Cần Thơ: Đổi mới trong sản xuất nông nghiệp

08:09, 29/09/2015

Theo Sở NN và PTNT Thành phố Cần Thơ, từ năm 2010 đến 2015, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp - thủy sản của địa phương này tăng bình quân 3,73%/năm, thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác cũng đã tăng từ 95,6 triệu đồng/ha lên 145 triệu đồng/ha.

Có được kết quả này là do thành phố đã chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển đổi mô hình sản xuất gắn với xây dựng NTM. Xác định phát triển kết cấu hạ tầng là nền tảng cho sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, những năm qua, các địa phương ở Thành phố Cần Thơ đã tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, chính quyền địa phương và sức mạnh toàn dân tập trung xây dựng hạ tầng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Kể từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hạ tầng giao thông nông thôn ở Thành phố Cần Thơ đã có bước phát triển mạnh mẽ.

 Thu hoạch lúa bằng cơ giới nâng cao hiệu quả sản xuất lúa
Thu hoạch lúa bằng cơ giới nâng cao hiệu quả sản xuất lúa

Được biết, Thành phố Cần Thơ đang triển khai Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2014-2020, trong đó tập trung phát triển ba lĩnh vực chính là quản lý nông sản hướng tới chuẩn quốc tế; đưa thủy sản thành ngành kinh tế chủ lực; phấn đấu đưa Cần Thơ trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để hoàn thành mục tiêu Đề án nói trên, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 10% đến 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố và đến năm 2020 tỷ trọng này chiếm từ 30% đến 35%, Thành phố Cần Thơ đã và đang từng bước hình thành nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trọng tâm là các khu nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm là giống và sản phẩm chất lượng cao với các loại chủ lực là lúa, rau màu, trái cây, chăn nuôi, thủy sản nước ngọt cùng các dịch vụ khoa học kỹ thuật với công nghệ đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; đồng thời cung cấp dịch vụ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao cho cả vùng.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tăng cường quản lý bảo vệ môi trường 

Theo Sở TN và MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện trên địa bàn tỉnh này có 9/14 KCN và 3/14 CCN được quy hoạch và đã đi vào hoạt động, trong đó 8/9 KCN hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Như vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ còn KCN Cái Mép là chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện dự án xử lý nước thải tập trung ở KCN này đang tiến hành san lấp mặt bằng, dự kiến sẽ đưa vào vận hành cuối quý I-2016. Sau khi đi vào hoạt động, hệ thống xử lý nước thải này sẽ có công suất là 4.000 m3/ngày đêm. Tại 3 CCN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đều đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định, đó là CCN Hắc Dịch 1, Boomin Vina và Ngãi Giao.

Với chính sách kinh tế xanh, những năm gần đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã không lấy quy mô vốn đầu tư trên từng dự án làm tiêu chí quan trọng mà những tiêu chí về công nghệ, môi trường là những yếu tố quyết định việc chọn nhà đầu tư, chọn dự án. Theo đó, tỉnh tập trung thu hút vốn vào các lĩnh vực không ảnh hưởng đến môi trường. Ðó là công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sử dụng công nghệ sạch, bảo đảm các chất thải khi thải ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Được biết, từ giữa năm 2014, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành chỉ thị về thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có 8 loại hình dự án không được tỉnh thu hút đầu tư, đó là luyện thép; chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su; sản xuất hóa chất cơ bản (có phát sinh nước thải công nghiệp); nhuộm; thuộc da; sản xuất giấy các loại, bột giấy và chế biến bột cá./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com