Hôm qua, 20-10: Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII

08:10, 21/10/2015

Đúng 9h sáng 20-10, tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII khai mạc trọng thể.

Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, đại diện Đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Trước phiên khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quốc hội đã họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình làm việc của kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

Lễ khai mạc kỳ họp. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN
Lễ khai mạc kỳ họp. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, năm 2015, tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn giảm, giá dầu giảm sâu; tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến khó lường… đã tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta.

Ở trong nước, với sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cộng đồng doanh nghiệp, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, đạt mức cao hơn kế hoạch đề ra; cải cách hành chính có bước tiến mới; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt những kết quả tích cực.

Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cơ cấu ngân sách Nhà nước thiếu bền vững, bội chi cao, nợ công tăng; nông nghiệp tăng trưởng thấp, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn...

Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, thống nhất tư tưởng và hành động, có các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển tiếp theo.

“Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp cuối năm, kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng. Nhiệm vụ đặt ra thật nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao. Vì vậy, tôi trân trọng đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan dành thời gian và công sức tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện chu đáo các nội dung trình Quốc hội theo chương trình, tiến độ đã xác định; đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tiếp tục chương trình kỳ họp, các đại biểu Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày “Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, với sự nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015 nên trên hầu hết các lĩnh vực đều đạt kết quả quan trọng.

Trong đó, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011; dư nợ tín dụng tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện. Tỷ giá được điều chỉnh phù hợp; thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên; khắc phục một bước quan trọng tình trạng đô la hoá, vàng hoá trong nền kinh tế.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 18%/năm, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo tăng mạnh; nhập khẩu tăng 15%/năm; tỷ lệ nhập siêu giảm từ 10,2% năm 2011 xuống còn 3,6% năm 2015. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao; dự trữ ngoại hối năm 2015 đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Việc quản lý ngân sách Nhà nước được tăng cường. Thu từ dầu thô giảm mạnh nhưng thu nội địa tăng nên tổng thu ngân sách năm 2015 vẫn tăng 7,4% và 5 năm gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước. Chi ngân sách gấp 2,17 lần, tăng chi cho con người, bảo đảm an sinh xã hội. Bội chi bình quân khoảng 5% GDP/năm. Nợ công tập trung cho đầu tư phát triển đến hết năm 2015 khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5%, trong giới hạn an toàn theo quy định.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp khoảng 1,8 lần so với 5 năm trước, bằng khoảng 31,2% GDP. Vốn FDI thực hiện đạt 58,2 tỷ USD, tăng 31%. Vốn ODA giải ngân đạt khoảng 24 tỷ USD, tăng 70,5%. An ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng quan trọng được bảo đảm. Quản lý thị trường, giá cả được tăng cường; thực hiện bình ổn giá đối với một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 5 năm được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao vào những năm cuối; chất lượng tăng trưởng có bước được nâng lên. Tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%); bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm. Trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 6,74%/năm; nông, lâm, thủy sản tăng 3,01%/năm; dịch vụ tăng 6,31%/năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD (tính theo sức mua ngang giá là trên 5.600 USD).

Sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng mạnh trong những năm cuối. Năm 2015 tăng khoảng 10%, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Khu vực nông nghiệp phát triển khá ổn định, giá trị sản xuất tăng 3,85%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,5%/năm; loại trừ yếu tố giá còn tăng khoảng 5,6%, trong đó năm 2015 tăng 8,7%, cao nhất kể từ năm 2011. Khách quốc tế năm 2015 đạt khoảng 7,9 triệu lượt, gấp gần 1,6 lần so với năm 2010.

Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,42% năm 2010 lên 82,5% năm 2015. Vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn. Trong 9 tháng năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 28,5% và vốn đăng ký tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2014. Số doanh nghiệp đang hoạt động là 525 nghìn, gấp hơn 1,5 lần so với cuối năm 2010.

Trong 5 năm, cả nước tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đạt được kết quả quan trọng. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục... được đưa vào sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và tạo diện mạo mới cho đất nước.

Bằng việc triển khai thực hiện đồng bộ tái cơ cấu nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực, tập trung vào các trọng tâm, cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội chuyển dịch tích cực, trong đó đầu tư công giảm từ 35,5% năm 2010 xuống còn khoảng 30% năm 2015, đầu tư của dân cư và doanh nghiệp trong nước tăng từ 36,1% lên 42%.

Về tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là các ngân hàng thương mại. Tập trung xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Đến tháng 9-2015, nợ xấu còn 2,9% (tháng 9-2012 là 17,43%) và đã giảm 17 tổ chức tín dụng. Thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm; cung ứng vốn tốt hơn cho nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Quy mô thị trường chứng khoán tăng, mức vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng 33% GDP và thị trường trái phiếu đạt khoảng 23% vào cuối năm 2015.

Về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng Cty. Tập trung vào cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. DNNN tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Quản lý Nhà nước và quản lý của chủ sở hữu được tăng cường. Đã sắp xếp 465 DNNN, trong đó cổ phần hóa 353 doanh nghiệp.

Về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đến nay, đã có 9 huyện và 1.132 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 12,7%. Dự kiến đến cuối năm 2015, có khoảng 1.500 xã đạt chuẩn, chiếm 16,8%.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng tích cực trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế giai đoạn 2011-2015 và năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa nhận, đến nay kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, bội chi còn cao. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn.

Đặc biệt, chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn nhiều khó khăn. Huy động nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước còn hạn chế. Quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM chưa đạt yêu cầu, hiệu quả đầu tư công chưa cao. Tái cơ cấu DNNN và sắp xếp, đổi mới các Cty nông, lâm nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra.

