Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

08:09, 04/09/2015

* Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tưởng niệm Bác Hồ

Sáng 2-9, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, MTTQ Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 - 19-8-2015) và Quốc khánh 2-9 (2-9-1945 - 2-9-2015).

Tới dự buổi Lễ trọng thể này, có đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; các đồng chí nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết; đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Tới dự Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do đồng chí Bun-nhăng Vo-ra-chít, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào dẫn đầu; Đoàn đại biểu cấp cao Căm-pu-chia do bà Men Xom On, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Căm-pu-chia, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Căm-pu-chia dẫn đầu.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc diễn văn kỷ niệm tại Quảng trường Ba Đình
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc diễn văn kỷ niệm tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: TTXVN

Tới dự Lễ kỷ niệm còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước; các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương trong cả nước; các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các tướng lĩnh; các đồng chí lãnh đạo và đại diện các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội; đại biểu khách quốc tế, đại diện các đoàn ngoại giao, đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và nước ngoài; và đặc biệt là có các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành.

Đúng 7 giờ, Chương trình mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 - 19-8-2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2015) chính thức bắt đầu bằng Lễ rước đuốc truyền thống.

Tiếp theo, Quân nhạc cử Quốc thiều, đội nghi lễ thực hiện nghi lễ kéo cờ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các vị đại biểu cùng toàn thể các lực lượng tham gia nghiêm trang thực hiện Lễ chào cờ. Cùng với lời hát quốc ca hùng tráng vang khắp Quảng trường Ba Đình là 21 loạt đại bác được bắn lên từ khu vực Hoàng Thành Thăng Long.

Trong diễn văn tại Lễ mít tinh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ôn lại thời điểm lịch sử oanh liệt và đầy tự hào của Đảng, của dân tộc, đất nước: cách đây 70 năm, trong những ngày mùa thu lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Sự kiện trọng đại này là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta.

Chủ tịch nước khẳng định, Cách mạng Tháng Tám thành công dẫn đến sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, đập tan ách thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Nước ta từ một xứ thuộc địa, nửa phong kiến, trở thành một nước độc lập, tự do. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ vận mệnh của mình. Đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám là sự kiện có tầm vóc thời đại, có ý nghĩa quốc tế sâu sắc; là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các dân tộc thuộc địa, nhân dân bị áp bức, bóc lột trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Xe mô hình Quốc huy dẫn đầu đoàn diễu binh, diễu hành qua lễ đài (ảnh bên phải).
Xe mô hình Quốc huy dẫn đầu đoàn diễu binh, diễu hành qua lễ đài.
Ảnh: TTXVN

Qua gần 30 năm nỗ lực phấn đấu, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên, ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, vượt qua ngưỡng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục phát triển với những triển vọng tốt đẹp. Thắng lợi vĩ đại và những thành tựu to lớn của nhân dân ta trong 70 năm qua được nhân dân thế giới, bạn bè quốc tế cảm phục, đánh giá cao, trở thành hành trang quý báu của dân tộc ta trong công cuộc đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, ngày nay, đất nước ta đang đứng trước thời cơ, vận hội lớn; đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực thay đổi sâu sắc, khủng bố, bạo loạn, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra ở nhiều nơi; đặc biệt là sự tranh chấp chủ quyền biển, đảo ngày càng gia tăng trên Biển Đông và những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch chống phá Nhà nước ta, chế độ ta, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Ở trong nước, những thành quả đạt được trong những năm qua là rất quan trọng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, chưa bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt biểu hiện ngày càng nghiêm trọng hơn, diễn biến phức tạp hơn, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu; tệ quan liêu, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu cao cả, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh CNH-HĐH, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến về quá khứ, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc để đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước.

Tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đặc biệt là tiềm lực và thế trận lòng dân. Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng và Nhà nước, thường xuyên nêu cao cảnh giác, đánh bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Chủ tịch nước khẳng định, nhiệm vụ then chốt có ý nghĩa quyết định là xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao; có đường lối đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn đất nước, không giáo điều, bảo thủ, chủ quan, duy ý chí. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhất là nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài tiếp tục bồi đắp lòng yêu nước, đồng tâm, hiệp lực thành một khối vững chắc, tận dụng thời cơ, vượt qua mọi thử thách, nỗ lực cùng nhau phấn đấu, đưa đất nước ta sánh vai cùng bạn bè năm châu; giữ gìn toàn vẹn non sông gấm vóc ông cha ta để lại.

Chủ tịch nước tin tưởng chắc chắn rằng, dân tộc ta - một dân tộc có nền văn hiến lâu đời, có trí tuệ, bản lĩnh, truyền thống kiên cường, bất khuất, cần cù, thông minh, sáng tạo, đã từng làm nên những chiến công hiển hách, nhất định sẽ lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

Ngay sau khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết thúc bài diễn văn, Lễ diễu binh, diễu hành được bắt đầu. Chương trình mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có sự tham gia của các lực lượng vũ trang nhân dân (quân đội, công an, du kích, dân quân, tự vệ), các lực lượng quần chúng nhân dân đại diện các thành phần, lực lượng trong xã hội: CCB, công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ và các dân tộc Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chiều 2-9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nơi ở và làm việc của Người tại Nhà 67 trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Khu di tích, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh anh chị em đã làm tốt công tác đón tiếp đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế. Điều vui mừng, xúc động là đồng bào trong nước, bạn bè quốc tế đến với Khu di tích ngày càng nhiều hơn, thể hiện tình cảm kính yêu đối với Bác. Anh chị em trong Khu di tích ngày càng thấm thía tư tưởng, tình cảm của Bác, tích cực học tập và làm theo tấm gương của Bác.

