Công bố bộ quy tắc thúc đẩy bình đẳng và ngăn ngừa phân biệt đối xử

08:10, 23/10/2015

Thúc đẩy bình đẳng và ngăn ngừa phân biệt đối xử chính là công cụ hữu hiệu về khía cạnh lao động để đáp ứng các cam kết và “luật chơi” khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vây, các doanh nghiệp Việt Nam cần bắt đầu nghiên cứu và thực hiện những quy tắc ứng xử, quy định của pháp luật về thúc đẩy bình đẳng và ngăn ngừa phân biệt đối xử tại doanh nghiệp của mình.

Đây là nhận định được đưa ra tại buổi hội thảo giới thiệu bộ quy tắc thực hành về thúc đẩy bình đẳng và ngăn ngừa phân biệt đối xử tại nơi làm việc tại Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 22-10 tại Hà Nội.

Bộ quy tắc thực hành hướng dẫn về những khái niệm về bình đẳng tại nơi làm việc, bình đẳng trong tuyển dụng, bình đẳng trong sử dụng lao động và hoạt động kinh doanh, các công cụ thúc đẩy bình đẳng tại nơi làm việc... Bộ quy tắc cũng phân tích cụ thể các tình huống bình đẳng và phân biệt đối xử trong các quyết định liên quan đến tuyển dụng, đào tạo nhân viên, đề bạt, cắt giảm nhân sự, hoạt động kinh doanh...

Cùng với Việt Nam, tất cả các thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đều là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Trong TPP, các thành viên đã đồng ý thông qua và duy trì trong luật và thông lệ của mình các quyền cơ bản của người lao động trong đó có loại bỏ sự phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

Từ năm 1997, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước số 111 của ILO về phân biệt đối xử trong việc làm, nghề nghiệp và Công ước số 100 về trả công bình đẳng.

Đến nay, Việt Nam đã quy định về quyền bình đẳng của mọi công dân trong Hiến pháp và cấm phân biệt đối xử trong Bộ luật Lao động năm 2012. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Nghị định số 55/2009/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bình đẳng giới từ 200 nghìn  đồng đến 40 triệu đồng.

Tuy nhiên, thúc đẩy bình đẳng và không phân biệt đối xử tại nơi làm việc không chỉ là một nghĩa vụ pháp lý và trách nhiệm xã hội với người sử dụng lao động mà còn đem lại những lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.

Bà Laura Greene, chuyên gia Văn phòng ILO tại Băng-cốc (Thái Lan) nhấn mạnh, bình đẳng và chống phân biệt đối xử đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Thúc đẩy bình đẳng sẽ giúp tăng động lực làm việc của nhân viên, tăng năng suất lao động và giúp doanh nghiệp giữ chân được những người lao động có kỹ năng vì họ cảm thấy được đối xử công bằng, được tôn trọng và có xu hướng cam kết làm việc tốt hơn với doanh nghiệp.

Các cuộc khảo sát trên thế giới cũng cho thấy, doanh nghiệp thúc đẩy bình đẳng và có sự đa dạng trong sử dụng lao động tạo ra nhiều ý tưởng cải tiến kỹ thuật, sáng tạo mới hơn. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong thúc đẩy bình đẳng giúp doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu, uy tín để tiếp cận các thị trường mới.

Bộ quy tắc thực hành là một cơ chế doanh nghiệp tự nguyện tham gia để xây dựng một môi trường làm việc bình đẳng, không phân biệt đối xử để tăng năng suất lao động. Bộ quy tắc này là những thông tin thực tiễn, hướng dẫn pháp lý, những kinh nghiệm tốt để VCCI hướng dẫn, tuyên truyền đến các doanh nghiệp./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com