Về mục tiêu và các chỉ tiêu kinh tế trong năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập đến mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, năm 2016 cao hơn năm 2015. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm, năm 2016 đạt 6,7%. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD, năm 2016 khoảng 2.450 USD. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm và năm 2016 bằng khoảng 31% GDP. Bội chi ngân sách Nhà nước đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP, năm 2016 là 4,95%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 tăng dưới 5%.

Để thực hiện được các chỉ tiêu trên, Thủ tướng đề nghị hệ thống chính trị cần tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Chính phủ, Nhà nước điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát tốt lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường quản lý và từng bước cơ cấu lại thu, chi ngân sách Nhà nước, tăng tỉ trọng thu nội địa và bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ; phấn đấu giảm dần bội chi. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tiếp tục tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Nâng cao hiệu quả và tập trung nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu. Khuyến khích khu vực ngoài Nhà nước đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng. Khẩn trương triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối vốn đầu tư của Nhà nước và tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Bố trí vốn tập trung ưu tiên cho vốn đối ứng các dự án ODA quan trọng; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ.

Thủ tướng Chính phủ nhận định, năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; bên cạnh những cơ hội thuận lợi, nước ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Với nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội đề ra cho năm 2016, ngay từ đầu năm Chính phủ sẽ triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tế tình hình.

Sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.

Trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, chuẩn bị cho kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 2.024 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 2.468 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp.

Mặc dù có những khó khăn do tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp nhưng kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cùng kỳ năm 2014; chính sách xã hội được thực hiện tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước tiếp tục khẳng định và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Đặc biệt, việc lần đầu tiên tiến hành tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã hoàn thành đúng tiến độ, được nhân dân cả nước rất hoan nghênh.

2.070.842 người có công đang hưởng các chính sách đã được rà soát, qua đó khẳng định: số người hưởng đúng, đủ các chính sách là 95,75%, số người hưởng đúng nhưng chưa đầy đủ là 4,16%, số người hưởng sai chính sách là 0,09%. Qua tổng rà soát, có 63.768 người đã lập hồ sơ để được xem xét hưởng chính sách người có công. Các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã và đang tích cực giải quyết những vấn đề phát hiện sau rà soát.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân vẫn còn nhiều tâm tư, lo lắng trước tình hình kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra; chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động chưa cao; giá một số sản phẩm nông nghiệp giảm; ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết tốt; an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo; tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông vẫn diễn ra phức tạp; tình hình cháy, nổ xảy ra ở nhiều nơi gây thiệt hại lớn về người và tài sản; thiên tai, mưa lũ gây ngập lụt ở nhiều địa phương; hiện tượng nước biển ngày càng dâng cao và xâm nhập sâu vào đất liền, nhất là các tỉnh ven biển khu vực Tây Nam bộ ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân; tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi.

“Cử tri và nhân dân bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng trái luật pháp quốc tế các công trình tại các đảo chìm, bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam”, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Báo cáo cũng cho biết, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mong muốn những người được bầu giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền có đủ đức, đủ tài để xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đồng thời cần kiên quyết loại trừ những trường hợp thoái hóa, biến chất, có biểu hiện tham nhũng, lợi ích nhóm tham gia vào bộ máy lãnh đạo các cấp.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cử tri và nhân dân chưa hài lòng về việc một số văn bản pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và hướng dẫn thi hành luật mới ban hành còn chậm.

Cử tri và nhân dân mong muốn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, MTTQ Việt Nam tiếp tục đề cao trách nhiệm giám sát, yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc việc giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành trong việc thực hiện trách nhiệm này.

Về tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Báo cáo do Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ trình bày cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tiếp tục được nhân dân cả nước quan tâm. Qua 4 năm thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới, đời sống nhân dân ở nông thôn ngày càng được nâng cao.

Những kết quả đó có được là do cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, các cơ quan Nhà nước từ Trung ương tới địa phương còn có sự ủng hộ, tham gia và đóng góp rất to lớn của nhân dân và các doanh nghiệp.

Tuy vậy, cử tri và nhân dân ở nhiều nơi còn băn khoăn về việc huy động đóng góp của người dân trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vẫn còn cao, nhất là đối với các vùng mật độ dân cư thấp, địa bàn khó khăn; việc lựa chọn con giống, cây giống có năng suất, chất lượng phù hợp và có tính ổn định lâu dài với từng địa phương cũng như việc thực hiện liên kết “4 nhà” đã triển khai chưa thực sự hiệu quả.

Cử tri và nhân dân phản ánh tình trạng giá lúa hiện nay thấp, nguồn cung đã vượt cầu; việc thu mua tạm trữ chỉ là biện pháp tạm thời, chưa thật sự nâng được giá lúa. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng ép giá, hủy hợp đồng thu mua lúa gây thiệt hại cho nông dân.

“Đề nghị Chính phủ quan tâm đến quy hoạch trồng lúa chất lượng cao, xây dựng các cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam xuất khẩu, có chính sách hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp, tăng cường việc áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Với việc Việt Nam đã ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức đạt được thỏa thuận, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới sẽ hình thành các chuẩn mực mới cho thương mại toàn cầu. Cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm đến phát triển ngành Nông nghiệp, trước hết là ngành chăn nuôi nước ta trước những thách thức mới.

Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa, chỉ đạo phát triển ngành Nông nghiệp, có chính sách để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ các HTX, các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi tiếp cận với nguồn vốn lớn, dài hạn để mở rộng sản xuất và hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và các vật tư nông nghiệp để hạn chế việc phụ thuộc vào nguyên liệu “đầu vào” cho nông nghiệp từ nước ngoài.

Tiếp theo chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội nghe  Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường./.

Theo chinhphu.vn

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com