Tổng Bí thư chỉ rõ: Năm nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phấn khởi kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9. Năm nay cũng là năm thứ 46 Bác Hồ đi xa vào cõi vĩnh hằng. Thắp nén hương thơm tưởng nhớ Người, đây cũng là dịp để ôn lại tư tưởng, tình cảm, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm thía những lời dạy của Người để học tập và làm theo.

Khối chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam
Khối chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trong Lễ diễu binh.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện bất hủ; sản phẩm của một tư tưởng, một trí tuệ, một tâm hồn, một nhân cách lớn của đất nước ta, dân tộc ta, danh nhân văn hóa thế giới; kết tinh tất cả những tư tưởng vĩ đại về độc lập, tự do cho dân tộc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân; quyền bình đẳng, quyền tự do của con người. Tư tưởng của Tuyên ngôn rất phong phú, nhiều mặt; Bác đã nói lên quyết tâm đấu tranh giành và giữ cho được độc lập, tự do của Tổ quốc, phấn đấu làm hết sức mình mang lại quyền lợi, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Bác nói, phải đem tất cả tinh thần và lực lượng, của cải và vật chất để giữ cho được quyền tự do, độc lập ấy. Vậy trách nhiệm của chúng ta ngày hôm nay và thế hệ mai sau là làm tất cả những gì có thể làm được theo lời dạy của Bác, giữ gìn cho được giang sơn, gấm vóc này; quyết tâm xây dựng, phát triển cho được đất nước tươi đẹp này, để mang lại độc lập, tự do, quyền được sống hạnh phúc của nhân dân. Đây cũng là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, là mong ước, nguyện vọng của nhân dân và lý tưởng của Bác Hồ”.

Tổng Bí thư chỉ rõ: Năm nay, toàn Đảng ta tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Hai yêu cầu lớn đặt ra là làm sao tất cả các cấp, các ngành quán triệt cho được tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững lý tưởng độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, đi đúng con đường Bác Hồ kính yêu đã vạch ra; đồng thời sáng suốt lựa chọn, bầu những người thực sự có đức, có tài, thực sự vì Đảng, vì dân, vì nước, vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, đây là nhân tố quyết định thành công của đất nước, của Đảng, của dân tộc. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Có đường lối đúng, đồng thời phải có cán bộ tốt, cán bộ trung kiên, tuyệt đối vì Đảng, vì dân, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Như Bác Hồ đã nói, chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Tổng Bí thư chia sẻ: Mỗi lần đến Khu di tích không chỉ tham quan, mà còn để học tập, tự kiểm nghiệm, nghĩ về công việc của mình. Tổng Bí thư mong muốn cán bộ, nhân viên Khu di tích, bằng tất cả tình cảm của mình, tiếp tục truyền đạt những tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người đến với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế; tích cực học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác. Càng gần Bác, càng phải gương mẫu, cả trong công việc chung cũng như trong đời thường, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng một tập thể thương yêu, đoàn kết tốt.

Cũng trong chiều 2-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67 thuộc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.

Sau khi thắp nén hương tỏ lòng thành kính trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, hồi tưởng lại thời khắc thiêng liêng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cách đây đúng 70 năm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Khu di tích.

Khối nữ cảnh sát giao thông trong Lễ diễu binh.
Khối nữ cảnh sát giao thông trong Lễ diễu binh.

Chủ tịch nước mong rằng, với tất cả tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ, cán bộ, nhân viên Khu di tích sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, đó là gìn giữ, bảo quản, phát huy giá trị những hiện vật quý giá, từng gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* Chiều 2-9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến tham quan Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội năm 2015, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam. Với chủ đề "Đổi mới, hội nhập và phát triển", Triển lãm giới thiệu, tôn vinh những thành tựu kinh tế - xã hội, tiềm năng và triển vọng của đất nước, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là giai đoạn đổi mới, hội nhập.

70 năm qua, từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới, trở thành điểm sáng trong xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Từ một nền kinh tế tự cấp, tự túc, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế năng động, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 300 tỷ USD, gấp khoảng 1,5 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Việt Nam có quan hệ kinh tế, thương mại với hầu hết các quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư với gần 300 tỷ USD từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào gần 20 nghìn dự án. Việt Nam cũng là thành viên tích cực, trách nhiệm của các cơ chế hợp tác khu vực và thế giới.

Tại Triển lãm, Tổng Bí thư đã đến thăm từng gian trưng bày của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Với gần 70 gian trưng bày theo 4 nội dung, trong đó Khu trưng bày khái quát thể hiện sự ra đời, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tinh thần đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thành tựu kinh tế - xã hội tiêu biểu; tiềm năng và lợi thế của đất nước. Khu trưng bày của khối các bộ, ngành Trung ương tập trung giới thiệu: Thành tựu của từng ngành, lĩnh vực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ năm 1986 đến nay)... Khu trưng bày của các địa phương gắn liền với những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội; tiềm năng và triển vọng; những sắc màu văn hóa đặc trưng của từng địa phương. Khu trưng bày của khối các doanh nghiệp hướng tới nội dung “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giới thiệu, tôn vinh thương hiệu, sản phẩm, hàng hóa Việt Nam./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com