Điểm mới của Đề án tuyển chọn lãnh đạo đó là thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu khi lựa chọn nhân sự thi tuyển và chịu trách nhiệm về nhân sự nếu được bổ nhiệm.
Việc đổi mới phương thức tuyển chọn công chức, viên chức, lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng theo hình thức “thi tuyển” đang được xem là một nhiệm vụ quan trọng nhằm phát hiện và thu hút, trọng dụng những người có đức có tài để đóng góp sức lực và trí tuệ cho sự phát triển của đất nước.
Việc thi tuyển lãnh đạo được cho là đang đem lại luồng sinh khí mới cho hoạt động của các cơ quan Nhà nước nói chung và của các cấp vụ, cấp sở, cấp phòng nói riêng. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng khi Bộ Chính trị gần đây đã thông qua Đề án này.
Tuy nhiên xung quanh việc triển khai Đề án vẫn còn ít nhiều băn khoăn. Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 27-9, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình giải đáp những thắc mắc này của người dân.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình. |
PV: Thưa Bộ trưởng, mới đây Bộ Chính trị đã thông qua Đề án đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở và cấp phòng do Bộ Nội vụ xây dựng. Tuy nhiên Bộ Chính trị cũng lưu ý một vài điểm trong quá trình thực hiện đề án này, chính vì vậy mà có một số khán thính giả gửi thư về chuyên mục hỏi là Bộ Nội vụ đã dựa vào những căn cứ và cơ sở thế nào khi mà xây dựng Đề án này?
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Nhằm khắc phục những hạn chế tồn tại trong công tác cán bộ, Hội nghị Trung ương 9 (khóa X) đã xác định tiếp tục thực hiện chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020. Trong đó, khẳng định phải đổi mới cách tuyển chọn cán bộ.
Trong thời gian qua một số bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện thí điểm, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện thí điểm chưa được thống nhất về các tiêu chí và cách thức thi tuyển còn khác nhau như phạm vi, đối tượng tham gia dự tuyển được mở rộng.
Có cơ quan, tổ chức, đơn vị không quy định đối tượng tham gia dự tuyển nằm trong diện quy hoạch, có những cơ quan, đơn vị lại mở rộng đối tượng tham gia dự tuyển đến các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp. Hay lấy việc thi tuyển để thay thế cho toàn bộ quy trình tuyển chọn cán bộ hiện nay. Về các môn thi viết thì cũng tương tự như các môn thi tuyển công chức, thi nâng ngạch công chức.
Do đó, việc xây dựng đề án đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Căn cứ vào những vấn đề này, căn cứ vào Nghị quyết
Trung ương 9 (khóa X) và căn cứ vào thực tế tổ chức thi tuyển của một số bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở đó Bộ Nội vụ đã tiến hành xây dựng Đề án.
PV: Một vị thính giả cao tuổi gửi thư về chuyên mục có hỏi: Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin báo chí, một số bộ, ngành, địa phương tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng nhưng chưa có sự thống nhất. Mỗi nơi một tiêu chí và cách tổ chức thi tuyển khác nhau, giống như nội dung mà Bộ trưởng vừa trao đổi. Vậy trong Đề án mà Bộ Chính trị đã thông qua có điểm gì mới, có những điểm bổ sung gì để Đề án này có thể triển khai hiệu quả và thống nhất được trong thực tế?
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Đề án này có rất nhiều điểm mới, thứ nhất là quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu được giao thẩm quyền đề xuất, giới thiệu nhân sự tham gia dự tuyển và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính về nhân sự nếu được bổ nhiệm.
Thứ hai là phạm vi, đối tượng được mở rộng không bị giới hạn trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cả cán bộ, công chức, viên chức. Viên chức được quy hoạch các chức vụ, chức danh tương đương ở trong từng bộ, từng ngành, từng địa phương nếu đảm bảo tiêu chuẩn điều kiện thì cũng được tham gia dự tuyển. Trường hợp những người tham gia dự tuyển không nằm trong diện quy hoạch phải được cấp ủy Đảng có thẩm quyền đồng ý.
Thứ ba, bổ sung vào quy trình là người tham gia dự tuyển phải thực hiện một bài thi viết, môn điều kiện nếu đạt 50 điểm trở lên, thang điểm 100 thì ứng cử viên này tiếp tục được trình bày và bảo vệ chương trình hành động trước khi lấy phiếu tín nhiệm trong hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của từng cơ quan, từng tổ chức, từng đơn vị.
Thứ tư, thay đổi nội dung và kết cấu phiếu tín nhiệm, đảm bảo thực chất là phiếu giới thiệu. Phần thứ nhất là một số thông tin liên quan đến người tham gia dự tuyển, phần thứ hai là phần chính, nội dung đánh giá mức độ tín nhiệm của người tham gia dự tuyển thì có 3 nội dung. Nội dung thứ nhất là phẩm chất, tư cách đạo đức của người tham gia dự tuyển; phần thứ hai là trình độ thể hiện sự am hiểu về ngành, lĩnh vực mà mình tham gia dự tuyển; thứ 3 là năng lực thể hiện nói được, viết được, làm được và ba nội dung này thể hiện, đánh giá qua mức độ là đạt, không đạt.
PV: Vậy xin hỏi Bộ trưởng, Chính phủ đã có một lộ trình như thế nào để thực hiện Đề án này đạt hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu cải cách nền hành chính Nhà nước, cải cách chế độ công vụ, công chức và để những nhân tài cảm thấy mình được trọng dụng tìm đến và ở lại phụng sự cho cơ quan Nhà nước?
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Theo tinh thần cơ bản của Đề án được Bộ Chính trị thông qua, phạm vi áp dựng thí điểm tập trung vào khoảng 1/3 bộ, ban, ngành Trung ương và 1/3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian thực hiện thí điểm từ quý 3-2015 này và đến quý 3-2018 kết thúc thời gian thí điểm.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
Theo vov.vn