởng thấp xa so với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đại biểu Võ Thị Dung đề nghị Chính phủ giải trình rõ quan điểm có chấp nhận phát triển dựa vào khối FDI làm chủ lực hay không...

Đặc biệt, đại biểu Võ Thị Dung bày tỏ quan ngại về nhiều vấn đề xã hội như tình hình trật tự trị an, một số vụ án hình sự rất nghiêm trọng, tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao... “Cử tri nói với tôi, họ thấy nhiều bất an trong cuộc sống. Trong khi đó, ở kế hoạch 5 năm tới Chính phủ cũng chưa nêu rõ giải pháp cho các vấn đề xã hội rất bức xúc này. Xã hội không ổn định, lành mạnh thì phát triển kém ý nghĩa”, đại biểu Võ Thị Dung bình luận.

Chỉ đi sâu vào một vấn đề, đại biểu Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh: “Đây là lần thứ 3 tôi phát biểu về tiền lương cơ sở. Tôi rất thông cảm với Chính phủ là ngân sách khó khăn, nhưng tiếp tục không tăng lương cơ sở vào năm 2016 như lộ trình là chưa nghiêm túc thực hiện nghị quyết của QH. Trong khi đó, năm 2016 chúng ta sẽ áp dụng cơ chế giá thị trường với nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, than, dịch vụ giáo dục, y tế… Năm ngoái đã xin hoãn tăng lương rồi, giờ hoãn tiếp, tôi không biết giải thích với cử tri thế nào”.

Bán cổ phần mà hòa chung vào ngân sách là mất hết vốn

Tại phiên họp, đại biểu Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu QH Thành phố Hồ Chí Minh, tập trung bàn sâu về các vấn đề kinh tế. Nêu yêu cầu đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 trong cả giai đoạn 2010-2015, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, tình hình chung là tích cực. “So với 5 năm trước thì chúng ta đang thuận lợi hơn nhiều. Nhưng có một số vấn đề lớn đang tồn tại, thể hiện qua các chỉ tiêu 5 năm chưa đạt. Đó là tốc độ tăng GDP, tỷ trọng đầu tư xã hội, bội chi ngân sách, tỷ trọng công nghệ cao, tăng năng suất lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc. Như vậy là cả số lượng và chất lượng tăng trưởng đều không đạt”, ông Trần Du Lịch bình luận. Vẫn đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn nhìn nhận, ở đây có cả trách nhiệm của QH trong vai trò cơ quan quyết định chính sách.

Bàn về cân đối ngân sách, vẫn Phó Trưởng Đoàn đại biểu QH Thành phố Hồ Chí Minh Trần Du Lịch nhận xét: “Chúng ta mới làm ra chỉ đủ chi thường xuyên, tiền đầu tư là tiền phải đi vay. Tôi nói vui rằng có lẽ chúng ta đã vay toàn tiền “đực”, nên không sinh nở được”! Vì thế, vấn đề lớn nhất hiện nay là tiết giảm chi thường xuyên. Nếu muốn tăng lương, Quốc hội phải có những quyết định rất mạnh mẽ. Trên cơ sở những phân tích trên, đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ quan điểm: “Không thể đi vay để tăng lương được. Muốn có tiền, phải kiên quyết cắt giảm các khoản chi tiếp khách, giao lưu, học tập, kỷ niệm, khai trương khánh thành…”. Phát biểu sau đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đồng tình: “Ngay như chúng tôi nhận được vô số giấy mời dự lễ kỷ niệm, rất tốn kém cả tiền bạc lẫn thời gian”.

Về kiến nghị của Chính phủ liên quan đến việc bán cổ phần của Nhà nước trong một số các doanh nghiệp lớn, các đại biểu Trần Du Lịch, Đinh Thị Bạch Mai... tán thành chủ trương, nhưng yêu cầu khoản tiền thu được từ bán cổ phần phải được tái đầu tư vào những địa chỉ do QH xác định rõ. “Tiền bán cổ phần mà hòa vào ngân sách rồi lại đem chi thường xuyên, thì vài năm nữa sẽ cạn hết. Đây là nguồn lực rất lớn của đất nước tích lũy bao nhiêu năm mới có, QH phải quyết định từng địa chỉ đầu tư”.

Phân tích tình hình kinh tế thế giới, đại biểu Trần Hoàng Ngân chỉ ra một số điểm đáng lo ngại, có thể tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân lạc quan về ổn định vĩ mô nói chung và tình hình tài chính - ngân sách nói riêng. “Theo con số Chính phủ cung cấp thì nợ công chỉ ở mức 61,3% GDP so với dự kiến 64%; nợ nước ngoài cũng thấp hơn mức trần. Đề nghị QH chấp nhận đề nghị của Chính phủ về đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu và phát hành trái phiếu quốc tế”, đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích.  

Mặc dù vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân còn băn khoăn về những rủi ro tiềm ẩn khi quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng. Ông phát biểu: “Tôi luôn lo ngại về độ mở của nền kinh tế. Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Xinh-ga-po về độ mở kinh tế, nhưng khả năng cạnh tranh không cao; nhân lực và tài lực còn hạn chế. Phải làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn để nâng cấp, bổ sung trang thiết bị công nghệ với lãi suất thấp… Bài toán lãi suất vẫn tiếp tục phải giải”. Để ứng phó với hội nhập, đặc biệt là với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể được thực hiện trong vài năm tới, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị QH xem xét, bổ sung luật về sở hữu trí tuệ; đồng thời có chiến lược đảm bảo tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài...

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com